"Rồng lửa" S-400 hé lộ kết nối "bằng mặt mà không bằng lòng" giữa Nga và Thổ

Minh Đức |

Ankara gần như chắc chắn sẽ không từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa S-400 từ Nga, nhưng nguyên nhân thực sự phía sau là gì?

Liên minh gần 70 năm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần tới giai đoạn phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Quốc hội Mỹ trong tuần qua tiến hành bỏ phiếu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thỏa thuận mua tên lửa S-400 từ Nga.

Trước mối quan hệ được đánh giá là ngày càng thân thiết giữa Ankara và Moscow, Washington đang chuẩn bị dừng hợp tác quốc phòng và áp dụng trừng phạt chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, những động thái này gần như chắc chắn thắt chặt hơn mối ràng buộc Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sắp sở hữu hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất và được thiết kế để bắn hạ các phi cơ của chính NATO. Trong quá khứ, giới chức Mỹ từng nhìn nhận Thổ như một hình mẫu cho các quốc gia mà người Hồi giáo chiếm ưu thế.

Nhưng giờ đây, Ankara hầu như không còn người ủng hộ tại Nhà Trắng. Những chiến dịch nhằm vào báo giới và đối thủ chính trị của Tổng thống Erdogan đã khiến thái độ không hài lòng với ông tại Washington không ngừng gia tăng.

Những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như quan hệ quốc phòng mở rộng Nga – Thổ, tạo ra một ấn tượng rằng Ankara đang trở thành một đồng minh của Nga.

Rồng lửa S-400 hé lộ kết nối bằng mặt mà không bằng lòng giữa Nga và Thổ - Ảnh 2.

Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là "trong lạnh, ngoài nóng"? (ảnh: getty)

Mặc dù vậy, trang The Hill nhận định, sự thực là Ankara đang cảm thấy bị đe dọa bởi nước láng giềng khổng lồ ở phía bắc.

Trong khoảng thế kỷ 17-20, hai đế chế người Ottoman và Nga là những đối thủ sống còn với nhau. Cho tới sự sụp đổ của Đế chế Nga năm 1917, người Nga và người Thổ đã trải qua ít nhất 17 cuộc chiến tranh, trong đó người Thổ phần lớn thua cuộc.

Quyết định gia nhập NATO cũng như "đảo trục" về phía Mỹ của Ankara, được cho là xuất phát từ những dè chừng trước Nga. Năm 2015, Thổ từng bắn hạ một máy bay của Nga liên quan tới cuộc nội chiến tại Syria, nơi cả Ankara và Moscow đều ủng hộ những lực lượng đối lập nhau.

Quyết định mua hệ thống S-400 của Thổ xuất phát từ một bối cảnh phức tạp. Trong một thập kỷ, Ankara luôn cố gắng sở hữu hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ nhưng không thành công.

Kết quả là, Thổ phải tìm kiếm những thay thế bao gồm cả một hệ thống tên lửa đến từ Trung Quốc vào năm 2013. Sau cuộc nổi loạn nhằm vào Tổng thống Erdogan, Ankara càng đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm một hệ thống phòng không hiệu quả.

Dĩ nhiên, Moscow sẽ không ngần ngại bán vũ khí cho một thành viên NATO, từ đó khoét sâu hơn nữa rạn nứt bên trong đồng minh. Giới chuyên gia phương Tây đánh giá, Nga có thể thông qua S-400 để thu thập các thông tin tình báo về phi cơ F-35 của Mỹ.

Kể từ năm 2002, Thổ là một trong những đối tác quan trọng cho dự án phát triển mẫu máy bay thế hệ 5 này. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã dừng việc chuyển giao các máy bay F-35 trong hợp đồng với Thổ cho tới khi Ankara từ bỏ kế hoạch mua S-400; đồng thời Washington cũng đề nghị bán hệ thống Patriot cho Thổ.

Theo The Hill, bất chấp những nỗ lực thuyết phục từ Mỹ, ông Erdogan sẽ vẫn tiếp tục thỏa thuận với Nga do những ảnh hưởng đáng kể của Moscow đối với Ankara.

Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ phe đối lập chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - một đồng minh của Nga.

Một cuộc tấn công toàn diện với Nga ở phía sau, vào tỉnh Idlib – đồn trú cuối cùng của lực lượng đối lập Syria, có thể dẫn tới một làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ về Thổ. Những tay súng cực đoan từ Idlib cũng là một mối đe dọa lớn tới an ninh của Ankara.

Moscow có thể kêu gọi người Kurd tại Syria tiến hành chiến dịch bạo lực nhằm vào Thổ; hạn chế khách du lịch đến từ Nga (hiện du khách Nga chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số khách du lịch quốc tế của Thổ) hoặc cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Thổ.

Ngoài ra, ông Putin cũng có khả năng ngừng cung cấp năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện là khách hàng tiêu thụ khí gas Nga nhiều thứ hai châu Âu (chỉ sau Đức).

Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải là đồng minh hay bạn bè. Các mối quan tâm an ninh của ông Erdogan, sự mất niềm tin vào phương Tây và không thể sở hữu hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất – khiến ông phải tìm đến lựa thay thế.

Gần như chắc chắn, Ankara sẽ không từ bỏ thỏa thuận S-400 với Moscow bởi vì những nguy cơ mà Nga đem tới. Chính vì vậy, hậu quả mà mối quan hệ Mỹ - Thổ phải gánh chịu sẽ không hề dễ dàng.

Thổ hiện sở hữu nền quân đội lớn thứ hai trong khối NATO và là nơi đặt căn cứ Incirlik – một đồn cứ nước ngoài chủ chốt mà Washington sử dụng để tiến hành các đợt tấn công nhằm vào IS cũng như bảo vệ các vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Sở hữu biên giới với Iran, Iraq, Syria và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế chiến lược thực sự đối với Mỹ. Ankara vẫn sẽ luôn là một quốc gia quan trọng cho lợi ích của Mỹ, bất chấp thái độ và hành động hiện tại của chính quyền Erdogan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại