Theo các nguồn tin từ Reuters, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (National Association of Manufacturers – NAM) đã bị hack trong mùa hè vừa qua và đã phải tìm đến một công ty an ninh mạng bên ngoài để tìm ra lỗ hổng và ngăn chặn việc rò rỉ thông tin. Đồng thời công ty này cũng xác định được nguồn gốc của cuộc tấn công.
Dựa trên các công cụ và kỹ thuật được hacker sử dụng, hãng bảo mật giấu tên này cho rằng hoạt động này có liên quan đến các nhóm tin tặc Trung Quốc đã được biết đến trước đây.
Việc tấn công vào mạng lưới các máy tính nội bộ của một nhóm công nghiệp hùng mạnh ngay tại Washington đã cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chiếm lợi thế như thế nào trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
Vẫn chưa rõ những dữ liệu nào đã bị ăn trộm. Tuy nhiên, 2 nguồn tin của Reuters và một người thân cận với sự việc cho biết, các hacker Trung Quốc bị nghi ngờ đã tập trung nỗ lực để ăn trộm thông tin vào những ngày xung quanh cuộc họp giữa tổng thống Trump và chủ tịch NAM, Jay Timmons trong mùa hè này.
Theo một người thân cận với sự việc, cuộc tấn công này xảy ra chỉ một thời gian ngắn trước vòng đàm phán chính thức giữa Mỹ và các quan chức chính quyền Trung Quốc về nội dung của thỏa thuận thương mại.
Theo các chuyên gia an ninh mạng từng tham gia xử lý các vụ rò rỉ thông tin tương tự, cuộc xâm nhập này cũng như nhiều cuộc tấn công trước đây của các nhóm hacker Trung Quốc nhắm vào các tổ chức thương mại công nghiệp của Mỹ dưới thời tổng thống Trump là nhằm tìm hiểu về vị thế chính sách của Mỹ.
Hiệp hội NAM đã có ảnh hưởng đáng kể dưới thời chính quyền ông Trump khi giúp tổ chức các sự kiện công khai ở những nhà máy sản xuất trên khắp đất nước. Điều này rất quan trọng với ông Trump khi trong cuộc vận động tranh cử của mình, ông liên tục hứa hẹn về việc mang các công việc sản xuất quay trở lại Mỹ từ các quốc gia khác, như Trung Quốc, Mexico.
Dù vậy, vẫn chưa rõ vì sao các hacker lại nhắm đến NAM, nhưng các chuyên gia an ninh quốc gia cho rằng việc các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc cố gắng lấy trộm các bí mật và các thông tin nhạy cảm khác của tổ chức này là điều dễ hiểu, khi chúng có thể cho họ lợi thế trước các vòng đàm phán thương mại với Mỹ.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hàng loạt hacker và gián điệp Trung Quốc vì các cáo buộc ăn trộm dữ liệu từ các công ty tư nhân Mỹ.
Phát ngôn viên Erin Streeter cho biết, căn cứ vào mức độ quan trọng của NAM, "chúng tôi biết mình là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Chúng tôi đã xác định được các hoạt động đáng ngờ liên quan đến những hệ thống nhất định của tổ chức và điều tra sự việc."
Bà bổ sung thêm rằng, hiện tại hệ thống mạng của họ đã bảo mật. Nhà Trắng hiện không trả lời các yêu cầu bình luận.
Trong khi đó, phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Geng Shuang cho biết, những cáo buộc này là nhằm "tạo ra điều gì đó từ hư không và có các động cơ không rõ ràng. Trung Quốc là người bảo vệ trung thực của an ninh internet và phản đối mọi hình thức tấn công mạng."
Tham khảo Reuters