Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan gặp mặt sau chiến thắng ở Nagorno-Karabakh.
Thổ Nhĩ Kỳ thách thức Nga
Chuyến thăm hai ngày của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Azerbaijan đánh dấu nỗ lực mới nhất của Ankara trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Caucasus. Các nhà phân tích đang cảnh báo tham vọng của nước này có thể tạo ra sự cạnh tranh với Nga.
Ông Erdogan sẽ tham dự cuộc diễu hành chiến thắng ngày 11/12 tại Baku, sự kiện mà Azerbaijan kỷ niệm chiến thắng tại vùng đất Nagorno-Karabakh vào tháng trước.
"Chiến thắng này sẽ chỉ củng cố niềm tin của chúng tôi vào hai quốc gia, một dân tộc", ông Erdogan nói với các phóng viên trước khi lên đường tới Baku. Sự ủng hộ quân sự của Ankara đối với Baku được nhiều người coi là chìa khóa cho chiến thắng của Azerbaijan.
Trong cuộc hội đàm dự kiến với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, ông Erdogan dự kiến sẽ thảo luận về vai trò quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động gìn giữ hòa bình do Moscow làm trung gian, nhằm chấm dứt xung đột Nagorno-Karabakh.
"Đối với bản thân Thổ Nhĩ Kỳ, sự hiện diện quân sự ở bất kỳ khu vực nào của Azerbaijan cũng sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong bối cảnh an ninh hiện tại", Zaur Gasimov, chuyên gia về Nga và Caucasus tại đại học Bonn cho biết.
"Đối với Azeris, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ có một tài sản tinh thần rất lớn. Thổ Nhĩ Kỳ được coi là sự đảm bảo nhất định cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan".
Nhưng, nguyện vọng mở rộng ảnh hưởng của Ankara ở Caucasus sẽ vấp phải sự phản kháng.
"Người Armenia phản đối sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow cũng miễn cưỡng chấp nhận điều đó. Điều này cũng tương ứng với Tehran", Gasimov nói thêm.
Tháng trước, các quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý thiết lập trung tâm giám sát chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát lệnh ngừng bắn. Nhưng, số nhân lực Thổ Nhĩ Kỳ và nơi được triển khai vẫn chưa được thống nhất.
Ông Erdogan cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng chủ tịch với Nga, Pháp và Mỹ trong Nhóm Minsk, cơ quan quốc tế được thành lập để giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh.
Cho đến nay, Moscow dường như vẫn loại trừ bất kỳ sự thay đổi nào đối với thành phần của Nhóm Minsk, lập trường được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, Moscow và Ankara đã tăng cường quan hệ về kinh tế và ngoại giao khiến các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ phải cảnh giác. Ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hợp tác chặt chẽ trong việc quản lý cuộc chiến Syria mặc dù hai bên ủng hộ các phe đối địch trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở Caucasus đang được coi là một dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ hợp tác trước đây.
"Tôi không nghĩ hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan thân thiết như trước đây. Vì vậy, ông Erdogan muốn ông Putin biết rằng nhà lãnh đạo Nga làm tổn thương Thổ Nhĩ Kỳ thế nào thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp trả như vậy, cũng như muốn tận dụng vấn đề Azerbaijan để rút ra những nhượng bộ đối với Syria", Atilla Yesilada, nhà phân tích của Global Source Partners có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Rời vòng tay Nga
Rời vòng tay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phải mua lại "bảo hiểm NATO".
Erdogan cũng đang làm thân với một đối thủ khác trong khu vực của Nga là Ukraine. "Thổ Nhĩ Kỳ coi Ukraine là một quốc gia quan trọng để đảm bảo ổn định, an ninh, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực", ông Erdogan nói vào tháng 10 tại cuộc họp báo chung ở Istanbul với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trong các bình luận mà giới phân tích cho rằng sẽ khiến Moscow khó chịu, ông Erdogan nói: "Chúng tôi luôn và sẽ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả Crimea", khu vực mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã củng cố mối quan hệ bằng một thỏa thuận quốc phòng vào tháng 10. Thỏa thuận bao gồm cam kết tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, cả trong lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái.
Động cơ Ukraine cung cấp năng lượng cho các máy bay không người lái của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đóng vai trò quyết định ở Nagorno-Karabakh. Theo các nhà phân tích, công nghệ động cơ là một điểm yếu trong ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một dấu hiệu khác về căng thẳng Thổ-Nga, tuần trước, nhà chức trách thông báo hai nhà báo Nga đã bị bắt giữ tại Istanbul vì nghi ngờ hoạt động gián điệp, sau khi cảnh sát cáo buộc hai nhà báo này bị bắt quả tang đang quay phim bên ngoài một trong những cơ sở sản xuất máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà quan sát cho biết, những sự việc như vậy tuy không bất thường nhưng thường hiếm khi được các cơ quan chức năng công khai.
Các chuyên gia chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn giữ được các kết nối thương mại quan trọng giúp duy trì mối quan hệ. Nga hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Gazprom của Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của quốc gia này. Tuy nhiên, Nga là bên hưởng lợi lớn nhất trong mối quan hệ, khi được hưởng thặng dư thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ trị giá khoảng 15 tỷ USD hàng năm.
Các nhà quan sát cho rằng Ankara nhận thức được khả năng của Moscow trong việc làm tổn hại các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ từ Caucasus, Syria đến Libya.
Nhà phân tích Yesilada nói rằng bất kỳ sự định vị lại mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga sẽ phụ thuộc vào việc cải thiện mối quan hệ với các đồng minh phương Tây truyền thống.
"Trước khi rời bỏ vòng tay của Nga, ông Erdogan cần phải "mua bảo hiểm" chống lại những gì Nga có thể làm với Thổ Nhĩ Kỳ, và đó là Mỹ hoặc NATO", Yesilada nêu quan điểm.