Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khiến thế giới phải "vò đầu bứt tai", khi tuyên bố Moscow sẽ rút phần lớn lực lượng quân đội đang tham chiến tại Syria, gần 6 tháng sau khi phát động chiến dịch can thiệp quân sự tại quốc gia này.
Các nhà phân tích tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định này của Putin, khi mà các đợt không kích của Nga đang phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần lật ngược tình thế nội chiến Syria theo hướng có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad.
"Tôi thấy khá lạ là Putin lại không hoàn thành một số mục tiêu quân sự quan trọng" - Jeff White, nhà nghiên cứu quân sự thuộc Học viện Chính sách Cận Đông Washington, phát biểu trên Business Insider.
"Chưa bao vây xong Aleppo, các lực lượng nổi dậy vẫn còn lảng vảng ở Latakia và gần như không phải chịu áp lực nào tại Idlib, trong khi quân chính phủ Syria vẫn gặp khó ở Daraa" - ông White nói thêm.
Như những gì chuyên gia này nói, Aleppo vẫn chưa thể nằm gọn trong tay quân chính phủ. Trong khi đó, mối đe dọa lớn nhất đối với phe nổi dậy tại Idlib chẳng phải quân chính phủ, mà là nhánh al-Qaeda tại Syria, Mặt trận al-Nusra.
Quân đội Syria và các lực lượng thân chính phủ đã giành được những thắng lợi nhất định trước phe nổi dậy ở phía bắc Latakia, nhưng nhìn chung giao tranh tại đây vẫn bất phân thắng bại.
Còn tại tỉnh Daraa ở phía nam, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Nusra, và các phe nổi dậy đang tranh giành lãnh thổ, còn quân chính phủ thì chỉ xuất hiện lác đác ở vài khu vực.
"Đúng là Nga đã giúp quân chính phủ củng cố vị thế của mình tại Syria... song những gì Nga đã làm chưa đủ để người ta có thể nghĩ đến viễn cảnh một chiến thắng trọn vẹn [cho Assad]" - Julien Barnes-Dacey, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chưa rõ liệu ông Putin có thật sự nhắm đến một "chiến thắng trọn vẹn" tại Syria hay không.
Giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu an ninh Nga và quốc tế thuộc Đại học New York, nhận định với Business Insider rằng, thắng lợi quân sự tại Syria chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Putin.
Theo ông, việc Putin quyết định giảm cường độ can thiệp quân sự trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" với Assad, khi mà những mục tiêu vẫn chưa hoàn tất, có thể lại là một phần chiến lược củng cố tiếng nói của Moscow trên bàn đàm phán Geneva.
Với tuyên bố thu hồi phần lớn lực lượng quân đội tại Syria, Putin muốn đẩy trách nhiệm chấm dứt giao tranh sang cho Mỹ, đồng thời chứng minh cho cộng đồng quốc tế, cũng như chính Assad, rằng Nga không ủng hộ vô điều kiện chính phủ đương nhiệm tại Syria.
"Có thể Putin hơi bất bình với Assad và muốn chứng minh cho ông ta thấy ai mới là 'ông chủ' thực sự. Cũng có thể Putin nghĩ rằng vào thời điểm hiện tại, trọng tâm cần được đặt vào bàn đàm phán thay vì trên chiến trường" - ông White nhận định.
Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp với Hội đồng an ninh Nga. Ảnh: Reuters
Nhà nghiên cứu này cũng nói thêm rằng, Nga có thể dễ dàng thay đổi ưu tiên từ bàn đàm phán quay trở lại chiến trường nếu thấy cần thiết.
Theo Business Insider, rất nhiều chuyên gia nhất trí rằng việc Nga tiếp tục duy trì hiện diện tại Tartus và Latakia cho thấy việc "rút quân" của Nga thực chất chỉ ở mức tuyên bố. Và dù đã có nhiều phi đội máy bay Nga trở về Moscow, thì họ có thể quay lại Syria bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, Mark Kramer, giám đốc chương trình nghiên cứu hậu Chiến tranh Lạnh thuộc Trung tâm nghiên cứu Nga và Eurasia của Đại học Harvard, thì cho rằng quyết định rút quân trước khi bảo đảm được thắng lợi trọn vẹn cho Assad là kế hoạch của Putin từ ban đầu.
"Từ tháng 2, quân đội Nga đã đạt được những mục tiêu mà họ đặt ra trước khi tới Syria. Đó là, củng cố quyền lực chế độ Assad, và đưa cục diện nội chiến Syria rời xa khỏi viễn cảnh một thất bại tủi hổ cho Assad" - ông Kramer phát biểu.
Chuyên gia này nói thêm, chiến dịch không kích của Nga tại Syria cũng góp phần "làm hình ảnh" rất tốt.
Trong khi đó, ông Galeotti, một người nổi tiếng với những phân tích chỉ trích Putin, cũng phải ngợi khen nước cờ mới nhất của Tổng thống Nga.
"Bằng cách này, Putin vừa trấn an được công chúng Nga, vừa giảm được nguy cơ quân đội Nga phải hứng chịu 'tai họa' không đáng có,... vừa thể hiện được hình ảnh một nhà ngoại giao đang ở đỉnh cao phong độ" - chuyên gia này phát biểu.