"Liên minh đặc biệt" đưa quân tới Ukraine
RTVI - kênh truyền hình quốc tế độc lập bằng tiếng Nga, có trụ sở tại New York (Mỹ) ngày 7/5 đưa tin, Ba Lan và các nước Baltic có thể thành lập một "liên minh đặc biệt" và đưa quân tới Ukraine theo ý tưởng của Pháp.
Trước đó, ngày 2/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa tuyên bố khả năng đưa quân Pháp tới Ukraine. Hai ngày sau, thông qua bài viết trên tờ Asia Times, cựu trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Bryan tiết lộ, Paris đã đưa 100 binh sĩ – nhóm quân đầu tiên thuộc "Quân đoàn nước ngoài" của Pháp tới Ukraine.
Hiện tại, Paris phủ nhận việc đưa binh sĩ thuộc Quân đoàn nước ngoài tới Ukraine, nhưng không bác bỏ ý định điều quân của mình.
"Đã có những báo cáo cho biết, một liên minh đặc biệt có thể được thành lập, bao gồm Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Trước đó, lính đánh thuê do các nước này đưa tới đã ghi nhận thiệt hại ở Ukraine. Do vậy, họ có thể sẽ cử tới các đơn vị tác chiến mới. Tuy nhiên, quân số từ các nước Baltic sẽ hơi ít, Ba Lan có thể sẽ nhiều hơn một chút" – RTVI dẫn lời chuyên gia quân sự Andrei Koshkin cho hay.
Hiện tại, ngoài Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ ý tưởng của Pháp, các quốc gia thành viên còn lại trong NATO tỏ ra không đồng tình.
Trong đó, Đức thể hiện sự phản đối kịch liệt nhất khi "dứt khoát từ chối" ý tưởng của Paris và nhấn mạnh rằng lực lượng tác chiến trên bộ của họ chắc chắn sẽ không được điều động tới khu vực xung đột Nga-Ukraine.
Tờ Politico (Mỹ) và tờ Baltic News Service (chi nhánh Lithuania) cho biết, ngay từ tháng 3 năm nay, Pháp đã tiến hành các bước ban đầu để xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng điều quân đội tới Ukraine.
Vào ngày 8/3, Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã có mặt tại Lithuania, gặp gỡ những người đồng cấp đến từ 3 nước Baltic và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba để củng cố ý tưởng rằng, quân đội phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine.
Tại cuộc họp, 3 Ngoại trưởng nước Baltic đều đồng tình với ý tưởng của Pháp và ca ngợi Paris "có tầm nhìn".
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski mặc dù không tham gia cuộc họp nhưng trong một phát biểu vào cùng khoảng thời gian này, ông Sikorski tuyên bố: "Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng được".
Ba Lan: Nhân tố đáng gờm
Trong số 4 nước đang có ý định đưa quân tới Ukraine, Ba Lan được xem là nhân tố đáng gờm, cả về số lượng và chất lượng binh sĩ.
Vào tháng 3 năm nay, Warsaw đã tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), trong đó áp đặt những hạn chế về số lượng vũ khí và đơn vị chiến đấu của quốc gia tham gia thỏa thuận.
Động thái này nhằm đáp ứng mong muốn của chính phủ Ba Lan là tạo ra đội quân trên bộ lớn nhất và có tính sẵn sàng chiến đấu cao nhất tại châu Âu.
Theo hãng tin RT (Nga), chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, quy mô của lực lượng vũ trang Ba Lan đã tăng gấp đôi: từ 95.000 lên 200.000 người, trong đó có 148.000 quân nhân chuyên nghiệp.
Bộ Quốc phòng Ba Lan vào tháng 1/2024 cho biết, họ đang tuyển mộ khoảng 8.000 binh sĩ cho Lực lượng Phòng thủ lãnh thổ, và đặt mục tiêu đưa tổng quân số của quân đội Ba Lan lên 300.000 quân trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga.
Chuyên gia cải cách quân sự Ba Lan Mariusz Blaszczak cho hay, các động thái của Warsaw nhằm "tạo ra mức độ răn đe nhất định tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, để từ đó nhà lãnh đạo Nga từ bỏ ý định tấn công Ba Lan".
Ngày 5/4 vừa qua, Ba Lan đã tuyên bố thành lập phái bộ chung của NATO ở Ukraine, trong đó sử dụng khả năng phối hợp, huấn luyện, lập kế hoạch của NATO để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Cũng trong tháng 4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố Warsaw "sẵn sàng" tiếp nhận vũ khí hạt nhân của NATO để củng cố sức mạnh ở sườn Đông của liên minh – động thái mà Moscow chỉ trích là "rất nguy hiểm".
Do đó, việc nước này có ý định điều quân tới Ukraine (dù quân số không quá lớn) hay tiếp sức cho Pháp đưa quân tới Ukraine đều có thể gây ra những bất lợi nhất định cho Nga.
Nga cảnh cáo đòn giáng khốc liệt
Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Pháp Pierre Levy ở Moscow để phản đối "những tuyên bố ngày càng hiếu chiến của giới lãnh đạo Pháp, và thông tin về sự can dự ngày càng tăng của Paris vào cuộc xung đột ở Ukraine".
Nga nhấn mạnh, những động thái của Pháp đã tạo ra một số "bất ổn chiến lược" thông qua "những tuyên bố vô trách nhiệm về việc có thể cử lực lượng quân sự phương Tây tới Ukraine" và Moscow khẳng định rằng nếu làm vậy, Pháp sẽ thất bại.
Trước đó, Điện Kremlin đã đồng thời cảnh báo "đòn giáng không thể phục hồi" đối với những nước đang có ý định làm theo ý tưởng của Paris.
Ông Leonid Slutsky - người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế gọi ý tưởng thành lập liên minh đưa quân tới Ukraine là "quyết định tự sát" và cho rằng nó chỉ có thể nhận được sự ủng hộ từ phía các nước Baltic - những phía "không muốn mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua bài Nga".
Trong khi đó, ông Alexey Zhuravlev - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga cảnh báo, mọi binh sĩ nước ngoài tới Ukraine đều được Nga xem là "lính đánh thuê" và trở thành mục tiêu hợp pháp của Moscow.
Liên quan tới thông tin Pháp phủ nhận đưa quân tới Ukraine, bà Svetlana Zhurova, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga ngày 7/5 cho biết, tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (tự xưng), một "lính đánh thuê" nước ngoài (Moscow gọi các binh sĩ nước ngoài điều tới Ukraine là "lính đánh thuê") đã bị phát hiện có các dấu hiệu liên quan tới Pháp, ví dụ như tay áo mang hình lá cờ Pháp theo thiết kế riêng dành cho quân đội.
Theo bà Zhurova, đây là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của quân Pháp ở Ukraine dù "Paris không chính thức thừa nhận rằng họ điều binh tới đây".
Tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) cho biết, nhóm Pháp đưa tới Ukraine đã có cuộc giao tranh đầu tiên với lực lượng Nga gần Chasiv Yar và thiệt hại 7 người.
Trong một bình luận liên quan tới việc các nước phương Tây định điều quân tới Ukraine, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter cũng cảnh báo về đòn giáng khốc liệt của Nga.
"Một số tướng lĩnh Pháp lầm tưởng rằng Nga sẽ không tấn công vì Pháp có 200 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phía Nga có hàng nghìn vũ khí như vậy. Họ (Nga) sẽ quét sạch bạn khỏi mặt đất và đó là điều mà nước Pháp phải hiểu" – Ritter nói.
Cựu sĩ quan đồng thời lưu ý rằng, các trung tâm hậu cần của Pháp đặt tại Romania có thể là trở thành mục tiêu của Nga. Ông khuyên nhà chức trách Pháp "im lặng", đồng thời kêu gọi Washington gây ảnh hưởng để Paris ngừng leo thang.