Quy tắc của triệu phú có thu nhập thụ động từ 12.000 căn hộ: Đừng mua những gì có thể thuê

LƯU LY |

Chỉ mua một thứ khi đã có trong tay số tiền gấp đôi giá trị thứ đó, không bao giờ mua thứ gì mà mình có thể thuê,… là những quy tắc tiền bạc có phần lạ lùng, nhưng đã được vị triệu phú áp dụng nghiêm khắc trong suốt 20 năm để gây dựng nên cơ đồ ngày nay.

Grant Cardone là Giám đốc điều hành của Cardone Capital - tổ chức đầu tư bất động sản với hơn 35 năm kinh nghiệm, là tác giả cuốn sách bán chạy "Quy tắc 10X" , là người sáng lập Phong trào 10X và Hội nghị tăng trưởng 10X. Ông sở hữu và điều hành 7 công ty tư nhân và một danh mục đầu tư 3,6 tỷ USD cho các dự án đa gia đình. Dưới đây là những chia sẻ của ông về hành trình lập nghiệp và trở thành triệu phú đô la của mình:

Nhiều người biết cách kiếm tiền, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bài toán kinh tế. Ta cũng cần phải biết cách gia tăng số tiền theo thời gian, và khi nào nên hay không nên chi tiêu cho việc gì đó.

Tôi đã phải mất tới 20 năm thử nghiệm và có những sai lầm trước khi xây dựng được khối tài sản ròng hàng triệu USD. Tôi đã phải luôn duy trì kỷ luật nghiêm khắc với bản thân và đầu tư tối đa vào các loại tài sản tạo ra thu nhập.

Ngày nay, tôi có nguồn thu nhập từ 18 công ty mà tôi thành lập, và 12.000 căn hộ cho thuê cũng tạo ra nguồn thu nhập thụ động đáng kể.

Dưới đây là 4 quy tắc chi tiêu và tiền bạc nghe có vẻ lạ lùng, nhưng là những quy tắc mà tôi đã tuân theo khi còn trẻ, và đã giúp tôi trở nên giàu có:

1. Đừng mua khoản gì lớn nếu không có số tiền gấp đôi khoản đó để dành

Ngay sau khi một số người bạn của tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, họ đã tự thưởng cho mình những chiếc xe hơi, du thuyền và những chuyến du lịch đến Paris.

Nhưng tôi đã đặt ra một quy tắc cho mình: Để mua một chiếc đồng hồ đắt tiền hay thậm chí là một ngôi nhà, tôi phải tiết kiệm được gấp đôi mức giá của nó. Điều này giúp tôi không bị bội chi, đồng thời cũng cho tôi thời gian để cân nhắc xem liệu mình có thực sự cần thứ đó hay không.

Thay vì vung tiền vào các khoản mua sắm "khủng" nhưng chỉ dùng một lần, vốn không có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nói chung, tôi tập trung vào việc dùng thu nhập của mình để cải thiện công việc kinh doanh.

2. Đừng mua bất cứ thứ gì mà ta có thể thuê

Trong khi nỗ lực để trở thành triệu phú, những thứ duy nhất tôi muốn mua là những thứ có thể làm tăng dòng tiền của tôi, chẳng hạn như bất động sản thương mại mà tôi có thể cho thuê.

Tôi chưa bao giờ mua bất cứ thứ gì mà tôi có thể thuê - chẳng hạn như một ngôi nhà để ở hoặc xe hơi để di chuyển - nhờ thế tôi có thể tránh phải trả các khoản thanh toán cao hơn hàng tháng và các loại chi phí bảo trì liên quan đến việc sở hữu.

Ví dụ, vào năm 2012, tôi đã bán nhà và đi ở nhà thuê trong gần 10 năm. Điều này đã giúp tôi có nhiều tiền hơn để đầu tư vào bất động sản sinh lời. Một khi đã tiết kiệm được số tiền dư dả, tôi mới mua một căn nhà khác.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn đi xe thuê. Tuy nhiên, tôi không bao giờ gia hạn hợp đồng thuê xe quá 24 tháng, ngay cả khi điều đó có thể giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Rất nhiều thứ có thể thay đổi trong 2 năm và tôi muốn mình có thể linh hoạt khi không còn nhu cầu sử dụng chiếc xe thuê nữa.

3. Đừng vung tiền để gây ấn tượng với người khác

Mục tiêu của tôi luôn là xây dựng sự giàu có qua nhiều thế hệ cho gia đình mình. Điều đó quan trọng hơn là mua những thứ mà tôi không cần.

Vì vậy, ngay cả khi tôi có đủ khả năng mua một thứ gì đó, tôi cũng không mua nó chỉ để gây ấn tượng với những người cùng tầng lớp. Thay vào đó, tôi đầu tư với tỷ lệ cao hơn và âm thầm xây dựng sự giàu có của mình.

Mặc dù bây giờ tôi đã có tiền để mua những thứ đắt tiền, tôi vẫn tự nhận mình là người khá tiết kiệm. Tôi không quan tâm đến cuộc sống hào nhoáng, và luôn cố gắng sống dưới mức tiềm lực của mình.

4. Chỉ chi tiêu thu nhập thụ động

Quy tắc của triệu phú có thu nhập thụ động từ 12.000 căn hộ: Đừng mua những gì có thể thuê - Ảnh 1.

Nếu kiếm được 100.000 USD mỗi năm từ công việc chính và 20.000 USD mỗi năm từ thu nhập thụ động, tôi sẽ cố gắng chỉ dùng 20.000 USD kia để chi trả cho những thứ nằm ngoài chi phí sinh hoạt cơ bản.

Tất cả những quy tắc này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật và chúng có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Trước khi có được thành công như ngày nay, có những thời điểm trong quá khứ mà tôi còn phải tự hỏi tại sao mình đã làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn chưa được hưởng thành quả lao động xứng đáng.

Nhưng vì kiên định tuân thủ các quy tắc này trong hai thập kỷ, cuối cùng tôi cũng gặt hái được những thứ thuộc về mình, đứng vững trước những cuộc suy thoái kinh tế và cả khi đại dịch lây lan ra toàn cầu.

Theo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại