Vì Ukraine, Mỹ đã không còn cơ hội quay lại châu Á?

Tiêu Giang |

(Soha.vn) - "Ngoại giao vụng về của Obama đang chôn vùi tất cả những gì có giá trị của Mỹ trên hướng chiến lược quan trọng nhất, đẩy hai cường quốc cùng một lúc chống lại mình".

Trong một bài phân tích được đăng tải trên tờ Odnako mới đây, tác giả Bulat Habibullin đã cho rằng mặc dù xác định châu Á là ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của mình, song trên thực tế, sự "vụng về" của Mỹ đã khiến Wasington ngày càng xa rời châu lục này. Đặc biệt, các động thái của Mỹ liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây ra việc mà Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn - Nga và Trung Quốc đang càng xích lại gần nhau hơn.

Dưới đây là những nhận định của tác giả trẻ Bulat Habibullin trên tờ Odnako:

Nếu như cách đây 10 năm, những tranh luận về sự sụp đổ của bá quyền Mỹ diễn ra một cách nhẹ nhàng, thì ngày nay, ngay cả các chính trị gia nổi bật của Mỹ cũng không ngần ngại thừa nhận rằng Mỹ đã đánh mất danh hiệu "lãnh đạo thế giới".

Hiện vẫn còn một mặt trận mà “sen đầm quốc tế” Mỹ dường như sẽ phải rút lui - đó chính là châu Á.

Bulat Habibullin tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Kazan và đang là nghiên cứu sinh tại khoa Xã hội học, thuộc Đại học Quốc gia Moscow (Nga).

Từ nửa sau của thế kỷ 20, người Mỹ đã hành động không tồi tại khu vực này, kiểm soát các quốc đảo, kiềm chế Trung Quốc và ngăn không cho nước này xích lại gần Liên Xô.

Tới đầu thế kỷ 21, vì những lý do nào đó, Mỹ không thể tiếp cận được châu Á. Sau khi rút quân khỏi Iraq, Obama tuyên bố châu Á sẽ được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Song tuyên bố này, như Financial Times viết, "được Bắc Kinh - hoàn toàn không vô căn cứ - xem như một nỗ lực được Mỹ che đậy nhằm củng cố liên minh quân sự của mình với các nước láng giềng của Trung Quốc”.

Chính vì vậy, thay vì “chuyển trục sang châu Á”, chúng ta nhìn thấy Mỹ đang bị phân ly khỏi châu Á. Ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á rõ ràng là đã yếu đi. Tại đây, Trung Quốc vươn lên như một cường quốc khu vực cùng với tất cả các dấu hiệu của một chủ thể độc lập, phù hợp với xu hướng cơ bản của chính trị thế giới. Và các quan hệ của Mỹ với các đồng minh gần gũi như Nhật Bản và Hàn Quốc rõ ràng có phần nguội lạnh.

Những hiện tượng này có mối liên hệ với nhau. Phá hỏng mối quan hệ với đồng minh đồng nghĩa với việc Mỹ đang dần từ bỏ việc kiềm chế Trung Quốc. Ngược lại, khi Mỹ buông lỏng việc kiểm soát Trung Quốc thì các đồng minh của Mỹ sẽ không còn tin vào Mỹ như một sự đảm bảo cho an ninh khu vực.

Hơn nữa, việc không thể tránh khỏi là Trung Quốc và Nga sẽ xích lại gần nhau – điều mà Mỹ rất lo sợ và đã cố không để xảy ra trong suốt thế kỷ 20.

Việc Mỹ mất Trung Quốc và Trung Quốc đang xích lại gần Nga (đặc biệt trong những sự kiện gần đây tại Ukraine) là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên truyền thông phương Tây. Các nhà phân tích không ngại gọi đó là một “sai lầm chiến lược cơ bản” của Mỹ trong những năm gần đây. Tờ The National Interest của Mỹ cho rằng, "hoạt động ngoại giao vụng về” của Obama đang chôn vùi tất cả những gì có giá trị trên hướng chiến lược quan trọng nhất của Mỹ, đồng thời còn “đẩy hai cường quốc cùng một lúc chống lại mình”.

Thực tế, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và việc Crimea sáp nhập vào Nga đã phá vỡ tất cả những khuôn mẫu, không chỉ trong quan hệ Moscow-Washington, mà còn trong các mối quan hệ Bắc Kinh-Washington và Bắc Kinh-Moscow. Những hành động hấp tấp của Mỹ trong hoàn cảnh này chỉ có thể làm tình hình xấu thêm, “thúc đẩy Nga và TQ bỏ qua những bất đồng, tiến gần nhau hơn”.

“Quan hệ của Washington với Bắc Kinh trong thời gian qua thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn. Điều này được chứng minh bằng chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới Trung Quốc. Đỉnh cao của hàng loạt những tuyên bố căng thẳng đó là lời cảnh báo cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn rằng, những nỗ lực kiềm chế nước này chưa khi nào thành công” – một nhà phân tích bình luận.

“Thậm chí, đôi khi giọng điệu trong những phát ngôn ngoại giao của Mỹ nhằm vào Nga và Trung Quốc thô lỗ và hung hăng một cách không cần thiết. Các quan chức của chính quyền Obama đã nhiều lần thể hiện sự giận dữ vì Bắc Kinh và Moscow dám chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad và tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, đã lên án quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết liên quan tới Syria. Bà Rice cho rằng, Mỹ đã đã rất "giận dữ", những hành động tương tự như vậy thật "đáng xấu hổ’ và ‘không thể tha thứ được". Tất nhiên, tuyên bố này của bà đã khiêu khích những phản ứng mạnh mẽ từ phía Moscow và Bắc Kinh”, nhà phân tích này bổ sung.

Trong những năm gần đây, khi tham gia vào các vấn đề quốc tế, Trung Quốc đã thể hiện sự thận trọng, thực dụng và luôn duy trì quan điểm trung lập. Nhưng trong một số trường hợp, theo quan điểm của Mỹ, tính trung lập này lại tự nhiên trở thành quan điểm ủng hộ Moscow".

Về điều này, hãng thông tấn Iran IRNA viết rằng: “Mặc dù chính phủ Trung Quốc hiện không chính thức thừa nhận ủng hộ một trong những bên tham gia xung đột tại Ukraine, đồng thời luôn kêu gọi các bên giải quyết vấn đề một cách hòa bình, nhưng lập trường của Bắc Kinh nhìn chung đã cho thấy rằng nước này đang đứng về phía Moscow. Từ khi bắt đầu xảy ra đối đầu giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, các phương tiện truyền thông Trung Quốc và một số lực lượng không thuộc chính phủ đã có quan điểm ủng hộ Nga.

Thậm chí ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đầy tranh cãi tại Crimea thì bản Anh ngữ của Thời báo Hoàn Cầu, một cơ quan ngôn luận chính thức Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải một bài báo kêu gọi giới chức Bắc Kinh ủng hộ chính sách của Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin.

Khác với những nhà lãnh đạo phương Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Sochi trong thời điểm quan hệ Nga và phương Tây đang căng thẳng do vấn đề Ukraine. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh quan hệ đặc biệt, gần gũi giữa Nga và Trung Quốc cũng như tầm quan trong của hợp tác song phương giữa 2 nước này”.

Tầm quan trọng của hợp tác Nga-Trung Quốc cũng được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh trước chuyến thăm Trung Quốc của mình vào ngày 15/4 vừa qua. Còn ngày 17/4, chính Tổng thống Putin, khi trả lời đạo diễn Karen Shakhnazarov (Tổng giám đốc hãng Mosfilm), đã nêu lên những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Nga-Trung: “Quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp chưa từng có, kể cả trong lĩnh vực quân sự và chính trị. Điều này liên quan tới quan điểm chung trong việc đánh giá tình hình quốc tế và bảo đảm an ninh trên thế giới. Chúng ta (Nga và Trung Quốc) là những nước láng giềng và đồng minh tự nhiên”. Trao đổi thương mại Nga - Trung đã đạt 87 tỷ USD và đang từng bước được nâng lên.

Quay lại bài báo của The National Interest, tác giả đã dẫn lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng: “Quan hệ của chúng ta (Mỹ) với hai đối thủ tiềm tàng này (Trung Quốc và Nga) nên được duy trì ở trạng thái sao cho các đề nghị chúng ta đưa ra với hai nước luôn tốt hơn đề nghị của họ với nhau”, tức là “Washington phải làm mọi thứ có thể để quan hệ của Washington với Bắc Kinh và Moscow trở nên chặt chẽ hơn so với quan hệ giữa hai nước này”.

Chính vì vậy, việc đánh mất sự kiểm soát đối với Trung Quốc khi nước này đang xích lại gần Nga đang là một vấn đề nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Liệu chính quyền của Mỹ hiện nay có khả năng giải quyết vấn đề này không?

Một tháng trước, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đã tới thăm Trung Quốc. Tại đây bà chơi bóng bàn, viết thư pháp và chắc chắn đã thăm dò tình hình. Còn trong tuần này, Tổng thống Mỹ Obama đã tới các nước châu Á. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của chuyến đi này, Obama không lên kế hoạch thăm Trung Quốc. Rõ ràng, Mỹ đang không thể khôi phục lại nguyên trạng khu vực thông qua tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc.

Xem thêm: Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau trong lễ khai mạc Olympic Sochi:

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại