TBKTSG: Thưa ông, ông bình luận như thế nào về cơ hội cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh nhân đợt rà soát các điều kiện kinh doanh hiện nay?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đợt rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh lần này là cơ hội chưa từng có để chúng ta tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (sao cho) thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện đối với tất cả người dân và doanh nghiệp.
Đây là cơ hội để đánh giá lại quan hệ Nhà nước và thị trường để xem Nhà nước cần phải làm gì, cần quản lý cái gì và như thế nào.
Những gì Nhà nước không cần quản lý thì phải bỏ đi hoặc đưa về hậu kiểm. Nhà nước không đưa ra các điều kiện kinh doanh hạn chế người dân gia nhập thị trường; thay vào đó, Nhà nước cần đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát.
Chúng ta đang chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro.
Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh chúng ta đã và sẽ gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc hiện thực hóa các cơ hội và vượt qua thách thức từ các hiệp định này phụ thuộc phần lớn vào cải cách thể chế ở trong nước.
TBKTSG: Nhưng có thực tế là nhiều bộ, ngành đã và đang nâng cấp một cách “cơ học” các điều kiện kinh doanh trong các thông tư lên cấp nghị định, thưa ông?
- Một trong những mục tiêu quan trọng của đợt rà soát là hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh bằng việc bãi bỏ những điều kiện không cần thiết, không hợp lý và sửa đổi những nội dung không rõ ràng, thiếu cụ thể; đảm bảo các điều kiện kinh doanh rõ ràng, cụ thể và tiên liệu được; đồng thời, không tạo nên gánh nặng chi phí hành chính quá mức đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đáng tiếc là theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thực tế có không ít dự thảo nghị định chưa được soạn thảo phù hợp với mục tiêu và yêu cầu nêu trên, mà chỉ đơn giản là sự tập hợp, nâng cấp một cách cơ học điều kiện kinh doanh đã được quy định tại thông tư.
TBKTSG: Theo ông, thực tế này do đâu?
- Tôi cho rằng, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, quan trọng nhất là có một số người soạn thảo chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu đổi mới theo quy định của Luật Đầu tư, chưa quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng theo hướng tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, vẫn coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý hơn là đối tác, là khách hàng để phục vụ.
Do đó, họ vẫn nặng về tiền kiểm, mà không thay đổi phương thức quản lý chuyển mạnh sang hậu kiểm. Họ vẫn muốn tiếp tục duy trì, thậm chí bổ sung những điều kiện kinh doanh có tính tiền kiểm mà trước đây đã được quy định tại các thông tư.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành chưa có quan điểm, nhận thức đúng đắn về sự khác nhau giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nên còn lúng túng trong việc xác định loại văn bản phải nâng cấp thành nghị định.
Ngoài ra, việc số lượng thông tư phải nâng cấp thành nghị định quá lớn, trong khi thời hạn lại quá gấp (phần lớn các bộ, ngành mới chú ý tập hợp, rà soát các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trong mấy tháng gần đây), cũng là nguyên nhân khiến cho quá trình rà soát, ra quyết định chưa thật sự đạt được yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, đây là công việc mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai với quy mô rất lớn nên cần phải có thêm thời gian và lộ trình thực hiện thích hợp.
TBKTSG: Ông có chịu sức ép từ đồng nghiệp nào đó trong Chính phủ, những người muốn giữ lại những điều kiện kinh doanh trong ngành họ quản lý mà gây phiền hà cho doanh nghiệp hay không?
- Chưa một ai tác động đến tôi, hay nói với tôi điều đó. Mặt khác, có ai đó muốn tác động, gây sức ép thì cũng không làm điều đó với tôi được.
Các thành viên Chính phủ đều thống nhất rất cao về mục tiêu, định hướng cải cách thể chế nói chung, và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng.
TBKTSG: Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cuối năm ngoái cho biết, có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư.
Một nửa trong số này đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Hướng xử lý với các điều kiện kinh doanh này thế nào?
- Đây là số liệu sơ bộ do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trên cơ sở kết quả rà soát độc lập và tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh theo hai cấp độ.
Một là, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư.
Hai là, sửa đổi một số điều kiện kinh doanh theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép, giảm xác nhận hoặc chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm.
TBKTSG: Ông lo lắng nhất điều gì trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh này?
- Một khi các điều kiện kinh doanh trong thông tư được nâng cấp “cơ học” lên trong nghị định thì có nguy cơ không cải thiện được môi trường kinh doanh nhiều và sau này, việc bổ sung, sửa đổi chúng cũng sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Nếu các nghị định chưa được hoàn thiện theo định hướng đề ra thì sẽ phải tiếp tục rà soát. Đây là công việc liên tục, chứ không phải đến ngày 1-7 tới là thôi.
TBKTSG: Ít nhất có bảy luật ban hành gần đây cho phép bộ trưởng quy định điều kiện kinh doanh chuyên ngành, trái với Luật Đầu tư.
Là bộ trưởng được giao nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh, ông đã làm gì?
- Tôi coi đó là điều đáng tiếc, và là bài học cần rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng luật.
Xét về yêu cầu đổi mới mạnh mẽ vai trò và phương thức quản lý nhà nước, tháo bỏ rào cản và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, chúng tôi đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành thực hiện nhất quán quy định của Luật Đầu tư về thẩm quyền ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh.
Trong trường hợp luật giao cho bộ trưởng quy định điều kiện kinh doanh thì các bộ, ngành cần trình Chính phủ ban hành nghị định thay vì tự mình ban hành thông tư hay quyết định quy định chi tiết điều kiện kinh doanh.
Đồng thời, khi được giao chủ trì soạn thảo luật, các bộ, ngành cần chấm dứt việc soạn thảo điều khoản giao trực tiếp cho bộ trưởng quy định chi tiết điều kiện kinh doanh.
TBKTSG: Sắp tới, Chính phủ sẽ xử lý việc này như thế nào?
- Mới đây, ngày 9-6-2016, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh để trình Chính phủ vào tháng 8 tới.
Tất cả những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trái với xu thế đổi mới và hội nhập, gây cản trở việc làm ăn kinh doanh thì phải bổ sung, sửa đổi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; còn các bộ, ngành khác cũng phải rà soát và sửa đổi các luật chuyên ngành theo tinh thần đó. Tôi cho là luật mới này sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng nói trên.
TBKTSG: Theo ông, tới đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam - vốn đang bị xếp “chiếu dưới” trong danh sách của Ngân hàng Thế giới - sẽ như thế nào?
- Tôi tin là sau đợt rà soát này, cùng với việc thực hiện tốt các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, chúng ta sẽ có môi trường minh bạch, tiên đoán được và thân thiện với người dân và doanh nghiệp.
Thực thi là vấn đề lớn. Có những công chức vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp vì động cơ này nọ. Tôi cho rằng phải có chế tài, phải quy trách nhiệm người đứng đầu.