Theo tờ Cambodia Daily, những người biểu tình đã tập trung trước cổng công ty dệt may Yakjin tối ngày 2/1 để thuyết phục công nhân bên trong cùng tham gia biểu tình đòi mức lương tối thiểu 160 USD/tháng cho công nhân dệt may.
Theo lời kể của các nhân chứng, vụ đụng độ xảy ra khi một binh lính thuộc Lữ đoàn lính nhảy dù 911 tinh nhuệ đứng bên ngoài công ty ném một chai nước về phía một nhà sư trong nhóm biểu tình. Tức giận với hành động này, một vài người biểu tình đã ném đá về phía binh lính.
Cuộc đụng độ nổ ra sau đó khi nhóm binh lính bên ngoài nhà máy dùng dùi cui, ống thép tấn công người biểu tình, nhà sư và cả nhiếp ảnh gia. Thậm chí, súng cao su cũng được lực lượng này sử dụng để đối phó với những người biểu tình tập trung ở bên ngoài.
Binh lính Campuchia sẵn sàng trấn áp người biểu tình.
Súng cao su cũng được binh lính sử dụng trong cuộc đụng độ với người biểu tình.
Khi được hỏi vì sao các thành viên của lực lượng đặc biệt Campuchia, mang theo súng trường bên mình, lại có một động thái bất thường khi bảo vệ một công ty dệt may của Hàn Quốc, tướng Chap Sophorn, chỉ huy lực lượng này tại hiện trường trả lời rằng: "Tôi chỉ nghe theo chỉ thị".
Chuẩn tướng Sun Samnang, Phó tư lệnh Lữ đoàn 911 từ chối cho biết lý do vì sao đơn vị này lại được triển khai tới bảo vệ công ty tư nhân. Tuy nhiên, ông nói rằng lính của ông chỉ sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình bạo lực. "Một nhóm người này đã xông vào nhà máy. Tôi không biết họ là ai".
Ông Samnang nói rằng ông không biết có bao nhiêu người bị thương hoặc bị lính của ông bắt, song tất cả những người bị bắt đều được đưa tới trụ sở của lực lượng này ở gần đó.
Một người biểu tình bị thương trong vụ đụng độ.
Cũng theo tờ Cambodia Daily, các cuộc đụng độ cũng xảy ra tại Khu công nghiệp Canadia tại Phnom Penh, khiến hơn 200 cảnh sát quân đội cùng dùi cui, súng trường được triển khai tới để trấn áp.
Chuẩn tướng Kheng Tito, phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát quân đội Quốc gia cho biết các sĩ quan của ông đã phải can thiệp nhằm bảo vệ khu công nghiệp khỏi người biểu tình: "Chúng tôi phải hành động bởi họ đã cố phá huỷ tài sản của công ty. Tình huống có thể còn trở nên xấu hơn nếu chúng tôi không hành động". Ông Tito cũng nói rằng ông không biết có bao nhiêu người bị thương và bị bắt tại hiện trường và khi nào họ sẽ được thả ra.
Chủ tịch đảng Cứu Quốc Campuchia đối lập CNRP Sam Rainsy đã chỉ trích động thái sử dụng bạo lực từ phía cảnh sát và quân đội, đồng thời cáo buộc chỉ huy Lữ đoàn 911 Chap Pheaday và họ hàng có cổ phần trong các nhà máy dệt may, vì vậy mà chỉ thị cho binh lính hành động nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của họ: "Chap Pheakdey và Chap Sophorn đã mang lực lượng lính nhảy dù tới chống lại công nhân bởi họ muốn bảo vệ 1 triệu USD của mình".
Trước chất vấn của Bộ Lao Động về việc một vài nhóm người biểu tình bạo lực tư xưng là thành viên đảng đối lập, phát ngôn viên CNRP Yim Sovann khẳng định "CNRP biểu tình đòi công lý và tái bầu cử một cách hoà bình, không bạo lực, và chúng tôi cũng tôn trọng đạo đức, chưa bao giờ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề".
Ngày 3/1, cảnh sát Campuchia đã nổ súng vào các công nhân dệt may đang tham gia biểu tình tại thủ đô Phnom Penh khiến ít nhất ba người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Theo các nhân chứng tại hiện trường, vụ nổ súng xảy ra sau khi nhiều công nhân dựng rào chắn tại con đường phía Nam thủ đô và đụng độ với lực lượng cảnh sát, các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết.
Trả lời phỏng vấn AFP, phát ngôn viên cảnh sát nói rằng lực lượng này chỉ tiến hành trấn áp đoàn biểu tình sau khi 9 nhân viên của họ bị thương trong các vụ đụng độ. “Chúng tôi ra tay vì lo lắng cho tình hình an ninh... Nếu họ tiếp tục biểu tình, sẽ rất có khả năng xảy ra bạo loạn”, ông khẳng định.