Quy định về nồng độ cồn: Đã ngồi vào bàn rượu, sao xác định được ngưỡng?

Tạ Hiển |

Bên cạnh ý kiến đề nghị cần có giới hạn về nồng độ cồn, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành phương án cấm tuyệt đối nồng độ khi tham gia giao thông.

Sáng 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã tiến hành thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Quy định về nồng độ cồn: Đã ngồi vào bàn rượu, sao xác định được ngưỡng?- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thường trực UBQPAN nhất trí với đề xuất của Chính phủ là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo ý kiến đề xuất của một số ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã thiết kế 2 phương án để báo cáo UBTVQH.

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật GTĐB năm 2008 là cấm: "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Tại phiên họp thứ 31, UBTVQH đã cho ý kiến cụ thể đối với 2 phương án trên và nhất trí đề nghị lựa chọn Phương án 1.

Thường trực UBQPAN đề nghị các ĐBQH thống nhất với Phương án 1 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho đất nước, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Nội dung này đã được nhiều đại biểu đưa ra ý kiến khác nhau tại phiên họp.

Quy định về nồng độ cồn: Đã ngồi vào bàn rượu, sao xác định được ngưỡng?- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị quy định như Luật GTĐB năm 2008 là cấm "Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở", đồng thời sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Đại biểu cho rằng, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì không khả thi.

"Uống một lon bia hay 1-2 chén rượu nhỏ, không biết người khác thế nào, chứ với tôi, tâm trí vẫn bình thường và vẫn có thể lái xe" - ông Hòa chia sẻ.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ hoàn toàn ủng hộ quy định uống rượu, bia thì không lái xe nhưng nếu uống từ hôm trước mà sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn để bị phạt thì chưa hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) thì tán thành phương án 1 là cấm tuyệt đối nồng độ. Đại biểu chỉ ra thống kê trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có lợi cho chính người tham gia giao thông và gia đình mình… Khi đã ngồi vào bàn rượu rồi, làm sao xác định được thế nào là uống trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng".

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cũng tán thành phương án 1 nhưng đánh giá quy định này sẽ tác động nhất định đến một số vấn đề như nét văn hóa của người dân, nguồn thu ngân sách từ rượu, bia… và đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra "ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép" để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) thì đề nghị soát, xem xét, cân nhắc mức xử phạt phù hợp và có lộ trình cụ thể để người dân dần dần hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, đáp ứng quy định của pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại