Trước đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Biarritz, Tây Nam nước Pháp, G7 đã nhất trí chi 20 triệu euro cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này và kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn.
Tổng thống Pháp Macron đã coi đây là vấn đề ưu tiên của hội nghị và cảnh báo sẽ chặn thỏa thuận thương mại mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh nếu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không có bước đi bảo vệ rừng Amazon. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tổng thống Brazil.
Hai bên đã lâm vào khẩu chiến trong suốt vài ngày qua. Tổng thống Brazil Bolsonaro cho rằng kế hoạch lập "liên minh" để cứu rừng Amazon của ông Macron coi quốc gia Nam Mỹ này "như thể chúng tôi là một thuộc địa hay một vùng đất không người". Chính phủ Brazil đã từ chối nhận khoản hỗ trợ 20 triệu euro của các nước G7.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cam kết hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Brazil Bolsonaro trong nỗ lực cứu rừng Amazon. Trên Twitter, ông Trump viết: "Ông ấy (Bolsonaro) đang rất nỗ lực để dập tắt những đám cháy rừng Amazon và trên tất cả các khía cạnh đang làm là một công việc tuyệt vời đối người dân Brazil. Không phải dễ dàng! Ông ấy và đất nước ông ấy có được sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ".
Sáng kiến trên được công bố sau khi các lãnh đạo G7 thảo luận về vấn đề môi trường, trong đó tập trung vào các vụ hỏa hoạn đã phá hủy một diện tích rộng lớn của rừng Amazon. Các số liệu chính thức cho thấy gần 80.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, con số cao nhất hằng năm kể từ năm 2013. Hơn một nửa số này xảy ra ở lòng chảo lớn Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống.
Trước tình hình nghiêm trọng này, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã ra lệnh cho quân đội tham gia chống chọi với các cháy rừng và trên 44.000 binh sỹ đã được triển khai tại khu vực này.
Rừng mưa Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Peru, Bolivia, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname, Guyana thuộc Pháp và Ecuador.
Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide.
Được xem là "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.
Cháy rừng tại Brazil đã lan qua biên giới sang rừng Chiquitano của Bolivia.
Link bài gốc tại đây.