Vừa mất Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ lại bị Nga "ngáng đường" ở Trung Á

Đức Huy |

Trang tin Trung Đông al-Monitor nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng mất đi tầm ảnh hưởng tại các khu vực trọng yếu với lợi ích quốc gia của nước này.

Quan hệ song phương xấu đi trông thấy với Syria, Iraq, Libya, Ai Cập, và Israel có thể nói đã khiến Ankara gần như mất đi toàn bộ ảnh hưởng kinh tế chính trị tại Trung Đông, khu vực quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của một quốc gia Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ.

Và như để xát thêm muối vào vết thương, Ankara giờ đang đứng trước nguy cơ để mất luôn vị thế của mình trong mắt các quốc gia Trung Á, như một hệ quả tất yếu của quan hệ căng thẳng với Nga kể từ sau vụ bắn rơi chiếc Su-24 trên không phận Syria.

Những lệnh trừng phạt do Moscow áp đặt lên Ankara sau vụ việc hôm 24/11 vừa qua đã "lây lan" sang các nước Trung Á và vùng Caucasus. Ngại Nga, các quốc gia này cũng đang tự "biết thân biết phận" mà cách ly mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Điển hình là trong Hội nghị thượng đỉnh các nước CIS diễn ra vào tháng 12 vừa qua tại Moscow, với sự tham gia của các nước cộng hòa gốc Thổ như Kyrgyztan, Kazakhstan, và Tajikistan, rất nhiều đại diện các nước đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ công khai xin lỗi Nga.

Trước khi các nguyên thủ nhóm họp, đại diện quân đội các nước thành viên CIS đã có một cuộc hội đàm quân sự. Tại đây, với tư cách chủ tịch nhiệm kì của Tổ chức Hiệp ước An ninh CIS (CIS-CSTO), Armenia đã chỉ trích thậm tệ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại tướng Yuri Khachaturov
Tổng tham mưu trưởng QĐ Armenia
Bộ Tổng tham mưu các nước thành viên CIS-CSTO ủng hộ hành động của Nga và lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chiếc Su-24. Đây là một hành vi gây hấn không biết xấu hổ. Như những gì Nga đã phát biểu, chúng tôi cũng coi đây là một nhát dao đâm sau lưng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cũng kêu gọi các nước thành viên CIS lên tiếng ủng hộ Nga và lên án Thổ Nhĩ Kỳ.

"Với tư cách thành viên CIS, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Nga và quyết định nhanh chóng hợp tác chống khủng bố. Trong khi đó, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ và hành vi bắn rơi máy bay Nga lại thể hiện một bước lùi đối với cuộc chiến chống khủng bố" - ông Sargsyan nhấn mạnh.

Lãnh đạo các nước EurAsia tay bắt mặt mừng. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước EurAsia "tay bắt mặt mừng". Ảnh: Reuters

Nhưng nếu như những phát ngôn của đại diện Armenia cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi xét đến lịch sử chẳng mấy tốt đẹp giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, thì Ankara đã thật sự sốc khi Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev cùng hùa vào chỉ trích Thổ.

Còn nhớ, trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống hồi tháng 8/2014, ông Atambayev còn mời đích thân ông Erdogan tới phát biểu, và dành cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ những lời khen không ngớt. Ông Atambayev thậm chí còn gọi ông Erdogan là "anh trai".

Nhưng trước sức ép từ điện Kremlin, Tổng thống Kyrgyzstan không còn cách nào khác đành phải gạt "tình anh em" sang một bên, để cùng với những "người anh em" khác trong cộng đồng CIS chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ Nga.

Mức độ "thân Nga" của các nước cộng hòa Thổ tại Trung Á, những nước đã nhận được hàng tỉ USD viện trợ tài chính từ Thổ Nhĩ Kỳ, không khỏi khiến Erdogan và chính phủ đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền do ông lãnh đạo một phen "sốc nặng".

Khi được hỏi về phát ngôn của ông Atambayev, thư kí báo chí Tổng thống Erdogan, ông Ibrahim Kalin, chỉ biết nói "thật đáng tiếc ông ấy [Tổng thống Kyrgyzstan Atambayev] lại phát biểu như vậy".

Những nước cờ đánh chặn của Nga

Theo al-Monitor, việc Nga ngừng cung cấp giấy phép thông hành cho các tài xế xe tải Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu của nước này tới các quốc gia Trung Á.

Nhận thấy diễn biến bất lợi này, Ankara đã bắt đầu đưa các chuyến hàng xuất khẩu của mình qua Biển Caspian, sau khi được sự cho phép của Azerbaijan, để giữ được thị trường Trung Á cực kì quan trọng đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã kí sắc lệnh mở rộng sức chứa cảng biển Caspian, và miễn giấy tờ cho các lô hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, kể cả khi Ankara có tận dụng được tối đa sự hỗ trợ của Baku, thì điều đó cũng không đủ để cứu vớt những thiệt hại mà Nga đã gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trường Trung Á chỉ bằng một lệnh cấm đơn giản.

Và dù luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng minh thân cận của mình, nhưng với giá dầu giảm và đồng nội tệ manat trượt giá, Azerbaijan cũng đang phải đau đầu với nền kinh tế của chính họ, và không rõ sẽ có thể đáp ứng nhu cầu thương mại và năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ được đến đâu.

Một chi tiết khác cũng bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, đó là việc Azerbaijan và Armenia vẫn chưa giải quyết được khủng hoảng Nagorno-Karabakh. Thay vào đó, hai nước đều tuyên bố lệnh ngừng bắn đã chấm dứt, và giao tranh sẽ tái diễn.

Giao tranh Azerbaijan-Armenia là điều Thổ Nhĩ Kỳ không hề mong muốn vào thời điểm này. Ảnh: Reuters
Giao tranh Azerbaijan-Armenia là điều Thổ Nhĩ Kỳ không hề mong muốn vào thời điểm này. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa hai quốc gia này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới con đường xuất khẩu thông qua Azerbaijan của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, với việc Nga đồng ý mở rộng hợp tác quân sự với Armenia hồi tháng 12 vừa qua, thì liệu Ankara sẽ làm gì khi Baku ngỏ lời xin trợ giúp?

Một nước đi khôn ngoan khác của Nga là việc Tổng thống Putin tuyên bố đơn giản hóa thủ tục xin thị thực cho người Gruzia, và tiến tới miễn thị thực. Điều này cộng với cái bắt tay với Armenia nói trên cho thấy Nga đang rất tích cực "ngáng đường" Thổ ở Caucasus.

Đó là chưa kể nguy cơ Nga có thể đẩy căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ lên một nấc mới bằng việc điều tàu chặn đường vận chuyển của Ankara trên Biển Caspian. Trước đây, Nga đã từng bắn tên lửa hành trình nhắm tới các mục tiêu ở Syria từ chính vùng biển này.

Ngoài ra, Nga cũng đang tận dụng tối đa vị thế trong Liên minh Kinh tế Eurasia (EEU) để "phá" mối làm ăn giữa các nước Trung Á với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đàm phán thiết lập vùng thương mại tự do giữa EEU và Ankara đã bị hoãn vô thời hạn sau vụ Su-24, thay vào đó, ông Putin tuyên bố EEU sẽ đàm phán với Iran, với mục đích biến Iran trở thành quốc gia thay thế cho chính Thổ Nhĩ Kỳ trên sân chơi Trung Á.

Có thể nói, quyết định bắn hạ Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ lớn đánh mất cả Trung Đông lẫn Trung Á, hai khu vực trọng yếu đối với Ankara trong nhiều lĩnh vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại