Rừng Amazon tạo ra được bao nhiêu oxy cho thế giới? Hóa ra không nhiều như bạn nghĩ

Billvn |

Các vụ cháy rừng liên tiếp ở Amazon làm nhiều người quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến lượng oxy trên thế giới. Sự thật có phải như vậy không?

Không chỉ tuần qua mà từ lâu tình trạng của rừng Amazon luôn gây được sự chú ý của dư luận quốc tế, khi các báo cáo cho thấy Brazil – nơi có 60% diện tích rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới – đã gia tăng đáng kể các vụ cháy rừng trong năm nay.

Nhiều cơ quan truyền thông, tổ chức từ thiện, người nổi tiếng và thậm chí các nhà lãnh đạo thế giới đã lặp lại tuyên bố rằng Amazon là nguồn cung cấp 20% lượng oxy cho thế giới. Những cá nhân và tổ chức này cho rằng vụ cháy rừng nghiêm trọng đang xảy ra ở Amazon sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung oxy của thế giới.

Nhưng điều này có đúng không? Các chuyên gia nói rằng con số thực sự thực sự nhỏ hơn.

Rừng Amazon tạo ra được bao nhiêu oxy cho thế giới? Hóa ra không nhiều như bạn nghĩ - Ảnh 1.

Phạm vi bao phủ của rừng mưa Amazon.

Allison Mills, Phó Giám đốc Truyền thông Nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Michigan, nói với Newsweek rằng: "Tôi thấy con số 20% này trên khắp các phương tiện truyền thông nhưng thực sự nó không có ý nghĩa quá nhiều. Có rất nhiều, rất nhiều lý do để lo lắng khi chúng ta thấy nạn phá rừng và đốt cháy rừng ở Amazon, tuy nhiên việc cung cấp oxy cho thế giới không nằm trong số này".

Trên thực tế, nồng độ oxy của thế giới thực sự khá ổn định và không phụ thuộc vào rừng mưa.

Philip Fearnside, giáo sư tại Viện nghiên cứu Amazonia của Brazil cho biết: "Thật ngạc nhiên khi thấy các phương tiện truyền thông chính thống tuyên bố rằng 20% oxy trên thế giới đến từ Amazon. Amazonia không phải là một nguồn oxy lớn vì cây cối hô hấp, giống như động vật. Cây sử dụng hầu hết oxy mà chúng tạo ra".

Trong quang hợp, thực vật thu giữ và lưu trữ năng lượng mặt trời, sử dụng nó để chuyển đổi carbon dioxide trong không khí thành các phân tử đường mà chúng sẽ hấp thụ và tạo ra oxy như là một sản phẩm phụ.

Ông chia sẻ tiếp: "Có một sự giải phóng oxy trong khi cây đang phát triển và lưu trữ carbon trong gỗ của nó, nhưng khi cây chết thì gỗ bị mục nát, nó cần một lượng oxy tương tự trong không khí để tạo thành carbon dioxide (CO2) từ carbon trong gỗ.

Sự giải phóng oxy chỉ xảy ra khi carbon bị cô lập thông qua quá trình quang hợp, lượng carbon này sẽ bị chôn vùi ở nơi chúng không thể kết hợp với oxy để tạo thành CO2. Trên phạm vi toàn cầu, carbon được lưu giữ chủ yếu ở dưới đáy đại dương, nơi một số các sinh vật chìm xuống đáy khi chúng chết và bị chôn vùi trong trầm tích".

Rừng Amazon tạo ra được bao nhiêu oxy cho thế giới? Hóa ra không nhiều như bạn nghĩ - Ảnh 2.

Về cơ bản, điều này có nghĩa là tác động của rừng mưa Amazon đối với lượng oxy trong khí quyển toàn cầu "gần như không có gì". Theo Mills, nguyên nhân là do quá trình quang hợp để tạo ra vật chất mới cho thực vật cũng gần như cân bằng với quá trình vi khuẩn phân hủy thực vật chết.

Cô nói: "Lượng oxy trong khí quyển là 20,95% và nó không thay đổi nhiều. Do đó, việc cháy rừng Amazon hầu như không ảnh hưởng đến lượng oxy trong khí quyển".

Mills lưu ý rằng kể từ năm 1990, mức độ oxy trong khí quyển đã giảm 0,005%.

Theo nhà khoa học này, sự sụt giảm oxy trong không khí là do đốt nhiên liệu hóa thạch (phần lớn) và khoảng 10% là do đốt sinh khối liên quan đến nạn phá rừng trên toàn thế giới. Nếu coi việc phá rừng ở Amazon chiếm 50% số vụ phá rừng toàn cầu thì nó chỉ đóng góp khoảng 5% trong con số 0,005% lượng oxy suy giảm trong khí quyển thời gian qua.

Vì vậy, nếu mất cả rừng Amazon thì nó cũng chỉ ảnh hưởng chưa đến 1% lượng oxy trong khí quyển của chúng ta.

Nhưng ngay cả khi Amazon có ảnh hưởng rất nhỏ đến mức oxy tổng thể trong bầu khí quyển của Trái đất thì người ta vẫn muốn biết nó tạo ra được lượng oxy bao nhiêu? Mills nói rằng thảm thực vật nhiệt đới chịu trách nhiệm cho khoảng 25% oxy được tạo ra bởi quá trình quang hợp trên đất liền, thông qua cây, cây bụi, cỏ và các loại thực vật khác.

Tham khảo: newsweek

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại