Hôm qua (6/1), hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch tại Punggye-ri. Ngay trong ngày, từ Hàn, Trung, Mỹ, Nhật, cho đến đích thân Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, đã lên tiếng phản đối gay gắt động thái này của Bình Nhưỡng.
Trong khi những phản ứng qua phát ngôn là điều đã trở thành "thủ tục" trước một động thái mang tính gây hấn như của Triều Tiên thì hiện nay, giới quan sát đang chú tâm hơn vào những phản ứng bằng hành động, nếu có, của các ông lớn trên trường quốc tế.
Với những lợi ích quốc gia to lớn đặt tại hai nước láng giềng của Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận về việc liệu Washington có đưa ra hành động đáp trả nào cụ thể hay không.
Tuy nhiên, những ai đang chờ đợi Mỹ "phản đòn" cứng rắn với Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ phải thất vọng, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Ưu tiên vẫn là điều tra
Theo tạp chí The Daily Beast, trong nội bộ Lầu Năm Góc hiện nay, không mấy ai tỏ ra lo ngại về an nguy của 28.000 quân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, cũng như liệu họ đã bị nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm hay chưa.
Thay vào đó, họ đang dồn tâm trí vào việc làm rõ thực hư tuyên bố của Triều Tiên, trước khi quan tâm đến những vấn đề khác.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định trong phát ngôn chính thức rằng họ không hề bị bất ngờ "về mặt chiến lược" trước thông tin Triều Tiên thử hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều nhân viên tình báo và quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận, thời điểm Bình Nhưỡng tiến hành thử đã khiến họ bất ngờ.
"Chúng tôi đã có thông tin về việc Triều Tiên thử hạt nhân hàng tháng nay rồi, nhưng không ngờ được rằng họ lại chọn đúng ngày này để tiến hành" - một nhân viên tình báo Mỹ giấu tên cho tiết lộ với The Daily Beast.
Cụ thể, dựa theo những tuyên bố trong thời gian qua của Triều Tiên rằng nước này đã phát triển thành công một quả bom nhiệt hạch có sức công phá lớn, các quan chức Mỹ cho biết họ đã tính đến trường hợp Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử.
Tuy nhiên, thông tin Triều Tiên có trong tay bom nhiệt hạch trước đó cũng như tuyên bố thử bom thành công của Bình Nhưỡng hôm qua đều bị một bộ phận lớn trong giới chuyên gia nghi ngờ và thậm chí phủi tay phủ nhận.
Điều đó được thể hiện rõ trong phát biểu của Nhà Trắng hôm qua, khi phát ngôn viên Ned Price cũng cẩn thận "mở ngoặc" rằng Mỹ chưa kiểm chứng tuyên bố của Triều Tiên.
Đáng nói là đã có một số tín hiệu cho thấy quân đội Mỹ có vẻ chủ quan và không hề có sự chuẩn bị trước cho việc Triều Tiên thử hạt nhân.
Một trong số đó là việc 1 trong 2 chiếc máy bay phát hiện hạt nhân chuyên dụng WC-135 Constant Phoenix vẫn "ngồi chơi xơi nước" và chỉ được điều động từ Căn cứ Nebraska tới Nhật Bản chiều hôm qua, vài giờ đồng hồ sau khi "sự đã rồi".
Được mệnh danh là "chó săn", WC-135 có khả năng thu thập mẫu bụi trong không khí, để từ đó phát hiện phóng xạ, khí ga, và các mảnh vỡ phát ra từ một vụ nổ hạt nhân.
WC-135 Constant Phoenix. Ảnh: AirForce.com
Hiện vẫn chưa rõ tại sao quân đội Mỹ không điều WC-135 tới Đông Bắc Á sớm hơn, dù họ đã có thông tin Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân. Kể từ khi Triều Tiên lần đầu thử hạt nhân năm 2006, Mỹ đã điều WC-135 tới thăm dò.
Theo một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc, các hệ thống cảm ứng Mỹ đặt tại châu Á đã thu thập được mẫu bụi trong không khí trước và sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố chế tạo thành công bom H.
NBCNews cũng cho biết, Mỹ đã điều máy bay không người lái tới Triều Tiên để thu thập thêm các mẫu không khí về tiến hành xét nghiệm.
Ngoài ra, tình báo Mỹ vẫn đang phân bổ một lượng vệ tinh do thám với nhiệm vụ chính là thu thập số liệu và các tín hiệu điện từ liên quan đến một vụ nổ hạt nhân. Theo The Daily Beast, ít nhất một hệ thống vệ tinh đã và đang hoạt động tại Triều Tiên 24/7.
Và cho đến lúc này, chưa có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch.
Theo các chuyên gia, sẽ cần thêm một vài ngày nữa để xác định một cách chuẩn xác thực chất Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân gì. Tiến độ điều tra cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào "chó săn" WC-135.
Đã đến lúc cho WC-135 "về hưu"?
Năm 2010, Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) từng xuất bản một báo cáo kêu gọi Mỹ tăng cường thêm WC-135 tại Đông Bắc Á. Hiện nay chỉ có 2 chiếc đang hoạt động tại đây, nhưng khi 1 chiếc làm việc thì chiếc còn lại phải được bảo trì do cả hai đều đã hơn 50 tuổi.
Theo CRS, giải pháp thay thế cho "chó săn" là sử dụng máy bay không người lái tầm xa, như Reaper hay Global Hawk. Cả hai đều có thể mang theo bộ cảm ứng thu mẫu không khí, qua đó có thể tiến hành xét nghiệm làm rõ đợt test hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng.
Global Hawk có thể là một giải pháp thay thế WC-135 đã già cỗi?
Như đã nói ở trên, Mỹ đã điều drone tới Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố đã thử thành công bom H, nhưng không rõ là loại nào. Trong quá khứ, Không lực Mỹ đã từng dùng RQ-170 để thăm dò ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên.