Trung Quốc ghi nhận 2 ca mắc biến thể Omicron, chiến lược "Zero COVID" có bị thay đổi?

VTVDigital |

Sự xuất hiện của Omicron đang là phép thử chiến lược "Zero COVID" mà Trung Quốc đang theo đuổi. Liệu Omicron có khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược này?

Trong khi ngày càng nhiều nước trên thế giới dần dần từ bỏ mục tiêu " Zero COVID " (Không COVID-19) để tái mở cửa, thích ứng an toàn - linh hoạt và đưa cuộc sống của người dân bình thường trở lại. Song song với kiểm soát dịch, Trung Quốc là quốc gia duy nhất vẫn kiên trì với chiến lược "Zero COVID", ngay cả khi các biến thể mới không ngừng xuất hiện và lây lan trên thế giới. Vậy Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược "Zero COVID" như thế nào trong bối cảnh hiện nay.

Nhanh chóng và nghiêm khắc

Đó là những gì mà giới chuyên gia y tế nói về cách thực hiện chiến dịch "Zero COVID" Trung Quốc. Điều đó thể hiện qua việc ngay khi một địa phương nào đó phát hiện dù chỉ một hoặc vài ca mắc COVID-19 đầu tiên, nhà chức trách lập tức áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt bao gồm phong tỏa và xét nghiệm diện rộng truy vết F0 cho đến khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Mới đây, khu giải trí Disneyland ở thành phố Thượng Hải đột ngột thông báo đóng cửa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", sau khi giới chức phát hiện 1 ca COVID-19. Trong nhiều giờ liền, gần 34.000 người bị mắc kẹt bên trong khu giải trí để làm xét nghiệm và chờ có kết quả âm tính mới được trở về nhà.

Gần đây nhất, hôm 9/12, Trung Quốc đã phát hiện ca mắc biến thể Omicron đầu tiên tại thành phố Thiên Tân. Sự có mặt của biến thể Omicron đã mang đến thêm một bài kiểm tra cho chiến lược "không COVID" mà Trung Quốc đang theo đuổi. Chính quyền Thiên Tân giữ nguyên những chiến lược nghiêm khắc cũ và nhắc nhở công chúng tiếp tục duy trì các thói quen giữ vệ sinh tốt và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh, trẻ em 3-11 tuổi và người già từ 60 tuổi trở lên ở thành phố này cần tiêm vaccine COVID-19.

Ông Wu Liangyou - Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Chính sách "Không COVID" mà chúng tôi theo đuổi không có nghĩa là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào, mà có nghĩa là khi có ca lây nhiễm thì loại bỏ ca đó một cách kịp thời".

Trung Quốc ghi nhận 2 ca mắc biến thể Omicron, chiến lược Zero COVID có bị thay đổi? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm PCR ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vào hôm 3/11 - Ảnh: Reuters

Trung Quốc không chỉ vẫn đóng cửa với thế giới, chiến lược "Zero COVID" cũng đòi hỏi chính quyền các địa phương ở nước này đóng cửa hoặc kiểm soát chặt chẽ các đường ranh giới với nhau, cùng với đó là phải triển khai các hệ thống truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc.

Thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam là minh chứng. Chỉ trong một năm, người dân thành phố đã phải trải qua 4 lần phong tỏa, mỗi đợt kéo dài tới gần 1 tháng. Nếu người dân rời khỏi thành phố trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa, họ sẽ phải cách ly 21 ngày tự trả phí.

Để thực hiện chiến lược Zero COVID, người lao động Trung Quốc năm thứ hai liên tiếp được vận động không về quê dịp Tết Nguyên đán nhằm ngăn dịch lây lan. Một số địa phương cũng khuyến khích người dân thuyết phục người thân ở nước ngoài hay từ những khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình và cao trong nước không về quê đón Tết. Như vậy, giờ đã là năm thứ hai Trung Quốc kêu gọi người dân ở yên tại chỗ đón Tết.

Ảnh hưởng của chiến lược Zero COVID-19

Gần hai năm thực hiện chiến lược Zero COVID-19, Trung Quốc đều tính toán kỹ những lợi ích và bất lợi của chiến lược này thì mới duy trì đến thời điểm hiện nay. Vậy những mặt lợi và hại là gì?

Trước mắt, về lợi ích, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc đầu tháng này cho biết, Trung Quốc đã ngăn chặn được ít nhất 200 triệu ca nhiễm và 3 triệu ca tử vong do COVID-19 nhờ vào việc thực hiện đầy đủ chính sách "Zero COVID".

Tuy nhiên, bất lợi chính là những tác động rõ rệt đến kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhận định chính sách "Zero COVID" đang bắt đầu gây gián đoạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh nhiều nước đã mở cửa trở lại.

Trung Quốc ghi nhận 2 ca mắc biến thể Omicron, chiến lược Zero COVID có bị thay đổi? - Ảnh 3.

Trung Quốc đại lục kiên trì đến cùng với chiến lược "Zero COVID". Nguồn: Reuters

Theo khảo sát của CNBC, 10 ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Trung Quốc. Theo khảo sát của Reuters, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% trong quý III, thấp hơn kì vọng và giảm sâu so với mức 7,9% được ghi nhận ở quý trước đó. Các biện pháp đóng cửa cảng biển hay cách ly 7 tuần đối với thủy thủ đoàn Trung Quốc về nước do COVID-19 cũng đã là nguyên nhân làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nước này và của thế giới. Trong khi đó, việc thực hiện phong tỏa liên tục và xét nghiệm hàng ngày cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Vì sao Trung Quốc kiên trì chiến lược Zero COVID

Trung Quốc theo đuổi chính sách không khoan nhượng với COVID trong 2 năm nay, theo chuyên gia uy tín Chung Nam Sơn là do, nếu làm như nhiều nước phương Tây thì hệ thống y tế nước này sẽ không đảm đương nổi nếu dịch bùng trên diện rộng.

Một nghiên cứu mới đây từ Đại học Bắc Kinh nếu nước này từ bỏ Zero COVID, mở toang cho du lịch quốc tế thì mỗi ngày có thể có đến 630 ngàn người mắc. Vị chuyên gia này cũng nêu quan điểm tương đồng với chính sách của ngành chức năng Trung Quốc: một khi chưa tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng cũng như chưa chủ động nguồn thuốc điều trị trong nước thì Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero COVID.

Hiện nay hơn 81,9% dân số Trung Quốc đã tiêm đủ 2 liều, theo tính toán cuối năm đạt 83% - đạt miễn dịch cộng đồng. Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng trong những tháng đầu năm 2022, nước này cũng sẽ chưa thay đổi chính sách Zero COVID bởi lẽ tháng 2/2022, Trung Quốc tổ chức Olympic mùa Đông, Á vận hội rồi Đại hội Đảng vào nửa cuối năm.

Quan điểm của lãnh đạo nước này luôn là không vì một sự kiện thể thao hay điều gì đó mà đánh đổi, phá bỏ những thành quả chống dịch trong 2 năm qua. Nhất là trước tình hình dịch bệnh bên ngoài diễn biến phức tạp với biến chủng Omicron càng củng cố quan điểm không khoan nhượng với Zero COVID. Với Trung Quốc, thực hiện Zero COVID khá thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. Ngoài ra, với một quy mô sản xuất lớn, thị trường rộng lớn việc đóng cửa với thế giới ít bị ảnh hưởng nhất. Xuất nhập khẩu 11 tháng của Trung Quốc lên đến hơn 5.500 tỷ USD, vượt cao hơn cả năm 2019 thời điểm trước khi xảy ra dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại