Rút khỏi Afghanistan tạo điều kiện để Mỹ ‘xoay trục’ toàn diện sang châu Á

Hoài Thanh |

Lịch sử chi ra rằng việc Mỹ rút quân ở một khu vực này thường đi kèm chuyển tập trung can dự sang một khu vực khác.

Lực lượng Taliban tuần tra trên đường phố Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng Taliban tuần tra trên đường phố Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thời gian sẽ trả lời việc Mỹ đột ngột từ bỏ Afghanistan sau gần 20 năm cam kết – mà thực chất là một cuộc thoái lui hơn là rút quân, có phải là thời khắc mang tính định mệnh trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden hay không.

Trong khi giới nhà phân tích và bình luận cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của Mỹ trong ngắn hạn, có lý do chính đáng để tin rằng việc thoái lui khỏi Afghanistan sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các mục tiêu dài hạn và mối quan hệ của Washington ở các khu vực mang tính chất cốt lõi và thiết yếu hơn đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.

Đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với điểm nhấn là Đông Nam Á - một chiến trường chủ chốt trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia đánh giá sự thắng thế của Taliban - có khả năng đưa ​​Afghanistan quay lại chế độ chuyên chế, là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên. Số khác lại đồn đoán rằng uy tín của Mỹ sẽ phải mất thời gian để phục hồi và việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ khiến các đối thủ Trung Quốc và Nga hành động mạnh tay hơn.

Thực tế, truyền thông Trung Quốc và Nga đã tuyên bố rằng việc Mỹ rút lui khỏi Afghanistan khiến các đồng minh tiềm năng khác của Mỹ, chẳng hạn như Philippines và Đài Loan, cần nhận thức rõ một thực tế: Cam kết bảo vệ của Mỹ liệu có đáng tin cậy.

Tuy nhiên, việc Mỹ chấm dứt sự can thiệp trực tiếp và kéo dài ở Afghanistan có thể đồng nghĩa với việc gia tăng cam kết đối với các khu vực khác. Nhìn sâu sa, việc rút lui khỏi Afghanistan là cần thiết và sẽ tạo cơ hội để Mỹ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc duy trì vị thế của mình trong tương lai ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Ở một góc độ nào đó, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng là sự nối tiếp của một quá trình dịch chuyển, khởi đầu bằng việc Mỹ giảm dần chú ý và can dự tại khu vực Trung Đông từ năm 2010, khi chính quyền Barack Obama lần đầu tiên đưa ra chính sách "xoay trục" sang châu Á vào năm 2011.

Rút khỏi Afghanistan tạo điều kiện để Mỹ ‘xoay trục’ toàn diện sang châu Á - Ảnh 2.

Lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tại cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Bộ tứ theo hình thức trực tuyến hồi tháng 3/2021. Ảnh: AP

Ở thời điểm đó, số mang tư tưởng hoài nghi khẳng định đây là một phản ứng bắt buộc sau những gì đã diễn ra. Mỹ thay đổi chính sách của mình để che giấu thất bại của họ ở Trung Đông, điều vốn trở nên rõ ràng ngay cả vào đầu những năm 2010.

Nhưng nước Mỹ dưới thời Barack Obama và sau đó là Donald Trump đẩy mạnh quan tâm của Mỹ với khu vực, mà sau này được gọi là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hai đời chính quyền Mỹ trước đây đều cam kết mở rộng nguồn lực ngoại giao và quân sự cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không cần thay đổi quá nhiều về bố trí, triển khai quân sự.

Cựu Tổng thống Trump đặt nặng ưu tiên và tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và Asutralia trong khuôn khổ Đối thoại An ninh nhóm Bộ tứ (QSD, gọi tắt là Quad - nhóm Bộ tứ) – một sáng kiến vẫn đang được ông Biden theo đuổi.

Rút lực lượng khỏi Afghanistan có thể sẽ tạo thêm cho Mỹ dư địa, nguồn lực để mở rộng điều phối, hợp tác quân sự trong khuôn khổ Quad. Quan chức cấp cao của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã có cuộc gặp trực tuyến hồi tuần trước.

Nguyên thủ bốn nước này dự kiến gặp thượng đỉnh theo hình thức trực tiếp dự kiến trong tháng 9 tới. Bốn nước thành viên Quad cũng lên kế hoạch tập trận hải quân trong năm nay.

Theo Yuka Koshino, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), bất chắc ở Afghanistan thời hậu Taliban cũng có thể giúp đẩy nhanh hợp tác trong nội bộ Quad. Nổi bật nhất là lo ngại của New Delhi về sự hiện diện của các phần từ hồi giáo cực đoan ngay sát nách Ấn Độ.

Trước một Afghanistan thiếu ổn định, Ấn Độ sẽ phải tính đến huy động nguồn lực cho an ninh - vốn là điểm chính quyền Thủ tướng Nerendra Modi e dè nhất khi tiếp cận Quad.

Nếu lịch sử cho chúng ta thấy một bài học nào đó, thì đó là việc Mỹ rút quân ở một khu vực thường đồng nghĩa với một can dự thậm chí còn lớn hơn ở một khu vực khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại