Là một trong những quốc gia có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới, việc Trung Quốc (TQ) quyết bám trụ chiến lược "zero COVID" (quét sạch F0 trong cộng đồng) đang tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp tư nhân và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng cung ứng toàn cầu nay chuẩn bị bước sang năm thứ ba.
Hãng tin Bloomberg đưa tin hồi tháng 11, Trung Quốc đã siết thêm các hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là tại các cảng biển. Do phần nhiều đợt dịch bùng phát gần đây ở Trung Quốc xuất phát từ các thành phố cảng, giới chức nước này yêu cầu tàu có thủy thủ mang quốc tịch Trung Quốc trở về phải cách ly 2-7 tuần.
Để tuân thủ những quy định đó, các chủ tàu phải chuyển hướng đi, kiểm tra thủy thủ đoàn và trì hoãn các chuyến hàng, gây trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Quyết bám trụ chiến lược "zero COVID", Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo.
Chia sẻ với tờ South China Morning Post, Giám đốc chuỗi cung ứng của Tập đoàn thực phẩm Cargill (Mỹ) - ông Eman Abdalla cho biết tập đoàn hiện có rất nhiều chuyến hàng phải trả phí phạt trễ hạn cho đối tác và phải thay đổi lịch trình để đến được Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ chỉ mất vài giờ nhưng cũng có khi kéo dài tới hằng ngày.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty quản lý tàu Anglo-Eastern Univan Group (Hong Kong) - ông Bjorn Hojgaar cho hay do chính quyền Bắc Kinh chỉ cho phép có tối đa ba thuyền viên Trung Quốc trên một chuyến tàu cập cảng nên nhiều người phải mất hằng tháng trời mới được trở về nhà.
Khoảng 800 trong số 16.000 thủy thủ thuộc tàu Anglo-Eastern cũng đang bị quá hạn trợ cấp, hơn 100 người đã ở trên tàu hơn 11 tháng.
Nói với Nikkei Asian Review, ông John Chen - Phó chủ tịch khu vực châu Á của nhà cung cấp dịch vụ hậu cầu C.H. Robinson - đã làm việc 15 năm trong ngành. Nhưng ông chưa bao giờ thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài như vậy.
"Chúng tôi là những chuyên gia trong việc đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng", ông Chen nói.
Theo ông, điều này có thể kéo dài hơn nữa bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron.
"Quý IV thường là mùa cao điểm của các tuyến đường biển gần châu Á. Nhưng giờ, nó trở thành thời điểm thách thức nhất với chúng tôi", ông Tommy Hsieh - Chủ tịch của công ty vận tải biển Wanhai - nhận xét.
Nhiều công ty phải chuyển sang vận tải bằng đường hàng không để kịp giao hàng hóa từ châu Á sang các thị trường phương Tây trước kỳ nghỉ lễ.
Một giám đốc điều hành tại nhà cung cấp của Dyson cho biết nhà sản xuất thiết bị gia dụng Anh đã buộc phải vận chuyển các mặt hàng bằng đường hàng không thay vì đường biển do tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng.
Theo thống kê, tính đến ngày 15/12, đã có hơn 100 tàu container xếp hàng dọc theo bờ biển chờ cập cảng Los Angeles và cảng Long Beach (Mỹ), theo dữ liệu từ Marine Exchange of Southern California.
Đối với các công ty, điều này có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận thấp đi bởi chi phí tăng lên. Ông Doris Hsu - Chủ tịch Globalwafers - cho biết tình trạng tắc nghẽn cảng đang đè nặng lên việc vận chuyển của công ty và đẩy chi phí tăng cao.
"Tình trạng hỗn loạn có thể kéo dài đến giữa năm 2022. Chi phí hậu cần và nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ đẩy chi phí của chúng tôi lên", ông Hsu chia sẻ.
Ông Yancey Hai - Chủ tịch Delta Electronics, nhà cung cấp giải pháp quản lý điện năng của Tesla và Apple - cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
"Cuối cùng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của các công ty", ông cảnh báo.