Nhật, Philippines dùng 'biện pháp mạnh' với Trung Quốc

My Lan |

(Soha.vn) - Ngày 8/8, Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tới chất vấn sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) phát hiện 4 tàu thuộc Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tự ý đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước Senkaku/Điếu Ngư.

	Tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.

Tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật cho hay Tokyo đã bày tỏ sự phản đối trong cuộc gặp với quyền đại sứ Trung Quốc Han Zhiqiang.

Theo JCG, các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 7/8 (theo giờ địa phương) và vẫn đang ở trong khu vực này cho tới sáng ngày 8/8, bất chấp việc JCG đã yêu cầu các tàu này phải nhanh chóng lập tức rời khỏi đó nhằm tránh “trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Đây là lần thứ 56 tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển này kể từ khi Nhật Bản mua và quốc hữu hóa ba trong số năm đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Trước đó, 3 tàu hải giám Nhật Bản đã bị phát hiện tiến vào vùng biển này vào khoảng 17 giờ 15 phút ngày 2/8 (theo giờ địa phương) và ở đó đến khoảng 3/8.

Thậm chí, sau khi nhận được tín hiệu từ radio của Nhật yêu cầu rời đi, một trong 3 tàu này còn tuyên bố bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật rằng quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc.

Động thái này diễn ra ngay khi Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đang có cuộc gặp gỡ với cựu Thủ tướng Nhật bản Yukio Hatoyama nhằm bàn thảo về cách thức giải quyết căng thẳng giữa hai nước.

Philippines cũng từng có động thái cứng rắn đối với việc các tàu của Trung Quốc xâm phạm các khu vực tranh chấp tại biển Đông.

Ngày 21/6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Cục Hải quan, Cục Kiểm dịch và Cục Nhập cư đã chặn và tiến hành kiểm tra một tàu chở hàng MV Ming Yuan của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Cebu, miền Trung Philippines mà không khai báo cho lực lượng bảo vẹ bờ biển nước này. Khi bị bắt, con tàu ở trong tình trạng không tải. 

Con tàu này ngay sau đó đã bị áp tải về cầu cảng của lực lượng này ở cảng Hagnaya (Cebu) nhằm điều tra lí do tại sao con tàu này lại “xâm nhập bất hợp pháp” vào lãnh hải Philippines. 

	Tàu hàng Trung Quốc bị Philippines bắt giữ hôm 21/6/2013.

Tàu hàng Trung Quốc bị Philippines bắt giữ hôm 21/6/2013.

Hôm 24/7/2012, Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Manila nhằm phản đối kế hoạch Trung Quốc lập cơ sở đồn trú tại cái gọi là thành phố Tam Sa (địa danh phi pháp do Trung Quốc thành lập, có phạm vi hành chính bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), đồng thời phản đối sự xuất hiện của tàu quân sự hộ tống đội tàu cá ở gần khu vực các đảo tranh chấp tại Trường Sa.

Mặc dù Philippines không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho rằng kế hoạch này của Trung Quốc là không thể chấp nhận được: "Chính phủ Philippines bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đồng thời đưa ra lời phản đối mạnh mẽ với quyết định của chính phủ Trung Quốc thành lập quân đội đồn trú trên đảo Phú Lâm”.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại