Vụ đảo chính chấn động của Chu Vĩnh Khang: Bao vây Trung Nam Hải?

Hải Võ |

(Soha.vn) - Diễn đàn Tân Hoa Xã đã so sánh vụ của Chu Vĩnh Khang với “âm mưu lật đổ chính quyền” của Bè lũ 4 tên thời Cách mạng Văn hoá.

Vụ Chu Vĩnh Khang nguy hiểm như vụ Bè lũ 4 tên

Sau khi có tuyên bố điều tra chính thức với Chu Vĩnh Khang, ngày 30/ 7, diễn đàn trên trang điện tử của Tân Hoa Xã xuất hiện bài phân tích “Những vấn đề sâu xa trong vụ Chu Vĩnh Khang”.

Bài viết nhận định, vụ Chu Vĩnh Khang gây “chấn động thế giới”, những người có quan hệ liên đới với ông Chu như vợ con, họ hàng, thuộc cấp, trợ lý, đặc biệt là nhóm lợi ích “bang dầu khí” đều đã nằm trong tầm ngắm của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (CCDI).

Bài phân tích trên so sánh vụ án của Chu Vĩnh Khang với vụ Lâm Bưu và Bè lũ 4 tên thời Mao Trạch Đông. Bài viết có nhắc tới Băng nhóm Lâm Bưu phản Đảng, Bè lũ 4 tên, “câu kết bè đảng, âm mưu lật đổ chính quyền”…, tuy không chỉ ra những liên hệ trực tiếp với vụ Chu Vĩnh Khang nhưng cũng đủ khiến độc giả có sự liên tưởng.

Chu Vĩnh Khang từng được mệnh danh là ông trùm anh ninh Trung Quốc

Chu Vĩnh Khang từng được mệnh danh là "ông trùm an ninh" Trung Quốc

"Chu Vĩnh Khang điều động lực lượng, bao vây Trung Nam Hải"

Các nguồn tin quốc tế tiết lộ, Chu Vĩnh Khang từng nhiều lần mưu đồ đảo chính nhưng không thành, trong đó, được nhắc tới nhiều nhất chính là sự kiện 19/3.

Ngày 15/3/2012, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai chính thức bị cách chức. Nhiều nguồn tin được lan truyền trên các trang mạng ở Hong Kong nhưng chưa được kiểm chứng cho hay, việc Chu Vĩnh Khang cùng cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tranh giành một nhân chứng quan trọng là doanh nhân Từ Minh đã dẫn tới vụ đảo chính Bắc Kinh 19/3.

Nguồn tin tự nhận là "từ bên trong Trung Nam Hải" tiết lộ, đêm 19/3, Chu Vĩnh Khang điều động lực lượng cảnh sát vũ trang quy mô vô cùng lớn tại Bắc Kinh và vùng lân cận, bao gồm cả Tân Hoa Môn và Thiên An Môn, đồng thời khống chế Tân Hoa Môn của Trung Nam Hải. Khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lệnh Kế Hoạch, “đại nội tổng quản” của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã lập tức điều động Cục cảnh vệ Trung ương, đối phó tình hình. Lúc này, lực lượng vũ trang mà Chu huy động chỉ “chần chừ trước cửa Trung Nam Hải” chứ không dám tiến xa hơn.

Sau khi nhận tin Trung Nam Hải bị bao vây, Hồ Cẩm Đào đã phải điều động khẩn cấp Quân đoàn 38 thuộc Bộ đội Vệ Tuất (cảnh vệ bộ đội cấp cao, được ví như “cấm vệ quân” thời xưa) tiến vào Bắc Kinh, đối phó với lực lượng cảnh sát vũ trang của Chu Vĩnh Khang. Sau khi cảnh sát vũ trang kháng cự lại mệnh lệnh rút khỏi Bắc Kinh của Quân đoàn 38, giữa hai bên đã xảy ra đấu súng.

Các nguồn tin này dẫn lời một nhân chứng giấu tên cho hay “đã nghe thấy tiếng súng phát ra từ phía Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương”. Cảnh sát vũ trang sau đó đã đầu hàng và được Quân đoàn 38 cách ly khỏi “khu vực nhạy cảm”.

Tân Hoa Môn thuộc Trung Nam Hải

Tân Hoa Môn thuộc Trung Nam Hải

Hồ Cẩm Đào từng muốn bắt giữ Chu Vĩnh Khang nhưng không thành

Cũng theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng nói trên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, khẩu hiệu của Quân đoàn 38 chính là “đập tan phần tử âm mưu đảo chính”. Quân đoàn này từng bao vây trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, tuyên bố truy bắt Chu Vĩnh Khang, chủ mưu vụ đảo chính, theo chỉ đạo của Hồ Cẩm Đào.

Một nguồn tin giấu tên khác tiết lộ, tại trụ sở CCDI, Quân đoàn 38 đã có xung đột với lực lượng cảnh vệ và thậm chí còn khống chế lực lượng này. Tuy nhiên trong đêm đó, người ta không thể tìm thấy Chu Vĩnh Khang bất kể là tại trụ sở CCDI hay tư gia của Chu.

Trước thềm Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18, Bạc Hy Lai đã thừa nhận chính Chu Vĩnh Khang là người đã tiết lộ thông tin cựu Chủ nhiệm Ủy ban an ninh Trùng Khánh trốn tại Lãnh sự quán Mỹ. Chu còn yêu cầu Bạc phải “lập tức hành động, bằng mọi giá phải bắt được Vương Lập Quân”. Sau động thái trên của Chu, bà Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, đã mật báo với Trung ương về  vụ chủ mưu đảo chính của ông này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại