2.000 quả đạn pháo các cỡ từ phía trên những triền núi xung quanh lao vun vút về phía cứ điểm Him Lam (Pháp gọi là Béatrice) sau hiệu lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chiều 13/3/1954, tạo nên một đợt rung chấn dữ dội mà sau này một lính Pháp thoát chết ở Điện Biên Phủ trở về đã ví như "trận hồng thủy".
Theo tư liệu của Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Trung tá Charles Piroth - Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm kiêm chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên khi ấy rất hoảng loạn và sợ hãi, dù trước đó không lâu vừa khẳng định với Tướng Henri Navarre - Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương rằng "Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện".
Piroth tin 30 lựu pháo cùng nhiều súng cối hạng nặng của Pháp ở trung tâm cụm cứ điểm có thể dồn hỏa lực về bất cứ hướng tấn công nào, từ đó "dễ dàng làm câm họng pháo của đối phương".
Cần lưu ý rằng, pháo binh Pháp lúc đó tại Điện Biên Phủ vượt trội pháo binh ta về tính chính quy và trình độ tác chiến. Họ sử dụng cách bố trí "khẩu đội tập trung" nổi tiếng, trong khi triển khai không quân với vai trò như "pháo binh trên không".
Thế nhưng, chỉ sau 15 phút khai hỏa, hỏa lực quân ta đã gần như áp đảo. Điều bất ngờ lớn nhất với Piroth là quân Pháp không phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn.
Trong cơn điên cuồng, nhằm lấy lại thể diện và may ra có thể vớt vát tình hình, ngay tối 13/3, Piroth đã ra lệnh giội 6.000 quả đạn cối các loại xuống khu vực xung quanh Him Lam. Tuy nhiên, vào 22 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta đã hoàn toàn kiểm soát được cứ điểm. Tuyến phòng thủ ngoại vi kiên cố nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ chính thức bị phá vỡ.
Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, ông Jean Pouget - sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Navarre kể lại rằng, Piroth đã dành trọn một đêm (13/3) để quan sát hỏa lực đang dần bị lực lượng Việt Minh phản pháo chính xác "một cách khủng khiếp" vào trận địa.
Trung tá Andre Trancart - chỉ huy phân khu Bắc, đồng thời là bạn thân của Piroth cho biết, sau trận đánh giành đồi Độc Lập (Pháp gọi là Gabrielle) của lực lượng Việt Minh ngày 14/3, Piroth khóc và nói: "Tôi mất hết danh dự rồi. Tôi đã đảm bảo với Đại tá Castries và Tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, vậy mà giờ đây, ta sắp thua trận. Tôi phải đi thôi".
Trong bốt chỉ huy, Piroth luôn miệng lẩm bẩm một mình với hai hàng nước mắt rằng, lẽ ra ông ta phải triển khai hỏa lực phản pháo sớm hơn để giành lợi thế.
Ngày hôm sau (15/3), người ta tìm thấy thi hài của viên trung tá trên một chiếc giường nhỏ trong hầm. Ông ta đã dùng răng kéo chốt lựu đạn, ôm chặt vào người rồi thả chốt ra để tự sát.
Đại tá De Castries cố giữ bí mật về cái chết của Piroth nhưng tin tức về vụ tự sát nhanh chóng lan truyền tới các đơn vị chiến đấu.
Cuốn "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" của PGS TS Cao Văn Liên tiết lộ thêm rằng, 10 phút trước khi Piroth tự sát, ông ta đã bị Đại tá De Castries gọi tới sở chỉ huy.
Piroth bước vào hầm của Đại tá Castries với vẻ thất thần hoảng hốt. Khi Castrie yêu cầu Piroth bước lại bản đồ Điện Biên Phủ để chỉ xem pháo Việt Minh nằm ở chỗ nào, viên Trung tá tay run run cầm cây gậy nhỏ chỉ vào một vài điểm mơ hồ trên bản đồ, miệng lắp bắp: "Thưa Đại tá, có lẽ đây, là đây".
Lập tức, Piroth bị Castries gay gắt: "Có lẽ, có lẽ, pháo binh mà có lẽ, có lẽ mơ hồ như vậy thì chết chúng ta rồi".
Như đã đề cập ở trên, điều gây choáng váng nhất cho Piroth ngay từ trận Him Lam là quân Pháp không phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn.
Sau này, trong cuốn "Nous étions à Dien-Bien-Phu", ông Jean Pouget dẫn lời Tướng Navarre thừa nhận: "Việt Minh đã xây dựng một hệ thống đường cho pháo, các trận địa cho pháo mặt đất và pháo phòng không.
Những trận địa này được ngụy trang khéo đến mức chúng tôi khó phát hiện. Pháo của Việt Minh được bố trí rất khác với cách thông thường. Thay vì từng khẩu riêng rẽ đặt trên những vị trí có thể quan sát tốt mục tiêu, chúng được đặt trong hầm và bắn qua lỗ châu mai".
Pháo và hệ thống đường hào của quân ta đã tạo nên "thế trận thần kỳ". Ông Pierre Flamen - Nguyên lính dù Tiểu đoàn dù số 6, Quân đội Pháp đại Điện Biên Phủ cho biết, Pháp "không có công cụ nào và chưa bao giờ lấp được các đường hào của Việt Minh. Tướng Giáp đã sử dụng hệ thống này vì ông ấy biết rõ rằng đối phương không thể đối phó được".
Tờ Pravda (Nga) đánh giá, lực lượng Việt Minh đã xây dựng cấu trúc công sự khá tốt, giấu pháo trong các hầm dạng hàm ếch kiên cố, khoét sâu trong lòng núi. Bên cạnh đó, kỹ năng bắn pháo của Việt Minh khiến đối phương phải bất ngờ.
"Chỉ trong nửa giờ, 40 khẩu pháo các loại cỡ từ 75 đến 120mm đồng loạt nã đạn vào các khu đồi. Quân Pháp phản pháo nhưng không thành công" - Pravda cho hay.
Trả lời báo Biên Phòng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh cho biết thêm rằng, pháo binh của ta ngụy trang và nghi binh rất khéo, dựng sẵn các trận địa giả. Khi pháo ta bắn, các trận địa giả cũng tiến hành đánh thuốc nổ, tạo chớp lửa đầu nòng, khiến cho Pháp không thể tìm ra trận địa pháo thật của ta.
Liên quan tới khía cạnh này, tờ New York Times (Mỹ) cho biết, Pháp bất ngờ trước khả năng ngụy trang của pháo binh Việt Minh, cũng như số lượng pháo (hơn 200 khẩu) mà Việt Minh có thể đưa lên Điện Biên Phủ.
"Pháo binh Việt Minh được ngụy trang tuyệt vời tới mức cho đến ngày nay, người ta vẫn nghi ngờ liệu hỏa lực phản pháo của Pháp có thể làm 'câm nín' được nhiều khẩu pháo của đối phương hay không" - NYT viết.
Có một điều nữa khiến quân Pháp không ngờ tới là những khẩu pháo hạng nặng của ta ở Điện Biên Phủ. Trước đây, họ mới chỉ thấy ta có sơn pháo (hay pháo mang vác) và các loại súng cối.
Trên tạp chí "Kêpi trắng" số ra tháng 10/1962, Kubiak - hạ sĩ Pháp còn sống sót sau đợt pháo kích của quân ta trong trận Him Lam - kể lại rằng: "Tất cả (quân Pháp) đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh đưa pháo bằng cách nào lên tận lưng chừng các mỏm núi cao này".
Trước đó, Pháp tỏ ra nghi ngờ khả năng quân ta có thể mang pháo lên Điện Biên Phủ. Báo cáo nghiên cứu của tình báo Pháp viết: "Mở đường đưa đại bác vào Điện Biên Phủ là công việc của Héc-quyn. Những đường mòn đơn giản cũng chẳng bao giờ được vạch ra".
Quân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN, QĐND
Thế nhưng, chỉ trong 1 đêm, hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ công binh và tiểu đoàn bộ binh đã san rừng, bạt núi để hoàn tất con đường dài 15km, rộng 3m bắt đầu từ cửa rừng Nà Nhạn, đi qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét rồi xuống bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới bản Nghễu vào trận địa.
Con đường này, với hơn chục dốc cao (có dốc tới 70 độ) và nằm cạnh vực sâu, là con đường kéo pháo bằng tay chưa từng có trên thế giới.
Từ ngày 16/1/1954, quân ta bắt đầu kéo pháo đến các vị trí đã định. Để di chuyển những khẩu pháo nặng hàng tấn, 80-100 người đứng thành 4 hàng dây phía trước, kết hợp với tời quay tay kéo nhích từng đoạn. Hai bên là các pháo thủ vác càng, cần, chèn bánh pháo.
Ban đêm không được soi đèn, mọi người nảy ra sáng kiến là cho 2 chiến sĩ mặc 2 mảnh vải dù trắng - màu dễ nhận biết trong bóng tối - đi trước làm "cột mốc" cho đoàn kéo pháo qua.
Mỗi người ban đầu có 1 đôi giày vải nhưng chỉ đi được vài ngày do đường lầy lội, lại thường xuyên phải dùng giày ghì dây kéo pháo. Thành ra, trong phần lớn chiến dịch, tất cả đều "chân không đạp đất" suốt ngày đêm.
Mất 9 ngày kéo pháo băng qua hơn 10 km chỉ bằng sức người, lực lượng ta đã đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, ngay sát đồi Độc Lập, chỉ cách có 400m mà địch vẫn không hay biết.
Tuy nhiên, ngày 25/1/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển chiến thuật từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", lập thế trận mới. Do vậy, quân ta lại dùng tay kéo pháo ra, gian khổ không kém khi kéo vào, làm nên kỳ tích lịch sử của quân dân Việt.
Đầu tháng 3/1954, sau khi công tác chuẩn bị thế trận mới hoàn tất, quân ta lần nữa kéo pháo vào trận địa. Lần này, các đơn vị bộ binh và công bình đã kịp thời mở được 63km đường cho ô-tô kéo pháo nên chỉ trong vòng 2 ngày, đến đêm 11/3, pháo ta đã vào chiếm lĩnh trận địa an toàn và bí mật.
Tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers trong cuốn "Kết thúc của một cuộc chiến tranh" xuất bản ở Paris năm 1960 nhận định, trận pháo mở màn cho cuộc tiến công mạnh mẽ của Việt Minh vào Điện Biên Phủ đã cho thấy "sức mạnh không thể nghi ngờ về đội quân mới của tướng Võ Nguyên Giáp".
Những quả trọng pháo đầu tiên của Việt Minh rơi xuống vị trí chỉ huy của cứ điểm Độc Lập đã đánh dấu bước ngoặt của trận đánh, giết chết Đại tá Gaucher, chỉ huy Bán lữ đoàn lê dương thứ 13 và 3 phó chỉ huy của ông ta.
Để rồi, ngay từ sáng 15/3/1954, trong thâm tâm, tướng Navarre, ông Dejean (Cao ủy Pháp tại Đông Dương), cùng bộ tham mưu Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn đã không còn chút nghi ngờ về kết cục thất bại của họ trong trận đánh này.