Khi về hưu, mỗi người lại có lựa chọn khác nhau. Có người muốn về quê sống cùng anh chị em họ hàng, có người sống ở nhà con cái. Lựa chọn của 1 người phụ nữ đến từ Trung Quốc lại đi ngược so với đám đông. Thay vì nhờ vả người khác, bà tự tìm cho mình 1 “mái ấm tuổi già” đúng nghĩa khiến nhiều người bất ngờ.
Câu chuyện trên diễn đàn Toutiao kể về dì Trương, người phụ nữ 71 tuổi đang gây chú ý mạnh mẽ.
Sống cùng con cái nhưng khó hòa hợp
Dì Trương năm nay 71 tuổi, đến từ Trung Quốc. Dì đã nghỉ hưu nhiều năm nay sau khi làm giáo viên dạy toán ở 1 trường tiểu học. Sau khi về hưu, dì có 1 khoản lương hưu 3.000 NDT/tháng (tương đương 10 triệu đồng). Dù lương không quá cao nhưng cũng đủ để dì Trương đảm bảo cuộc sống tuổi già. Với mức lương hưu ổn định, dì không cần sống dựa dẫm vào bất kỳ ai.
Sau khi chồng mất, dì Trương quyết định tới nhà các con trai để ở cùng. Nhìn chung, cuộc sống của các con khiến dì khó có thể thích nghi. Những người trẻ thường đi sớm về khuya, giờ giấc sinh hoạt đều trái ngược với dì Trương. Một thời gian dài dì không thể ngủ được vì mỗi khi đi ngủ đều đã là nửa đêm, không chỉ vậy, cháu nhỏ quấy khóc càng khiến dì không thể yên giấc.
Ảnh minh họa: Toutiao
Nhiều khi đau ốm, dì vẫn phải ở nhà 1 mình và tự chăm sóc bản thân vì con cái bận rộn sớm hôm. Đỉnh điểm, 1 lần con trai vay nợ, con ngỏ ý vay dì số tiền 100.000 NDT (khoảng 330 triệu đồng). Biết tính con chỉ ham chơi, lười làm, sống nhờ vợ, người phụ nữ đã không đồng ý cho vay. Dì nghĩ số tiền ít ỏi mà mình dành dụm cả đời chỉ sử dụng khi đau ốm, bệnh tật để không phụ thuộc vào con cái. Vì thế dì không thể dễ dàng lấy số tiền này đưa cho đứa con trai ngỗ nghịch.
Sau khi từ chối lời đề nghị của con trai, dì Trương thấy thái độ của nó khác hẳn. Vì thế, dì cũng không muốn sống ở đây thêm nữa. Dì Trương quyết định về quê, thuê nhà và sống gần họ hàng. Thời điểm này, dì Trương cảm thấy vô cùng thoải mái và hài lòng. Khi sống 1 mình, dì có thể làm những điều mình muốn. Dì thường trồng rau, nuôi thêm gà để tự cung tự cấp, khi rảnh rỗi lại đi tới công viên vận động, đi du lịch muôn nơi.
Vô tình tìm thấy “mái ấm tuổi già”
Vào 1 ngày dì Trương đi du lịch, dì cảm thấy dịch vụ khách hàng ở khách sạn mà mình thuê rất tốt. Hơn nữa, tiền thuê lại không quá đắt nên dì nảy ra 1 ý định sống ở khách sạn này dài hạn. Sau khi hỏi quản lý khách sạn và suy nghĩ kỹ, người phụ nữ ngoài 70 quyết định về nhà sắp xếp hành lý và dọn tới đây.
Mỗi tháng, dì Trương đều nhận 3.000 NDT (10 triệu đồng) tiền lương hưu. Đây là số tiền dì có thể trang trải cho chi phí thuê khách sạn và ăn uống mỗi tháng. Còn lại số tiền gửi tiết kiệm ngân hàng dì để dưỡng già, phòng khi ốm đau bệnh tật.
Nhìn chung, cuộc sống ở khách sạn cho thuê của dì Trương khá ổn. Nếu có vấn đề gì dì có thể liên hệ ngay với lễ tân tại quầy, tới bữa cơm sẽ có người phục vụ, phòng ốc cũng được vệ sinh và bảo dưỡng đồ dùng liên tục. Dì Trương cảm thấy đây là 1 nơi có thể sống lâu dài vì nhiều lý do.
Sống ở khách sạn, dì Trương rất hài lòng. Ảnh minh họa: Toutiao
So với ở trong viện dưỡng lão, khách sạn cung cấp nhiều dịch vụ hơn. So với sống chung cùng con cái, sống tại khách sạn giúp dì Trương không cần phải lo phiền hà và mâu thuẫn gia đình. Sau khi trải nghiệm cuộc sống ở nhà con cái và trong khách sạn, tôi nhận ra quyết định hiện tại của mình rất đúng đắn.
Trên thực tế, con cái dù có tốt đến mấy khi ở chung với bố mẹ già cũng dễ xảy ra mâu thuẫn. Vì thế, nếu như có thể tự chủ về tài chính, một số bố mẹ già cho rằng, họ có thể sống riêng. Tuổi già nếu muốn an yên, chúng ta cần khắc cốt ghi tâm 2 chữ tự chủ. Con cái có thể phụng dưỡng bố mẹ già nhưng chúng cũng có cuộc sống riêng với những áp lực khó nói. Nếu bố mẹ có thể sống tự chủ, không phiền hà, chắc chắn cuộc sống hưu trí cũng sẽ thoải mái và dễ chịu hơn.
Theo Toutiao