Ra ngân hàng xin rút hơn 318 triệu đồng tiền tiết kiệm, người đàn ông bị nhân viên từ chối: Toà án vào cuộc phân xử, đưa ra phán quyết bất ngờ

Ánh Lê |

Tin lời nhân viên ngân hàng gửi tiền với lãi suất cao, ông cụ Trung Quốc nhận cái kết đắng lòng.

 - Ảnh 1.

Năm 1989, ông Lạc ở thành phố Thương Châu, Hà Bắc, Trung Quốc, đã mang số tiền 2.000 NDT (gần 7 triệu đồng) gom góp được đến ngân hàng địa phương để gửi tiết kiệm. Vào thời điểm đó, đây là số tiền khá lớn. Ông Lạc dự tính tiền vào gửi ngân hàng để “tiền đẻ ra tiền” và dùng khi con trai vào đại học.

Nhân viên của ngân hàng cho biết họ đang tung ra chiến dịch tiết kiệm lãi suất cao lên tới 9,3%. Nếu ông Lạc tham gia sẽ được hưởng khoản lãi vô cùng lớn. Thông tin trên khiến ông cụ này vô cùng phấn khích và ngay lập tức đồng ý.

Lúc đó, ngân hàng có các gói tiết kiệm với thời hạn lần lượt là 9 năm, 12 năm, 15 năm và 20 năm. Để hưởng được mức lãi tối đa, ông Lạc quyết định chọn gửi tiền với kỳ hạn 20 năm. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ông cụ này yên tâm cầm sổ tiết kiệm ra về.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: 163.com

Ông Lạc cho biết, ông rất coi trọng số tiền trên và xem nó như một loại “bảo hiểm” cho con trai và gia đình. Do đó, dù có những thời điểm thực sự cần tiền, ông cũng không nỡ rút tiền trong ngân hàng ra.

Đến tháng 9 năm 2009, đúng kỳ hạn 20 năm của khoản tiền gửi, ông Lạc đến ngân hàng để rút tiền. Tuy nhiên, thay vì được mang về khoản tiền 92.636 NDT (hơn 318 triệu đồng) như dự tính, ông cụ này lại bị nhân viên ngân hàng từ chối thực hiện giao dịch.

Hoá ra khi kiểm tra sổ tiết kiệm mà ông cụ này mang tới, giao dịch viên đã phát hiện cuốn sổ có vấn đề. Ngay sau đó, ngân hàng đã thành lập một nhóm chuyên gia để xác thực nó. Kết quả cho thấy sổ tiết kiệm của ông Lạc là giả, không những thế, một số thỏa thuận được ghi ở bên trong còn vi phạm quy định của pháp luật Trung Quốc.

Sau khi được phía ngân hàng thông báo thông tin trên, ông Lạc tỏ ra rất tức giận. Ông cụ này cho biết 20 năm trước, chính ông đến ngân hàng để gửi tiền nên sổ tiết kiệm của ông không thể có vấn đề được. Để đòi lại công bằng cho bản thân, ông cụ này đã kiện ngân hàng trên ra tòa án địa phương.

 - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: 163.com

Trước toà, phía ngân hàng cho biết sổ tiết kiệm của ông Lạc có rất nhiều vấn đề. Cụ thể, số tiền tiết kiệm của ông Lạc được gửi vào ngân hàng vào tháng 9 năm 1989, tuy nhiên cuối năm đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thay đổi một số quy định nên những thông tin ở trong đó không còn đúng với quy định mới được đưa ra.

Theo đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc quy định rằng thời hạn gửi tiền tối đa chỉ có thể kéo dài tối đa là 5 năm và ngân hàng có thể giúp gia hạn khoản tiền gửi thêm 5 năm nếu nó không được rút vào thời điểm đáo hạn. Vì vậy, khoản tiền gửi có kỳ hạn 20 năm được ghi ở trong sổ tiết kiệm của ông Lạc là vô lý và đã vi phạm quy định trên.

Không những thế, phía ngân hàng còn cho biết lãi suất thực tế cho gói tiết kiệm có kỳ hạn 5 năm là 3,6%. Trong khi đó, lãi suất được ghi trong sổ tiết kiệm của ông Lạc là 9,6%, vượt quá mức lãi suất mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc quy định. Hơn nữa, phía ngân hàng cũng khẳng định chưa từng đưa ra mức lãi suất này. Từ những bằng chứng nêu trên, họ không thể để ông Lạc rút khoản tiền 92.636 NDT như ông mong muốn.

 - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: 163.com

Trước những lý lẽ mà ngân hàng địa phương đưa ra, toà án cho biết tuy Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thay đổi một số quy định vào cuối năm 1989, thế nhưng những quy định đó không ảnh hưởng đến các hợp đồng giao dịch của ngân hàng và khách hàng ở thời điểm trước đó. Điều đó có nghĩa là toà án công nhận sổ tiết kiệm của ông Lạc là hợp pháp.

Tuy nhiên, vì ngân hàng khẳng định họ chưa từng đưa ra mức lãi suất là 9,3% cho các khoản tiền gửi trước đó. Vì vậy, tòa án cho rằng nhân viên của ngân hàng vì một lý do nào đó mà đã cung cấp sai thông tin hoặc có hành vi lừa dối khách hàng là ông Lạc. Cuối cùng, toà án đưa ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải trả cho ông Lạc khoản tiền được tính theo lãi suất tại thời điểm đó là 9.000 NDT (hơn 31 triệu đồng).

Dẫu vậy, vì khoản tiền thực nhận thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền ông Lạc muốn nhận. Do đó, ông cụ này không bằng lòng với phán quyết của tòa án nên đã tiếp tục kháng cáo.

Dù kết quả của lần kháng cáo sau đó không được công bố, thế nhưng câu chuyện của ông Lạc cũng cho chúng ta thêm một bài học quý giá khi muốn gửi tiền ở ngân hàng. Theo đó, trước khi gửi tiền vào ngân hàng, người dân cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, các quy định của đơn vị đó. Đồng thời, nên cảnh giác khi khi được nhân viên trao đổi riêng hay chào mời lãi suất cao để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.

Bên cạnh đó, mọi người cũng nên nâng cao nhận thức và có sự hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

(Theo 163.com)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại