Rạn vỡ quan hệ Nga-Iran “mở toang cánh cửa” cơ hội cho Mỹ

Trần Khánh |

Dù vẫn đang dành cho nhau “những lời có cánh”, quan hệ Nga-Iran được cho là bắt đầu có những rạn nứt nhất định mà Mỹ có thể tận dụng.

Đồng minh đích thực hay chỉ vì lợi ích?

Theo Reuters, cho đến nay, cả Iran và Nga đều không giấu diếm tham vọng “gạt Mỹ sang một bên” trong vấn đề Trung Đông. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố với Tổng thống Nga Putin rằng: “Quan hệ hợp tác của chúng ta có thể cô lập Mỹ”. Đáp lại, ông Putin khẳng định, quan hệ Moscow-Tehran “rất mang tính xây dựng”.

Theo các chuyên gia, quan hệ Moscow-Tehran đã “ươm trái ngọt” tại Syria khi hợp tác quân sự giữa hai bên giúp “lật ngược tình thế” theo hướng có lợi cho một đồng minh khác của họ là Tổng thống Bashar al-Assad và buộc Mỹ phải dừng mục tiêu buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, quan hệ Nga-Iran ít mang tính chất của một “đồng minh chiến lược” mà thay vào đó là một cuộc “hôn phối đầy toan tính” mà những rạn nứt đã bắt đầu hình thành.

Có thể nói, việc đẩy lùi được IS khỏi Syria là một thắng lợi lớn của liên minh Nga-Iran nhưng cũng chính thành quả này lại bộc lộ những điểm khác nhau căn bản trong mục đích và chiến thuật của Tổng thống Nga Putin và Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Khamenei.

Các chuyên gia nhận định, mục tiêu tối thượng của Nga là ngăn chặn Mỹ tìm cách thay đổi chế độ tại Syria và tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông cũng như duy trì các căn cứ của nước này tại chính Syria.

Với việc đạt được những mục tiêu này, Tổng thống Putin kỳ vọng sẽ chiếm được lợi thế về mặt ngoại giao với phương Tây và buộc Mỹ phải coi Nga là đối thủ “đồng cân đồng lượng”.

Đồng sàng dị mộng?

Tuy nhiên, dù coi ông Assad là lãnh đạo hợp pháp của Syria, Nga lại quan tâm hơn đến việc bảo vệ thể chế nhà nước Syria hơn là bản thân ông Assad. Nga thậm chí từng "gợi ý" với các đối tác phương Tây rằng Nga chấp thuận để ông Assad ra đi miễn là sự ra đi của ông Assad nằm trong tiến trình hòa bình chung ở Syria.

Trong khi đó, Iran coi việc ông Assad ra đi là vượt quá "ranh giới đỏ" và tin rằng, việc ông Assad tiếp tục nắm quyền là rất quan trọng bởi 2 lý do mang tính chiến lược sau:

Thứ nhất, điều này giúp Iran duy trì được khả năng cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho lực lượng Hezbollah nhằm xây dựng một "hành lang không có người Sunni" trên các vùng đất của người Shiite ở Địa Trung Hải. Iran rất lo ngại một Chính phủ mới ở Syria sẽ ngăn chặn Iran đạt được mục tiêu này.

Thứ hai, Iran tin rằng, sự hiện diện của nước này tại Syria là tối quan trọng trong việc duy trì áp lực lên Israel. Iran vẫn muốn duy trì khả năng tấn công vào nhà nước Do Thái từ 2 phía là Lebanon và Syria. Chính vì thế, Iran quyết tâm duy trì lực lượng phiến quân người Shiite như một "lực lượng ủy nhiệm" của họ ở Syria.

Không những thế, Iran còn muốn biến "lực lượng ủy nhiệm" này thành một tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang tương tự như Hezbollah ở Lebanon. Mục tiêu này được coi là xung đột với mong muốn tăng cường năng lực quốc gia của Syria qua đó giảm dần sự phụ thuộc của Syria vào Iran.

Tình hình càng xấu hơn sau khi các cuộc đàm phán về tương lai của Syria trở nên "nóng" hơn bao giờ hết và những khác biệt giữa Nga và Iran ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Iran tin rằng, việc Nga sẵn sàng hợp tác với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ có thể xâm hại đến lợi ích của Nga ở Syria.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Iran cũng bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Truyền thông Iran khẳng định, Tehran không hài lòng với việc ông Putin thông tin cho phía Mỹ về mục tiêu của Nga trong tương lai trước khi cung cấp thông tin này cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rowhani.

"Học thuyết linh hoạt" của Nga đẩy Iran ra xa

Việc Nga sẵn sàng hợp tác với nhiều đối tác trong vấn đề Syria nhằm tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông được các chuyên gia đánh giá là đã thể hiện rõ "học thuyết linh hoạt" của Tổng thống Nga Putin trong các chính sách đối ngoại để đạt được những mục tiêu "hết sức thực tế".

Một ví dụ cụ thể của "học thuyết linh hoạt" chính là việc Nga muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Saudi Arabia. Tổng thống Putin tin rằng, quan hệ Nga-Saudi Arabia là cần thiết để giảm sản lượng sản xuất dầu nhằm đẩy giá dầu lên cao. Điều này vừa giúp Nga có tiền để tăng cường sức mạnh quân sự vừa giúp giải quyết những vấn đề nội tại của kinh tế Nga.

Tuy nhiên, Iran lại không thể hài lòng với việc quan hệ Nga-Saudi Arabia được cải thiện bởi từ lâu, Iran và Saudi Arabia vẫn tranh giành ảnh hưởng gay gắt tại Trung Đông. Ngoài ra, Iran cũng "không thể hiểu nổi" tại sao Nga lại đột ngột thay đổi thái độ sau nhiều năm căng thẳng với Saudi Arabia.

Iran cũng được cho là "khó chấp nhận" việc Nga đạt được mối qua hệ "tốt đẹp nhất" với Israel kể từ khi Tổng thống Nga Putin lên nắm quyền. Ông Putin là lãnh đạo Nga đầu tiên đến Israel tới 2 lần và cũng đã nhiều lần đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để bàn về lợi ích của Israel ở Syria.

Tổng thống Nga Putin cũng đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Syria nhằm ngăn chặn các thế lực nước ngoài sử dụng căn cứ quân sự ở Syria để tấn công các quốc gia láng giềng. Điều này đi ngược lại với mục tiêu của Iran trong việc sử dụng Syria làm bàn đạp để gây áp lực với Israel.

Mỹ cần tận dụng thời cơ như thế nào?

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tận dụng những bất đồng hiện tại giữa Nga và Iran nhằm chia cắt mối quan hệ này. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó, Mỹ cần phải tích cực hơn trong vấn đề Trung Đông và tránh đưa ra những quyết định đi ngược lại với lợi ích của đa số các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, Mỹ có thể tìm cách cải thiện quan hệ với Nga bởi điều này vừa đem lại những lợi ích rõ rệt với Mỹ vừa khiến cho Iran e dè về khả năng Nga có thể "quay lưng lại" với Iran bất kỳ lúc nào để đổi lấy một "mối quan hệ nồng ấm hơn" với phương Tây.

Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump có thể "phát tín hiệu" với Nga rằng ông sẵn sàng hành xử với Nga "như một đối tác bình đẳng"- điều mà chính ông Putin cũng đang hướng tới- để xích lại gần hơn với Nga.

Ngoài ra, ông Trump cũng cần "nhắc khéo" với Tổng thống Nga Putin về những rạn nứt đã hình thành trong quan hệ giữa Nga và Iran và để ông Putin tự trả lời câu hỏi liệu Nga có còn lợi ích gì trong việc tiếp tục ủng hộ Iran trong vấn đề Syria nữa hay không?

Rõ ràng, đây không phải là một "canh bạc" dễ dàng nhưng nếu ông Trump biết dùng "át chủ bài" một cách hiệu quả, ông hoàn toàn có thể tận dụng tốt những rạn nứt trong quan hệ Nga-Iran hiện nay để đạt được mục tiêu của mình./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại