RAW: Sức mạnh của tình báo Ấn Độ

Ngọc Hoàng |

Đối với một cường quốc đang nổi lên như Ấn Độ, vai trò của cơ quan tình báo lại càng cần thiết. Là cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ, Cơ quan nghiên cứu và phân tích (Research and Analysis Wing – RAW) giữ vị trí then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh – quốc phòng và chính trị của Ấn Độ.

Các cơ quan tình báo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định đoạt cục diện thắng – thua của các cuộc chiến tranh. Trong thời bình, tình báo cũng là cánh tay đắc lực để bổ trợ cho các chính sách đối ngoại, an ninh – quốc phòng, góp phần giúp các quốc gia tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng.

Đối với một cường quốc đang nổi lên như Ấn Độ, vai trò của cơ quan tình báo lại càng cần thiết. Là cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ, Cơ quan nghiên cứu và phân tích (Research and Analysis Wing – RAW) giữ vị trí then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh – quốc phòng và chính trị của Ấn Độ.

Cơ quan nghiên cứu và phân tích (RAW) là cơ quan tình báo ngoài nước của Ấn Độ. RAW được thành lập vào tháng 9-1968, sau khi Cục tình báo Ấn Độ (Intelligence Bureau – IB) thất bại trong việc đảm đương nhiệm vụ tình báo cả trong và ngoài nước trong hai cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ năm 1962 và chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965.

Theo Maj.Gen. VK Singh, người đã từng có thời gian làm việc cho RAW và xuất bản một cuốn sách vào năm 2007 hé lộ những bí mật về RAW, trong suốt chiến tranh biên giới Trung - Ấn, Cục tình báo Ấn Độ không hề phát hiện ra cả quá trình Trung Quốc tiến hành chuẩn bị cho các cuộc tấn công.

Sau khi RAW được thành lập với nhiệm vụ tình báo ngoài nước, Cục tình báo Ấn Độ chỉ phụ trách tình báo trong nước.

Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ, bà Indira Gandhi, cho rằng việc thành lập RAW là một yêu cầu cấp bách, nhằm cảnh báo và bảo vệ Ấn Độ trước các cuộc chiến tranh và nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Nhiệm vụ này sẽ được RAW thực hiện bằng bất cứ giá nào. Khẩu hiệu của RAW được dịch ra là: "Người không vâng lệnh Tổ quốc sẽ bị huỷ diệt, còn những người tuân theo sẽ được bảo vệ".

Lãnh đạo đầu tiên của RAW là ông Rameshwar Nath Kao. Ông Kao đã dẫn dắt RAW trong vòng gần 10 năm, cho tới khi nghỉ hưu.

Nhiều chuyên gia cho rằng những thành công ban đầu của RAW, trong đó có thắng lợi của Ấn Độ trong chiến tranh với Pakistan năm 1971, và việc Ấn Độ ngầm trợ giúp cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Đại hội Dân tộc Phi tại Nam Phi, đều có đóng góp lớn của ông Kao. Cũng theo Singh, "…chính ông Kao là người đưa RAW trở thành cơ quan tình báo hàng đầu Ấn Độ".

Cơ cấu tổ chức của RAW cho tới nay vẫn được giữ kín. Một số nguồn thông tin cho biết RAW khởi đầu với ngân sách 400 nghìn USD và 250 người; kể từ đó, cơ quan này không ngừng mở rộng tới hàng nghìn người.

Theo ước tính của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, năm 2000, RAW có khoảng 8 đến 10 nghìn điệp viên và ngân sách khoảng 145 triệu USD. Không giống như Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) hay Cơ quan tình báo Anh MI6, RAW báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng thay vì Bộ trưởng Quốc phòng. Lãnh đạo cao nhất của RAW cũng là một thành viên trong nội các Ấn Độ.

Tuy mục tiêu được công khai của RAW là bảo vệ Ấn Độ trước các cuộc chiến tranh và ngăn chặn các âm mưu khủng bố, thực chất, mục tiêu chính mà RAW nhắm tới là hai quốc gia mà Ấn Độ có xung đột và tranh chấp lâu đời, đó là Trung Quốc và Pakistan.

RAW hoạt động nhằm tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo tại Trung Quốc và Pakistan và thực thi các nhiệm vụ ngầm tại Đông Pakistan (nay là Bangladesh).

Không dừng lại ở đó, trong vòng nửa thế kỷ từ khi thành lập, hoạt động của RAW đã mở rộng ra trên phạm vi lớn hơn, bao gồm việc giám sát các động thái chính trị và quân sự tại các quốc gia lân cận, có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia và định hình chính sách ngoại giao của Ấn Độ.

RAW cũng tìm cách kiểm soát và hạn chế nguồn cung ứng vũ khí quân dụng hạng nặng từ châu Âu, Mỹ và Trung Quốc tới Pakistan. Về ảnh hưởng của RAW đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ, hiện có hai luồng quan điểm. Một số chuyên gia cho rằng Lãnh đạo của RAW có thể báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo cao nhất của Ấn Độ, do đó có khả năng gây ảnh hưởng lên các quyết sách.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lại cho rằng RAW không có chút ảnh hưởng nào đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, RAW đã góp phần tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ ra bên ngoài, và kèm theo đó là ngày càng nhiều những cáo buộc về việc RAW đã can thiệp vào nội bộ, gây ra bất ổn và các cuộc xung đột, nội chiến tại các nước này.

Hoạt động của RAW khi có xung đột và chiến tranh

Bàn tay của RAW được nhận thấy rõ ràng nhất trong suốt các cuộc chiến tranh và xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan.

Một trong những nhiệm vụ thành công của RAW là Chiến dịch Meghdoot năm 1984. Chiến dịch Meghdoot là chiến dịch chống lại Chiến dịch quân sự Ababeel của Pakistan. Ababeel là chiến dịch nhằm chiếm quyền kiểm soát các đỉnh cao nhất tại vùng băng hà Siachen ở Kashmir.

Đây là những khu vực chưa thuộc quyền kiểm soát của bên nào trong chiến tranh biên giới Ấn Độ - Pakistan từ năm 1984.

RAW: Sức mạnh của tình báo Ấn Độ - Ảnh 1.

Rameshwar Nath Kao (trái) là lãnh đạo đầu tiên của RAW. Nguồn: Indiatimes.

Trên thực tế, các đỉnh núi tại băng hà Siachen gần khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát hơn. Quân đội Pakistan đã đạt một thoả thuận với các trung gian người Anh để có nguồn cung cấp vũ khí chiến tranh, nhưng điều này không lọt qua mắt các điệp viên của RAW.

RAW đã tìm cách ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí cho Pakistan để quân đội Ấn Độ có thể nhận được vũ khí trước đó. Nhờ vậy, quân đội Ấn Độ đã hành quân tới các đỉnh cao nhất của băng hà Siachen và chiếm được khu vực này.

Một nhiệm vụ thành công khác của RAW là Chiến dịch Kahuta trong những năm 1970. Chiến dịch này là một trong những nhiệm vụ căng thẳng nhất trong lịch sử của RAW. Kahuta là địa điểm đặt các phòng thí nghiệm Khan – phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân và cũng là trung tâm phát triển tên lửa của Pakistan.

Chính phủ Pakistan rất kín đáo về chương trình hạt nhân đang được tiến hành ở Kahuta. RAW đã thu thập mẫu tóc của các nhà khoa học làm việc tại các phòng thí nghiệm này từ một tiệm cắt tóc và tìm thấy uranium trong những mẫu tóc này.

Uranium là nguyên liệu chính của vũ khí hạt nhân. Từ đó, RAW đã lần tìm được các thông tin chi tiết, và lật tẩy chương trình hạt nhân của Pakistan.

Tuy nhiên, chiến dịch này cuối cùng vẫn thất bại do Thủ tướng Ấn Độ khi đó, Morarji Desai, trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Zia Ul Haq, đã để lộ thông tin rằng Ấn Độ biết về chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Điều này đã đánh động phía Pakistan, dẫn tới việc Zia Ul Haq sử dụng mạng lưới của mình để lật tẩy các điệp viên RAW tham gia chiến dịch này. Điều gì đã xảy ra với những điệp viên này cho đến nay vẫn là ẩn số.

Những hoạt động ngầm của RAW tại Pakistan cũng khiến cơ quan này bị cáo buộc là đã tiếp tay cho hoạt động khủng bố, mặc dù chính cơ quan tình báo ISI của Pakistan đã dựng lên các trại huấn luyện và trang bị cho phong trào Khalistani, một phong trào đòi li khai của người Sikh tại tỉnh Punjab và tỉnh biên giới Tây Bắc của Pakistan.

Để đáp trả, vào giữa những năm 1980, RAW đã thành lập hai nhóm hoạt động ngầm là Đội phản gián X (CIT-X), tập trung vào Pakistan nói chung và Đội phản gián J (CIT-J) nhắm tới các nhóm Khalistani.

Theo chuyên gia quân sự người Pakistan Ayesha Siddiqa, hai đội phản gián này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động khủng bố trong lòng Pakistan. Các vụ đánh bom nhỏ liên tiếp tại các thành phố lớn của Pakistan như Karachi và Lahore đã được thực hiện, khiến cho lãnh đạo ISI phải gặp lãnh đạo RAW để thương lượng về mức độ can thiệp của hai bên tại Punjab.

Praveen Swami, một nhà báo Ấn Độ, cho biết hai bên đã nhất trí rằng Pakistan sẽ không thực hiện can thiệp tại Punjab nếu RAW chấm dứt việc tạo ra bạo lực và bất ổn tại Pakistan. Thoả thuận này được Thái tử Jordan lúc bấy giờ là Hassan bin-Talal làm trung gian. Vợ của Hassan bin-Talal, công nương Sarvath, là một người gốc Pakistan.

Trong quá khứ, Pakistan cũng từng cáo buộc RAW đã tiếp tay cho các phong trào ly khai khác như Phong trào dân tộc Sindhi, phong trào đòi độc lập của người Seraikim cũng ở tỉnh Punjab, hay phong trào nổi dậy ở Balochistan.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã bác bỏ những cáo buộc này. Pakistan cũng khẳng định Ấn Độ đã gây ảnh hưởng lên Afghanistan, đe doạ lợi ích của Pakistan trong khu vực. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra bằng chứng về việc Ấn Độ ủng hộ các lực lượng chống Pakistan tại Afghanistan.

Ngay từ khi thành lập vào năm 1968, RAW đã xây dựng liên hệ gần gũi với KHAD, cơ quan tình báo Afghanistan, để thu thập thông tin tình báo về Pakistan.

Mối quan hệ này được thắt chặt vào đầu những năm 1980; thậm chí quan hệ hợp tác ba bên giữa RAW, KHAD và tình báo Liên Xô KGB đã được thiết lập. RAW coi trọng hợp tác với KHAD nhờ việc theo dõi hoạt động của quân đội người Sikh tại các vùng dân tộc thiểu số ở Pakistan.

Các cáo buộc can thiệp khác

RAW đóng vai trò đáng kể bên cạnh quân đội và các cơ quan tình báo, an ninh khác của Ấn Độ trong sự thành lập Nhà nước Bangladesh. RAW đã cung cấp các thông tin tình báo cho lãnh đạo và quân đội, huấn luyện và trang bị vũ khí cho nhóm nổi dậy Đông Pakistan Mukti Bahini đòi độc lập cho Bangladesh.

RAW cũng tạo điều kiện cho việc sát nhập vùng Đông Bắc Sikkim vào Ấn Độ năm 1975, và hỗ trợ quân sự cho các nhóm đối lập tại Myanmar, ví dụ như Quân đội độc lập Kachin.

Hoạt động của RAW trên phạm vi rộng, thâm nhập sâu vào nội bộ nhiều nước đã khiến cơ quan này bị chỉ trích về việc can thiệp nội bộ, gây ra tình trạng bất ổn và tiếp tay cho các hoạt động khủng bố. Trong đó, nghiêm trọng nhất là cáo buộc về việc RAW đã tiếp tay cho nhóm Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ở Sri Lanka.

Theo nhiều nguồn tin, RAW đã huấn luyện và vũ trang cho lực lượng này vào những năm 1970. Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin khẳng định RAW đã ngừng hỗ trợ vào những năm 1980 khi nhóm này tiến hành ngày càng nhiều các hoạt động khủng bố - bao gồm việc liên minh với những nhóm ly khai bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ.

Năm 1987, Ấn Độ đã thoả thuận với Chính phủ Sri Lanka về việc cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến nước này, dẫn tới việc quân đội Ấn Độ phải chiến đấu chống lại lực lượng do chính RAW nuôi dưỡng.

Rajiv Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ vào thời điểm đó, đã bị ám sát bởi một kẻ đánh bom liều chết của LTTE. Sự kiện này là một vết đen trong lịch sử hoạt động của RAW với một loạt chiến công, đóng góp cho quá trình gây dựng quyền lực và mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ:

Sự thành lập của Bangladesh vào năm 1971, gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan, sáp nhập bang Đông Bắc Sakkim vào Ấn Độ năm 1975, việc phát hiện chương trình hạt nhân của Pakistan và bảo vệ chương trình hạt nhân của Ấn Độ những năm 1970, và đóng góp cho các phong trào độc lập ở châu Phi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Có thể thấy, những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo cố hữu tại khu vực Nam Á, vốn là nguồn gốc cho những xung đột ở khu vực này, đã tạo điều kiện cho không chỉ RAW mà tình báo các nước khác như ISI của Pakistan, DGFI của Bangladesh, KHAD của Afghanistan… tiến hành các can thiệp ở nhiều mức độ, đổ thêm dầu vào lửa làm căng thẳng hoá các xung đột, tranh chấp vốn có, đạt nhiều mục tiêu khác nhau.

Năm 2007, một điệp viên của DGFI thâm nhập vào RAW từ năm 1999 đã bị phát giác. Cuộc điều tra sau đó cho thấy điệp viên này đã cung cấp cho Bangladesh nhiều tin tức tình báo đe doạ đến an ninh quốc gia của Ấn Độ. Không chỉ là địa bàn hoạt động của lực lượng tình báo các nước trong khu vực, Nam Á cũng là địa bàn được tình báo các nước khác để mắt tới.

Theo chuyên gia Stephen P. Cohen về Nam Á của viện Brooking, Mỹ, chính Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA đã hỗ trợ RAW những ngày đầu thành lập.

Tuy nhiên, ở Afghanistan những năm 1980, CIA cũng đã bắt tay với kình địch của RAW là ISI để chống lại Liên Xô. Theo Ayesha Siddiqa, đến một lúc nào đó, "Chính phủ Ấn Độ có lẽ cũng đã nhận ra việc khuyến khích chiến tranh tình báo bí mật không chỉ làm xấu đi quan hệ song phương mà còn đe dọa hòa bình và ổn định của cả khu vực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại