Cuối tháng 7 vừa qua, khi vừa chân ướt chân ráo về nước nhờ lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihamoni, ông Rainsy đã lập tức tổ chức một cuộc vận động tranh cử ở tỉnh Svay Rieng mà thông điệp chính là bài xích người Việt Nam.
Trong cuộc vận động này, Rainsy trắng trợn vu cáo “Nhiều người yuon đã đến đây. Chúng di dời các cột mốc biên giới vào lãnh thổ chúng ta… Hãy bỏ phiếu cho Rainsy để bảo vệ lãnh thổ Campuchia”.
Kem Sokha, cấp phó của Sam Rainsy trong Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) cũng hứa hẹn với cử tri: “Nếu thắng cử, chúng tôi sẽ đuổi hết người yuon về Việt Nam”. ‘Yuon’ là danh từ mang tính miệt thị, phân biệt chủng tộc mà các chính trị gia CNRP dùng để chỉ người Việt Nam ở Campuchia.
Sam Rainsy (phải) và Kem Sokha, hai chính trị gia sử dụng chiêu bài vu cáo, miệt thị người Việt Nam để tranh cử
Luận điệu vu cáo, bôi nhọ Việt Nam, đe dọa quyền định cư hợp pháp của kiều dân Việt Nam tại Campuchia liên tục được Sam Rainsy và Kem Sokha nhai đi nhai lại trong mọi cuộc vận động tranh cử.
Bằng thái độ say sưa cuồng nhiệt đến mức trang tin Asia Sentinel (Hong Kong) phải mô tả là ‘tâm thần hoang tưởng’, Sam Rainsy tự vẽ ra những câu chuyện để dẫn dắt một bộ phận cử tri Campuchia thiếu thông tin đến chỗ sợ hãi người Việt Nam vì tin rằng Việt kiều ở Campuchia cướp mất công ăn việc làm của họ. Trong khi đó, theo Asia Sentinel, rất nhiều người Việt ở Campuchia chỉ làm nghề thi công điện nước hoặc thợ cắt tóc, những công việc mà người Campuchia rất ít khi làm.
Rainsy thậm chí còn vu cáo rằng người Việt Nam tràn qua biên giới sang Campuchia để bỏ phiếu trái phép trong đợt bầu cử vừa qua, trong khi các nhà quan sát nước ngoài ở khu vực biên giới Campuchia tiếp giáp với Việt Nam đều khẳng định không hề có chuyện này. Chính vì những thông tin bịa đặt của Rainsy mà một thanh niên có ngoại hình giống người Việt Nam đã bị hành hung dã man tại một điểm bầu cử ở Phnom Penh dẫn đến chấn thương nặng, mặc dù anh này là người Campuchia.
Những vụ việc bạo lực như vậy khiến kiều dân Việt Nam tại Campuchia rất hoang mang, lo sợ, đặc biệt là trong những ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia ngày 28/7 vừa qua. Bà Chan Srey Nath, 68 tuổi, một người Campuchia gốc Việt đã sống ở đất nước Chùa Tháp từ 30 năm qua cho biết “Tôi rất tức giận khi người Campuchia dùng từ ‘yuon’ với mình, nhưng chẳng biết phải làm sao. Tôi sống ở đây đã chừng ấy năm, chưa từng nói gì không hay, không phải với họ, sao họ lại dùng những từ miệt thị như vậy với tôi.”
Còn bà Kim Liên, 44 tuổi, đã sống ở Campuchia hơn 20 năm, lấy chồng người Campuchia thì lo lắng “Tôi rất sợ, sợ người ta hành hung tôi, sợ người ta giết tôi.” Bà và chồng còn tính chuyện nếu có bạo động chống lại người Việt thì cả hai sẽ trốn trong nhà, tích trữ lương thực để phòng thân.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!