Sau tuyên bố điều tra chính thức Chu Vĩnh Khang, một tổ thanh tra đã tới Thượng Hải (tổ thanh tra thực hiện giám sát, quản lý các hoạt động địa phương - đã được nhà cầm quyền Trung Quốc triển khai từ 10 năm nay) khiến nhiều trang tin cho rằng hành động “đả hổ” của Bắc Kinh đang hướng tới cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Tuy nhiên, theo giới thạo tin phân tích, thì các phát biểu gần đây của Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Vương Kỳ Sơn, việc chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có những giới hạn nhất định.
Tờ Mingpao (Hong Kong) cho hay, ngày 28/7, Vương Kỳ Sơn, trong cuộc hội kiến với Tổng bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone, đã nói: “Từ năm 1993 đến nay, Trung ương đảng luôn nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Nay đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm Tổng bí thư căn cứ theo tình hình mới, vẫn kiên quyết phòng ngừa tệ nạn tham nhũng lây lan, nhằm kiến thiết Đảng và đấu tranh chống tham nhũng”.
Ngày 21/8/1993, tại Hội nghị đảng lần thứ hai nhiệm kỳ 14, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã phát biểu: “Không được phép đánh giá thấp tính nghiêm trọng và nguy hại của tệ tham nhũng”.
Trong một bài bình luận được đăng tải ngày 31/7, Mingpao nhận định, trong phát biểu của mình ông Vương Kỳ Sơn đã cố ý nhắc tới chi tiết “từ năm 1993 đến nay”, đồng nghĩa với việc khẳng định chủ tịch Giang Trạch Dân chính là “khởi nguồn” cho hoạt động chống tham nhũng. Lời của ông Vương cũng ám chỉ Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay không có mâu thuẫn về đường lối so với thời kỳ của hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Cũng trong bài bình luận này, Mingpao cho rằng việc điều tra Chu Vĩnh Khang mà Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đang tiến hành nhất định phải được sự đồng thuận từ ông Giang. Lời phát biểu của Vương được đưa ra vào ngày 28, tức là chỉ 1 ngày trước thông tin chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang, cho thấy Tập Cận Bình không hề có ý định liên đới sự việc tới Giang Trạch Dân.
Các nguồn tin quốc tế phân tích, phát biểu của Vương Kỳ Sơn thể hiện 3 thông tin quan trọng. Thứ nhất là nâng quyết tâm chống tham nhũng từ thời Giang Trạch Dân lên một tầm cao mới, thông qua hai sự kiện gần nhất là Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu “ngã ngựa”, khẳng định không hề có sự chia rẽ nào giữa Giang - Tập. Thứ hai là nhằm ổn định dư luận trước thềm hội nghị không chính thức Bắc Đới Hà và thứ ba chính là để bày tỏ sự cảm tạ của Vương đối với lớp tiền bối cách mạng mà người đứng đầu là chủ tịch Giang.