Theo thống kê của tổ chức quốc tế chuyên theo dõi mạng lưới buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, hiện Indonesia đang nằm trong top những quốc gia đánh bắt cá mập lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tại châu Á, Indonesia cũng là một trong những thị trường xuất khẩu vây cá mập lớn nhất sang Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc.
Cá mập được xem là một món hàng siêu lợi nhuận khi người dân có thể săn bắt cá mập để lấy thịt, sụn, dầu và đặc biệt là vây cá và bán với giá thành rất cao. Bởi vậy, tình trạng khai thác, đánh bắt cá mập trái phép tại Indonesia phát triển vô cùng nở nộ.
Từ lâu, vi cá mập đã trở thành món ăn cao cấp và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại Trung Quốc, súp vi cá mập còn được cho là biểu tượng cho sự giàu có và lòng mến khách, thường được sử dụng trong các dịp lễ vô cùng đặc biệt như đám cưới. Thông thường, mỗi bát súp có giá 68 bảng Anh (hơn 2,2 triệu đồng).
Vào ngày 21/6 vừa qua, những hình ảnh về việc giết mổ cá mập để lấy vây đã được ghi nhận tại khu chợ cá Karngsong, Indramayu, tỉnh Tây Java, Indonesia.
Hình ảnh hàng nghìn con cá mập bị xẻo vây, phơi xác giữa chợ Indonesia đã trở nên quá đỗi quen thuộc.
Vây cá thường được phơi khô trước khi chuyển sang các quốc gia khác tại châu Á.
Theo báo cáo của Jakarta Post, mỗi năm, quốc gia này lại sản xuất ít nhất 486 tấn vây cá khô.
Mặc dù chính phủ đã ban hành điều luật cấm săn bắt cá mập thế nhưng do lợi nhuận quá hấp dẫn nên nên việc đánh bắt, buôn bán cá mập vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.
Trước thực trạng này, các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Indonesia đều vô cùng đau đầu. "Hiện, Indonesia đang thuộc top 20 quốc gia đánh bắt cá mập nhiều nhất thế giới", Giám đốc chiến dịch giải cứu cá mập Indonesia Riyanni Djangkaru cho biết trong 1 bài phát biểu vào năm ngoái.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WildAid, 14 loài cá mập, thường bị săn bắt phục vụ mục đích thương mại, đều đang phải đối mặt với nguy cơ giảm "dân số", khoảng từ 40 đến 99%.