Rút quân khỏi Syria: Quyết định của ông Trump rất đúng, nhưng sai thời điểm?

Quốc Vinh |

Đã có ý kiến cho rằng Tổng thống Trump nên ở lại Syria lâu hơn một chút để sắp xếp cho người bạn của mình một tương lai an toàn, thay vì lẳng lặng rời đi.

Kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump là một quyết định đúng đắn nhưng lại sai thời điểm, theo chuyên gia James Dobbins từ Tập đoàn RAND, người từng đảm nhận vai trò cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nhận định.

Theo nhà phân tích này, nếu Tổng thống Trump không sửa đổi, nước Mỹ có thể gặp phải hậu quả tai hại.

Thoát khỏi Trung Đông

Quân đội Mỹ đã hiện diện quân sự quá mức ở Trung Đông kể từ năm 2003. Cuộc xâm lược Iraq là một sai lầm chiến lược đầu tiên trong mục tiêu nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực này và có lẽ cũng là cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Kể từ năm 2008, chính quyền Barack Obama và hiện tại là Tổng thống Trump đã tìm cách đưa nước Mỹ ra khỏi chính sách không mang lại lợi ích như vậy. Cựu Tổng thống Obama tuyên bố xoay trục sang châu Á và tập trung vào thách thức đang gia tăng từ Trung Quốc.

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump, được công bố vào năm ngoái, đã mở rộng sự tái cân bằng này với các bước ưu tiên chống lại Nga cũng như Trung Quốc.

Trên thực tế quá trình xoay trục này đã gặp nhiều khó khăn. Những nơi như Iraq, Syria và Afghanistan vẫn có những vấn đề mà người Mỹ cảm thấy cần phải tham gia.

Các cam kết được thực hiện, những nhiệm vụ được chỉ rõ, các lời hứa được đưa ra, các liên minh được xây dựng, các đối tác địa phương được tuyển chọn. Tất cả đều diễn ra trơn tru, bắt nguồn từ niềm tin mà các đồng minh dành cho người Mỹ.

Mỹ có nên ở lại?

Năm 2011, chính quyền Obama đã rút sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq, từ bỏ lực lượng dân quân Sunni từng giúp các lực lượng Mỹ đánh bại al Qaeda. Vào năm 2014, khi những tàn dư al Qaeda phần nào được tổ chức lại thành nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, không có một thế lực đối địch nào chống lại mối đe dọa mới này.

Theo chuyên gia James Dobbins, mong muốn rời khỏi Syria của ông Trump phù hợp với chiến lược quốc gia của người tiền nhiệm, nhưng cách thức đưa ra quyết định này lại rất phản tác dụng. Sự bất ngờ này không chỉ mang đến lợi ích cho đối thủ mà còn làm cho đồng minh của Mỹ sự thất vọng.

Mỹ đang lãnh đạo một liên minh chống khủng bố đa quốc gia ở Syria, nhưng không ai trong số họ được hỏi ý kiến. Một số nước láng giềng của Syria, đặc biệt là Israel và Iraq được cho là sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Rút quân khỏi Syria: Quyết định của ông Trump rất đúng, nhưng sai thời điểm? - Ảnh 2.

Mỹ nợ người Kurd một sự bảo đảm ở Syria.

Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng ngay lập tức sẽ là các đối tác của Mỹ ở Syria, lực lượng người Kurd đã đóng vai trò và hy sinh không nhỏ trong cuộc chiến chống IS.

Theo nhà phân tích Dobbins, điều kiện để rút khỏi Syria mà phù hợp với danh dự và uy tín nhất của Mỹ chính là giúp các đồng minh người Kurd đàm phán một thỏa thuận với chính quyền Damascus (và với Thổ Nhĩ Kỳ), cho phép họ tự chủ ở một mức độ nào đó và cho phép họ tiếp tục bảo đảm cuộc chiến chống IS ở phía Đông của đất nước.

Việc Washington không nói gì mà chỉ lẳng lặng bỏ đi sẽ khiến cho những đối tác cũ này bị nghiền nát giữa hai thế lực thù địch. Đó cũng sẽ là thất bại tồi tệ nhất đối với Mỹ trong suốt nhiều năm qua.

Thậm chí một số quan chức Mỹ bảo thủ còn nghĩ rằng, lẽ ra lực lượng Mỹ nên ở lại lâu hơn để can ngăn người Kurd tìm kiếm một thỏa thuận như vậy với chính quyền ở Damascus.

Những ảnh hưởng ở Afghanistan

Một trong những nạn nhân của quyết định này có thể là các cuộc đàm phán hòa bình về Afghanistan. Các quan chức Mỹ hiện đang đàm phán với Taliban về việc chấm dứt cuộc chiến tại đây và rút quân Mỹ cùng các lực lượng NATO khác.

Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ của Mỹ, quyết định rút khỏi Syria sẽ làm mất đòn bẩy của các nhà đàm phán Mỹ với Afghanistan, cho Taliban mọi động lực để chờ đợi một động thái rút quân tương tự của Tổng thống Trump ở nơi đây, thay vì họ phải đưa ra những điều kiện cụ thể.

Bất chấp sự thiếu kinh nghiệm về chính trường, ông Trump cho đến nay vẫn tránh được những sai lầm ngớ ngẩn về quân sự mà trong lịch sử đã làm hỏng màn thể hiện của nhiều người tiền nhiệm – từ sự kiện vịnh Con lợn của Tổng thống John F Kennedy, cuộc chiến Black Hawk Down ở Somalia dưới thời Bill Clinton, cuộc xâm lược Iraq của George W Bush và cuộc rút lui năm 2011 của Obama khỏi Iraq.

Tuy nhiên, quyết định rời khỏi Syria này có thể sẽ là vết xe đổ mà ông Trump tiến vào, theo chuyên gia James Dobbins.

Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã khẳng định rằng quyết định rút quân của ông Trump được đưa ra cho mục đích chính trị. Nhưng bản chất bốc đồng của quyết định này đã không chú ý đến hậu quả rõ ràng. Ông Trump bị đánh giá là không hợp tác với các đồng minh hoặc thậm chí không quan tâm đến lợi ích của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại