Nhiều nước yêu cầu gắn microchip để quản lý thú nuôi dễ dàng hơn.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc kiểm soát, quản lý thú nuôi phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với loài chó.
Hầu hết các nước đều yêu cầu mọi chú chó bất kể tuổi tác, nòi giống đều phải đeo vòng tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ nhân.
Trong những năm gần đây, Anh còn ban hành đạo luật yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải gắn microchip để theo dõi chó một cách hiệu quả hơn.
Công nghệ microchip không chỉ thay thế thông tin cá nhân của chó mà còn lưu giữ các vấn đề liên quan đến y tế như tiêm phòng bệnh dại, hay vắc-xin.
Ngoài ra, các quốc gia như Mỹ, Canada, hay ở châu Âu đều quy định chó phải có thẻ căn cước.
Đối với việc dắt thú nuôi dạo phố, việc rọ mõm được cho là không bắt buộc, tùy vào việc người chủ kiểm soát chó như thế nào cho phù hợp.
Với các trường hợp chó nuôi có đặc tính hung dữ, hay sủa, tấn công người hoặc bị bệnh, chủ nhân bắt buộc phải rọ mõm để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, việc trang bị dây dắt cũng được khuyến khích và được coi như một quy định bất thành văn để kiểm soát chó dễ dàng hơn khi ra đường.
Ở Mỹ, mỗi bang đều đặt ra những khái niệm khác nhau về "chó nguy hiểm", qua đó đưa ra những quy định khác nhau như phải rọ mõm, có các biện pháp an toàn đối với các con chó từng tấn công người khác, hay chó nuôi theo đàn.
Nếu vi phạm vào các quy định trên, chủ nhân của chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền, thậm chí thú nuôi còn bị tiêu hủy.
Một số nơi như Mỹ và Anh, thậm chí có thể phạt tiền từ 5.000 tới 10.000 USD hoặc 5 năm tù nếu con chó gây thương tích cho người khác, hoặc phá hoại cảnh quan đô thị. Nếu gây chết người, chủ nhân có thể bị phạt tù 14 năm.
Tại Singapore, chó hơn ba tháng tuổi trở lên cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng.
Mỗi người chỉ được nuôi tối đa ba con chó trừ trường hợp là trang trại chó hoặc cửa hàng kinh doanh. Nếu chó cắn người, người chủ sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD và con vật có thể bị tiêu hủy.
(Tổng hợp)