Motorola cáo buộc đối thủ Trung Quốc sử dụng một gián điệp hai mang để ăn trộm công nghệ

Nguyễn Hải |

Theo Motorola, nhân viên này đã tải xuống hàng ngàn tài liệu và mã nguồn để giúp Hytera phát triển công nghệ điện đàm 2 chiều như của công ty Mỹ.

Trong buổi mở đầu cho vụ kiện của Motorola về việc ăn trộm bí mật thương mại, công ty Mỹ đã nói với thẩm phán ở Chicago rằng một cựu nhân viên của họ làm gián điệp hai mang để giúp đối thủ Trung Quốc, hãng Hytera Communications Corp., đuổi kịp công ty này về công nghệ radio kỹ thuật số cho tính năng bộ đàm (walkie-talkies).

Theo lời luật sư Adam Alper, Motorola đã mất nhiều thập kỷ để phát triển các thiết bị liên lạc hai chiều này, và Hytera là "hãng đến sau và cứ thế lấy hết tất cả". Cựu nhân viên của công ty, một trong ba kỹ sư Motorola sau đó đã được Hytera tuyển dụng vào năm 2008, đã tải xuống hàng nghìn trang tài liệu độc quyền trong khi vẫn đang làm cho Motorola.

Motorola cáo buộc đối thủ Trung Quốc sử dụng một gián điệp hai mang để ăn trộm công nghệ  - Ảnh 1.

"Hytera đã cố ý lấy các thông tin mật của Motorola và sử dụng nó để tạo ra các sản phẩm của mình." Alper nói với quan tòa.

Luật sư của Hytera, Michael Allan, thừa nhận rằng các cựu nhân viên của Motorola – bao gồm cả người đã tạm thời có tên trong bảng lương của cả 2 công ty – là những quả táo thối (từ chỉ người có tội), nhưng ông cho rằng bất kỳ thông tin nào được chuyển giao đều rất ít và không cố ý. Theo luật sư Allan, thay vì khởi kiện ngay các kỹ sư đó, Motorola đã đợi nhiều năm mới đệ đơn kiện, sau khi Hytera đã trở nên thành công hơn, để nhận được nhiều tiền bồi thường hơn.

Đơn kiện của Motorola được nộp lên từ năm 2017, tuyên bố Hytera đã ăn trộm các thông tin bí mật liên quan đến công nghệ radio 2 chiều, có thể sử dụng bởi các công nhân sửa chữa, các đội xây dựng và các nhân viên trong trường học. Công nghệ này cho phép liên lạc ngay cả trong điều kiện các cột thu phát sóng không hoạt động được do thiên tai.

Ăn trộm bí mật thương mại

Các bí mật bị ăn trộm của Motorola bao gồm công nghệ liên lạc rảnh tay, chức năng định vị, cảnh báo khẩn cấp cho những người gặp nạn và khả năng kết nối người dùng điện thoại với một nhóm người người dùng radio.

Motorola cáo buộc đối thủ Trung Quốc sử dụng một gián điệp hai mang để ăn trộm công nghệ  - Ảnh 2.

Các máy bộ đàm 2 chiều của Motorola và Hytera.

Luật sư Alper của Motorola nói với bồi thẩm đoàn rằng công ty họ đã phát triển công nghệ radio 2 chiều này từ năm 1998 và một thập kỷ sau, Hytera vẫn không thể bắt kịp. CEO của Hytera đã lôi kéo một kỹ sư Motorola với lời hứa sẽ dành cho anh ta 600.000 cổ phiếu của Hytera.

Nhưng trước khi rời đi, một trong các kỹ sư đó đã dành suốt 3 tháng để tải xuống các tài liệu và mã nguồn để mang đi cùng với anh ta. Trong thời gian đó, anh ta cũng nhận lương của cả Hytera mà Motorola không hề hay biết. Tuy nhiên, luật sư Allan của Hytera đã phản bác cáo buộc này khi cho rằng, trước khi tuyển dụng nhân viên này, Hytera đã hoàn thành 75% nguyên mẫu thiết bị của mình.

Vụ kiện pháp lý giữa Motorola Solutions và Hytera đang diễn ra trên toàn cầu, với các vụ kiện ở Mỹ, Trung Quốc, Đức và Úc. Hiện Motorola Solutions đã giành được một lệnh hạn chế nhập khẩu đối với một số thiết bị radio của Hytera, cho dù nó không ảnh hưởng đến các thiết bị hiện tại.

Vụ kiện này là một ví dụ mới nhất về việc công ty Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc ăn trộm ý tưởng hoặc công nghệ của họ khi quốc gia này đang tập trung nhiều nỗ lực để chuyển mình thành người dẫn đầu toàn cầu về công nghệ. Các khiếu nại về việc ăn trộm sở hữu trí tuệ cũng là một trong những vấn đề chủ chốt trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Tham khảo Bloomberg 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại