Tiết lộ của Ngoại trưởng Nga về mục tiêu Putin thực sự theo đuổi

Thùy Trang |

Theo Ngoại trưởng Lavrov, cho đến khi Nga có được tiếng nói chính thức trong nội bộ chính trị và an ninh châu Âu, lục địa này khó có thể đạt được dù chỉ một ngày yên ổn.

Trong khi các lãnh đạo châu Âu tin rằng họ đã giải quyết được khủng hoảng nhập cư khi đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, một "ông lớn" đang lặng lẽ từ xa quan sát, nhà báo Natalie Nougayrède của The Guardian viết.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, tuần trước đã tuyên bố: “Khủng hoảng nhập cư là hậu quả của những nỗ lực một cách vô trách nhiệm nhằm lan truyền kiểu dân chủ phương Tây sang Trung Đông”.

Phát ngôn trên, ngoài nói lên sự phản đối lâu nay của Nga đối với những động thái nhằm thay đổi chế độ của phương Tây, còn là một lời quở trách.

Gần đây, Nga đã bị lãnh đạo cấp cao của NATO cáo buộc “vũ khí hóa” người nhập cư nhằm gây bất ổn tại châu Âu.

Tuy nhận định đó cần được xem xét lại kĩ càng hơn, có một điều không thể chối cãi là toàn thế giới giờ đây đều tò mò về những tính toán của Nga, cũng như mục tiêu đất nước này thực sự theo đuổi trong bối cảnh EU phải đối mặt với hàng loạt các cuộc khủng hoảng.

Để phần nào làm sáng tỏ suy nghĩ đằng sau những động thái của Tổng thống Vladimir Putin, Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, gần đây đã tự tay soạn thảo một bài viết dài, đăng tải trên tạp chí Russia in Global Affairs.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, điều Nga muốn giành được là tiếng nói chính thức trong nội bộ chính trị cũng như an ninh châu Âu. Cho đến khi Nga đạt được mục đích trên, lục địa này khó có thể đạt được dù chỉ một ngày yên ổn.

“Trong vòng hai thế kỉ qua, mọi nỗ lực liên kết châu Âu mà bỏ qua hay chống lại Nga đều chỉ dẫn tới những bi kịch đẫm máu. Tất cả hậu quả đều chỉ được giải quyết nhờ sự can thiệp mang tính quyết định của đất nước chúng tôi.” – ông Lavrov viết.

Sergei Lavrov là người giữ chức Ngoại trưởng lâu dài nhất sau thời Liên Xô. Ông không hoạt động độc lập, mà luôn đứng sau lắng nghe và hành động đúng theo chỉ thị của Tổng thống Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ảnh: AFP

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi bài viết của ông Lavrov ra đời đúng vào lúc Nga đang đặt cược ván bài tại Syria, trong khi phía châu Âu vất vả tìm ra chính sách đúng đắn cho người nhập cư.

Cáo buộc Putin “vũ khí hóa” người nhập cư đồng nghĩa với việc gán cho Tổng thống Nga phần trách nhiệm quá lớn, trong khi Nga không hề là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng trên.

Bà Nougayrède lưu ý rằng, cụm từ "khủng hoảng nhập cư" lần đầu bị đưa ra ngoài ánh sáng không phải vào năm 2015, thời điểm Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria, mà là ngày 3/10/2013, khi hàng trăm người di cư thiệt mạng tại đảo Lampedusa.

Trong bài viết của mình, Ngoại trưởng Lavrov đã sử dụng chính lịch sử lâu đời của châu Âu để củng cố nhận định của mình, rằng thiếu đi Nga, mọi hình thức hợp tác của lục địa này đều chỉ kết thúc bằng hỗn loạn.

Ông dẫn lại câu nói của Tể tướng Alexander Bezborodko dưới thời Nữ hoàng Catherine Đại đế: “Không một quả pháo nào tại châu Âu được quyền phát nổ nếu chúng ta không cho phép”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga còn nhắc tới những cuộc chiến thời Napoleon, tranh chấp tại bán đảo Crimea 1853-1856, thông qua đó chỉ ra rằng hàng trăm năm nay, Tây Âu đã đồng tâm hiệp lực ngược đãi và bôi nhọ nước Nga.


Khủng hoảng nhập cư hiện nay hoàn toàn không phải do Nga gây nên. Ảnh: Monitor

Khủng hoảng nhập cư hiện nay hoàn toàn không phải do Nga gây nên. Ảnh: Monitor

Tuy nhiên, trọng tâm bài viết của ông Lavrov lại nằm ở nhận định rằng, sau năm 1991, “chúng ta đáng lẽ nên cùng nhau xây dựng nền tảng mới cho an ninh châu Âu”.

Theo Ngoại trưởng Nga, nếu muốn giải quyết "những vấn đề đã ăn sâu vào gốc rễ" giữa Nga và phương Tây, giờ chính là thời điểm thích hợp để hành động.

Dù thông điệp không mấy mới mẻ, Moscow gần đây đã nhiều lần đưa "lời nhắn nhủ" trên vào các cuộc thảo luận tại châu Âu. Điển hình là tháng trước, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã khẳng định điều này tại hội nghị an ninh Munich.

Bên cạnh những tuyên bố về một cuộc "chiến tranh lạnh" mới, hay hiểm họa rình rập về một "thảm họa toàn cầu thứ 3", ông Medvedev đã đứng ra kêu gọi các nước xem xét lại "cấu trúc an ninh của vùng châu Âu-Đại Tây Dương".

Và năm 2016 này đã mở toang cánh cửa, đem tới cho Nga cơ hội thúc đẩy yêu cầu trên.

Khủng hoảng nhập cư hiện đang đe dọa những tổ chức lớn của châu Âu, mối quan hệ của Anh và châu Âu thì bị đặt dưới sức ép của cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, trong khi Đức và Pháp cũng rơi vào tình trạng bất hòa.

Tầm ảnh hưởng chính trị của Angela Merkel đang suy giảm, Ukraine thì bất ổn, biểu tình diễn ra khắp nơi, bán đảo Balkan lại tiếp tục căng thẳng, và Mỹ còn bận bịu với chiến dịch tranh cử Tổng thống thấm đẫm chủ nghĩa biệt lập.

Chính sách của Putin tại Syria đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi. Nhiều người cho rằng Nga đang cố gắng vươn lên sánh ngang, thậm chí vượt mặt Mỹ.

Bằng cách nhen nhóm lại cuộc đua "song mã" giữa Nga và Mỹ, mục tiêu địa chính trị cuối cùng mà Putin nhắm tới không phải Trung Đông, mà là châu Âu.

Đó mới chính là phần thưởng lớn nhất bao năm Nga theo đuổi. Có lẽ, theo bà Nougayrède, đã tới lúc các lãnh đạo châu Âu tìm cách đối phó với thách thức trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại