Tổng thống Trump. Ảnh: Getty
Luận tội Tổng thống Trump lần 2
Đảng Dân chủ đã giới thiệu nghị quyết luận tội Tổng thống Trump ngày 11/1 (giờ Mỹ) nhằm khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải rời Nhà Trắng trước khi kết thúc nhiệm kỳ sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 vừa qua.
Nghị quyết luận tội của đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump kích động nổi dậy khi dẫn ra các tuyên bố của ông tại một cuộc mít tinh không lâu trước khi Tòa nhà Quốc hội bị bao vây. Tài liệu này cũng dẫn ra cuộc điện đàm ngày 2/1 của ông Trump với các quan chức bầu cử ở Georgia nhằm hối thúc họ "tìm" đủ số phiếu để đảo chiều kết quả phiếu đại cử tri tại bang này.
Mặc dù Tổng thống Trump có thể trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội 2 lần nhưng nhiều khả năng sẽ không có đủ số phiếu của các thượng nghị sĩ nhằm kết tội ông. Do đó, việc tiến hành luận tội tổng thống mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là mục đích trừng phạt thực sự. Ông Trump sẽ rời nhiệm sở vào trưa 20/1 (giờ Mỹ).
Tháng 12/2019, Hạ viện đã luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc lạm quyền và cản trở Quốc hội dù sau đó Thượng viện đã miễn tội cho ông Trump với cả 2 cáo buộc này vào tháng 2/2020.
Cáo buộc ngày 11/1 được soạn dựa trên chương 3 của Tu chính án thứ 14, Aziz Huq, giáo sư Trường luật Đại học Chicago cho hay, đồng thời nhận định: "Thậm chí, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell cũng đã gọi cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội là "một cuộc nổi dậy bất thành".
Các tội danh có thể tiến hành luận tội gồm có: phản quốc, tham nhũng, một số tội danh và cách hành xử sai trái nghiêm trọng. Việc luận tội ở Hạ viện tương đương với việc chính thức buộc tội. Thượng viện sau đó sẽ tổ chức một phiên tòa và đưa ra phán quyết.
Hiện vẫn chưa rõ các động thái cụ thể của lưỡng viện Mỹ khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sắp kết thúc. Mặc dù các chuyên gia pháp lý không tán thành với việc một tổng thống có thể bị luận tội sau khi rời nhiệm sở nhưng một số chuyên gia cho biết Hiến pháp không cấm việc này.
Dưới đây là sự khác biệt giữa quy trình luận tội lần đầu tiên và lần thứ hai của Tổng thống Trump:
Tại Hạ viện
Hiện nay, việc tiến hành luận tội Tổng thống Trump diễn ra khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc. Tuy nhiên, trước đó, quy trình này đã diễn ra trong một thời gian dài. Ngày 24/9/2019, Chủ tịch Hạ viện Pelosi thông báo tiến hành một cuộc điều tra luận tội chính thức nhằm vào Tổng thống Trump. Hạ viện đã bỏ phiếu cáo buộc ông Trump phạm tội lạm quyền và cản trở Quốc hội ngày 18/12, 85 ngày sau đó. Ngày 15/1/2020, Hạ viện đã thông qua việc gửi các điều khoản luận tội lên Thượng viện, 113 ngày sau khi thông báo về cuộc điều tra được đưa ra.
Đối với quy trình luận tội Tổng thống Trump năm 2021, Hạ viện đang trong thời gian ngừng họp nhưng sẽ tiến hành một cuộc gặp về vấn đề này. Một thành viên trong cơ quan này đã giới thiệu nghị quyết luận tội và Ủy ban Tư pháp sẽ thảo luận trước khi trình lên toàn bộ Hạ viện. Hạ viện sau đó sẽ bỏ phiếu xem liệu có gửi nghị quyết này lên Thượng viện hay không. Cuối cùng, các nghị sĩ sẽ bổ nhiệm các giám đốc luận tội và gửi nghị quyết lên Thượng viện.
Về quy trình luận tội năm 2019, Hạ viện quyết định thúc đẩy việc này ngày 31/10. Ủy ban Tình báo tổ chức các phiên điều trần về các cuộc trao đổi của Tổng thống Trump với phía Ukraine, cũng như chuyển các hồ sơ từ 6 ủy ban điều tra tới Ủy ban Tư pháp, cơ quan quyết định gửi các điều khoản luận tội tới Thượng viện ngày 13/12. Toàn bộ Hạ viện đã bỏ phiếu ngày 18/12.
Nếu như việc tiến hành luận tội ông Trump năm nay chưa thành lập ủy ban điều tra nào tại Hạ viện thì năm 2019, quy trình này đã lập ra 6 ủy ban, tất cả đều có các thành viên đảng Dân chủ chiếm đa số, để điều tra Tổng thống. Hiện nay, do đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và một số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ việc luận tội Tổng thống nên một cuộc bỏ phiếu tán thành với vấn đề này nhìn chung là có thể xảy ra.
Tại Thượng viện
Thượng viện với đa số thành viên là người của đảng Cộng hòa sẽ chưa tiến hành họp mặt cho tới ngày 19/1, 1 ngày trước khi ông Biden nhậm chức.
Thượng viện dự kiến sẽ nhận được nghị quyết luận tội từ Hạ viện ngày 19/1 hoặc ngày 20/1, Washington Post dẫn ra bản ghi nhớ của ông McConnell cho hay. Thượng viện có thể bắt đầu phiên tòa sớm nhất là ngày 20 hoặc 21/1.
Hạ viện cũng có thể trình nghị quyết luận tội sau khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát ngày 22/1.
“Dù được gửi đi bất kỳ lúc nào nhưng khi việc luận tội được hoàn tất ở Hạ viện, Thượng viện sẽ buộc phải hành động", Theodore Shaw, giám đốc Trung tâm Quyền công dân tại Trường Luật Đại học Bắc Carolina cho hay.
Ông McConnell sẽ quyết định cách thức tổ chức 1 phiên tòa nhưng bất kỳ sự thay đổi quy tắc luận tội nào đều cần sự nhất trí của Thượng viện. Phiên tòa luận tội Tổng thống Trump lần đầu tiên của Thượng viện mất 18 ngày. Tổng thống Trump sau đó đã được miễn tội cả 2 cáo buộc vào tháng 2/2020.
Mọi thứ đều thay đổi ngày 22/1
Nếu Thượng viện không làm gì và Hạ viện trì hoãn việc gửi nghị quyết luận tội lên Thượng viện cho tới sau khi ông Biden nhậm chức, một phiên tòa luận tội có thể sẽ diễn ra bởi đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện ngày 22/1.
Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ cần ít nhất sự ủng hộ của 7 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để nhận được 67 phiếu cần thiết nhằm kết tội ông Trump.
Tuy nhiên, nếu Thượng viện trì hoãn quy trình này lâu hơn, chẳng hạn sau 100 ngày như hạ nghị sĩ đảng Dân chủ James Clyburn đề xuất thì có thể sẽ không còn phiên tòa nào nữa, Charles Tiefer, giáo sư luật Đại học Baltimore nhận định./.