Viễn cảnh "lạnh sống lưng" khiến châu Á phải ngả về Trung Quốc

Đức Huy |

Viễn cảnh Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, mà một trong số đó là rạn nứt trong quan hệ của Mỹ với các nước châu Á đến mức họ sẽ ngả về Trung Quốc.

Đó là nhận định của giáo sư - nhà nghiên cứu người Philippines Richard Javad Heydarian. Ông từng giữ chức cố vấn đối ngoại trong Hạ viện Philippines (2009-2015), và hiện đang giảng dạy bộ môn khoa học chính trị tại trường Đại học De la Salle.

Theo ông Heydarian, trong mắt đại đa số người châu Á hiện nay, Mỹ đã và đang chuyển dần từ hình ảnh một "bá chủ hách dịch" sang một "siêu cường nhu nhược".

Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, vị thế độc tôn của Mỹ tại châu Á không còn là một cái gì đó Washington có thể tự tin mặc nhiên có, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một thâu tóm nền kinh tế khu vực, và hung hăng thách thức sự thống trị của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương.

Chiều hướng này cũng không có gì mới mẻ, khi một thế lực nổi lên từ kinh tế và công nghiệp hóa, thế lực ấy sẽ tìm cách nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong trật tự thế giới hiện tại.

Nhưng theo chuyên gia Heydarian, Trung Quốc có thể phô trương thanh thế được như vậy cũng một phần không nhỏ do Mỹ "tự bắn vào chân mình". Đại Khủng hoảng 2008 không chỉ phá hủy những nền tảng kinh tế tạo nên sức mạnh Mỹ, mà còn dẫn đến một sự chia cắt rõ rệt trong hệ thống chính trị Washington.

Xu thế này đạt đến cao trào vào năm 2013, khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz, nay đang tranh cử Tổng thống, đã đứng sau "đạo diễn" vụ đóng cửa chính phủ Mỹ do bất đồng về chính sách tài khóa.


Ted Cruz đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích trong vụ đóng cửa chính phủ, khiến kinh tế Mỹ thiệt hại ước tính lên đến 24 tỉ USD. Ảnh: AP

Ted Cruz đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích trong vụ đóng cửa chính phủ, khiến kinh tế Mỹ thiệt hại ước tính lên đến 24 tỉ USD. Ảnh: AP

Hệ quả là ông Obama, khi đó đang rất hào hứng với mục tiêu "xoay trục châu Á", đã phải hủy hàng loạt các chuyến công du sang bên kia Thái Bình Dương để "lo chuyện nhà".

Các nhà lãnh đạo châu Á vốn tương đối kín tiếng, bấy giờ đã phải công khai thể hiện sự bất bình với hệ thống chính trị Mỹ.

"Về mặt chính trị, chúng tôi hiểu lý do ngài Tổng thống phải làm vậy, nhưng đương nhiên tất cả các bên liên quan đều rất thất vọng với quyết định ấy" - một quan chức bộ Ngoại giao Brunei than phiền, sau khi biết tin ông Obama sẽ không tới Banda Seri Begawan dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN như mong đợi.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nói thẳng: "Mỹ cần phải tiếp tục quan tâm tới ASEAN, bởi khu vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể thay thế, dù đó là Trung Quốc, Nhật Bản, hay bất kì thế lực nào khác".

Chuyên gia Heydarian nhận định, các nước châu Á đã phải nhắc nhở Mỹ hãy "về nhà gấp" nếu không muốn để lại lỗ hổng quyền lực cho kẻ khác tận dụng.

Thật vậy, khi Obama còn đang bận tranh cãi với lưỡng viện ở Washington, thì Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã cho ra đời hết sáng kiến kinh tế này đến hiệp định thương mại khác để "ve vãn" các nước châu Á.

Bắc Kinh cũng ngang nhiên khởi xướng xây dựng, cải tạo trái phép hàng loạt trên Biển Đông, và cứ thế, những đảo nhân tạo, những cơ sở đa chức năng, rồi mới đây là những đường băng quân sự lần lượt mọc lên ngay trước mũi Washington.

Mới đây, hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Sunnylands được coi là một động thái của chính phủ Obama nhằm tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á, cũng như ngăn cản sức hút của Trung Quốc.


Ông Obama và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Sunnylands. Ảnh: AP

Ông Obama và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Sunnylands. Ảnh: AP

Tuy nhiên, sự nổi lên của một lãnh đạo dân túy, chia rẽ như Donald Trump, đang ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới hình ảnh của nước Mỹ trong mắt người châu Á.

Chưa nói đến liệu Trump có giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc đua vào Nhà Trắng hay không, nhưng theo chuyện gia Heydarian, việc một người với những đề xuất và phát ngôn như Trump có thể trở thành ứng viên hàng đầu như hiện nay là quá đủ để châu Á hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Mỹ.

Thất bại của "quyền lực mềm"

Trong cuốn sách "Quyền lực Mềm: Yếu tố Quyết định Thành công trong Chính trị Thế giới, giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye đã nhấn mạnh những gì tạo nên sức hút của một trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu.

Giáo sư Nye phân tích, khi "quyền lực cứng" - tức sự thống trị của Mỹ trên trường quốc tế, không sớm thì muộn cũng sẽ thuyên giảm, thì việc khéo léo áp dụng "quyền lực mềm" bằng đường lối ngoại giao đúng đắn và hợp tác đa phương hiệu quả, vẫn có thể giúp Washington giữ vị thế số một trong trật tự thế giới.

Tất nhiên không thể coi "quyền lực mềm" như một sự thay thế hoàn hảo cho tiềm lực quân sự hay sức mạnh công nghiệp của Mỹ hậu Thế Chiến II, nhưng với sức hút từ Silicon Valley, từ Hollywood, từ những lãnh đạo truyền cảm hứng, và từ thể chế dân chủ luôn được đánh giá cao, ông Nye cho rằng thế kỉ 21 vẫn sẽ thuộc về Mỹ.

Nhưng theo ông Heydarian, nước Mỹ giờ đây không còn là chỗ dựa, không còn là hình mẫu khiến người châu Á nể phục như trước kia. Vị thế của Washington đang bị đặt dấu hỏi, do hệ quả của khủng hoảng tài chính, bong bóng nợ phình to, và khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng,

Không lâu sau khi chính phủ Obama đề ra chính sách xoay trục châu Á, các chuyên gia nghiên cứu châu lục này đã thể hiện sự hoài nghi về khả năng Mỹ có thể giữ vững hình ảnh thể hiện cho sự bình ổn và thịnh vượng trong mắt người châu Á.

"Người châu Á sẽ nhìn vào sự bất lực của Mỹ trong việc xử lý thâm hụt ngân sách, sự bất lực trong việc hồi sinh một nền kinh tế vừa trải qua thập kỉ tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ, và sự bất lực trong việc giải quyết các bất đồng chính trị ngăn cản chính phủ hành động trong những vấn đề mà đáng ra phải có sự đồng nhất" - học giả Elbridge Colby viết trong một bài phân tích đăng trên The Diplomat năm 2012.

Nói đi cũng phải nói lại, những đối thủ chính của Mỹ tại châu Á như Trung Quốc cũng có nhiều điểm yếu. Cách hành xử áp đặt, "cá lớn nuốt cá bé" của Bắc Kinh khiến nhiều nước châu Á bất bình.

Nhưng theo ông Heydarian, mấu chốt nằm trong sức hút của Mỹ tại châu Á phụ thuộc vào việc nước này có thể thể hiện được khả năng lãnh đạo "luân thường đạo lý", cũng như những lý tưởng dân chủ mà họ đề cao hay không.

Và chính hai cột trụ trong "quyền lực mềm" này của Mỹ hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng.

"Lạnh sống lưng" vì Trump

Rất nhiều người châu Á hiện nay đang quan ngại về hướng đi của hệ thống chính trị cũng như chính sách đối ngoại Mỹ. Viễn cảnh Trump trở thành Tổng thống Mỹ khiến các lãnh đạo cũng như người dân châu Á không khỏi "lạnh sống lưng".

Việc Trump kêu gọi cấm hoàn toàn người Hồi giáo tới Mỹ sau vụ tấn công khủng bố tại San Bernadino đã khiến châu Á, nơi hội tụ đa số cộng đồng người Hồi giáo, hết sức bất bình. Một số quan chức cấp cao đã phải công khai lên tiếng chỉ trích.

"Đề xuất của Trump thể hiện suy nghĩ của rất nhiều người Mỹ, và điều này thật đáng lo ngại" - Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed phát biểu.

Tại Indonesia, quốc gia với số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, chính trị gia có tiếng Setya Novanto đang bị chính phủ điều tra vì cáo buộc vi phạm chuẩn mực đạo đức, sau khi ông này bị phát hiện tham gia một buổi vận động tranh cử của Trump tại New York.


Ông Novanto (trái) tham gia vận động tranh cử cùng Trump ở New York. Ảnh: AP

Ông Novanto (trái) tham gia vận động tranh cử cùng Trump ở New York. Ảnh: AP

Ngoài ra, thay vì đồng cảm với những đồng minh lâu năm tại châu Á, Trump tuyên bố sẽ "đòi tiền" Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí còn ngầm ca ngợi cái gọi là "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời coi đó như hình mẫu cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Rồi trong khi chính phủ Obama đã tốn rất nhiều công lao để Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các bên nhất trí thông qua, thì Trump thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách thương mại tự do của Mỹ.

Tỉ phú bất động sản này đe dọa sẽ áp đặt mức thuế "trên trời" đối với các mặt hàng nhập khẩu từ châu Á, một chính sách tai họa mà theo chuyên gia Heydarian sẽ dẫn đến cái kết của trật tự thế giới tự do.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định Trump sẽ đắc cử Tổng thống, song kể cả trong trường hợp ông thua cuộc, thì chỉ riêng viễn cảnh Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng thôi đã đủ để tạo ra cơn ác mộng trong tâm trí người châu Á, và khiến hình ảnh nước Mỹ sụp đổ trong mắt nhiều người.

Thậm chí, trong trường hợp Trump đắc cử, trừ các đồng minh của Mỹ ra, không loại trừ khả năng các nước châu Á sẽ âm thầm ngả về phía Trung Quốc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại