Vì sao TQ liên tiếp nói về Nga, Thổ sau khi "im lặng khó hiểu"?

Hải Võ |

Thái độ "cầm chừng" của Trung Quốc từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS ở Syria cho đến căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây làm dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận quốc tế.

Bắc Kinh liên tiếp tỏ thái độ về vấn đề Nga, Thổ Nhĩ Kỳ

Tờ Komsomólskaya Pravda (Nga) hôm 6/12 đưa tin, Trung Quốc hôm 4/12 "cuối cùng cũng tỏ thái độ rõ ràng" khi tuyên bố ủng hộ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) của Nga tại Syria.

Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh ghi nhận thông tin Nga hành động theo đề nghị của chính phủ Syria để hợp tác chống lại thế lực khủng bố.

Tuy nhiên, theo Pravda, không thể phủ nhận Bắc Kinh đã im lặng một cách khó hiểu trong suốt 64 ngày trước đó, kể từ khi chiến dịch không kích của Nga tại Syria bắt đầu hôm 30/9.

Mới đây nhất, Bắc Kinh cũng lên tiếng về sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân xâm nhập lãnh thổ miền Bắc Iraq, sau khi Nga đưa vấn đề này ra Hội đồng bảo an LHQ hôm 8/12.

Tại cuộc họp báo hôm qua (9/12), bà Hoa Xuân Oánh nói: "Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tăng cường trao đổi, đối thoại.

Trung Quốc cho rằng cần dựa vào Hiến chương LHQ cùng các quy tắc ứng xử cơ bản được công nhận trong quan hệ quốc tế để giải quyết vấn đề giữa các quốc gia, trong đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq cần được tôn trọng."

"Bất kỳ hành động chống khủng bố nào cũng phải thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, theo nghị quyết của Hội đồng bảo an và được sự chấp thuận của chính phủ nước sở tại," bà nói thêm.

Tuyên bố này của Trung Quốc được cho là thể hiện thái độ tương tự với Nga, khi Moscow yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xử lý sự việc ở Iraq theo hướng "làm hài lòng chính phủ" nước này, tức làm theo yêu cầu của Baghdad là rút quân khỏi lãnh thổ Iraq.


Bà Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 9/12. Ảnh: fmprc.gov.cn

Bà Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 9/12. Ảnh: fmprc.gov.cn

Người phụ trách Trung tâm phân tích Nga-Trung và Trung tâm hợp tác kinh tế thương mại Nga-Trung Sergei Sanakoev đề cập tới cuộc gặp gỡ hồi tháng 11 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 để lý giải điều này.

Ông Sanakoev cho hay: "Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã nêu rõ lập trường.

Theo đó, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, để tăng cường hoạt động chống khủng bố.

Nhiều năm trở lại đây, lập trường của Bắc Kinh và Moscow trên nhiều vũ đài ngoại giao quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, là khá nhất quán.

Tổ chức khủng bố IS cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Do đó, nước này cũng sẽ không hành động trái chiều."

Dù vậy, đánh giá của chuyên gia người Nga cũng chưa giải thích được lý do Bắc Kinh không thẳng thắn lên tiếng về vấn đề "liệu máy bay Nga có xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không" trong vụ Su-24 Nga bị bắn hạ hôm 24/11.

Trái với việc Mỹ, NATO nhanh chóng thể hiện lập trường bảo vệ Ankara, Bắc Kinh không hề tỏ ra ủng hộ Nga.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 25/11 chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng nước này "vô cùng quan tâm" đến các diễn biến của vụ Su-24 và còn nhiều tình tiết cần làm rõ.

Trung Quốc cũng "im hơi lặng tiếng" trong khi Moscow trưng ra các bằng chứng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua bán dầu lậu với IS.


Ông Tập và ông Putin gặp nhau ở hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-16/11. Ảnh: Xinhua

Ông Tập và ông Putin gặp nhau ở hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-16/11. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc hành động khôn ngoan?

Theo ông Sanakoev, việc Trung Quốc hạn chế lên tiếng trước đó bởi các vấn đề này... không liên quan đến họ.

Ông cho rằng, với những sự vụ mà nước này không trực tiếp tham gia hoặc không có cơ sở dám chắc, Bắc Kinh sẽ không tỏ thái độ.

Bên cạnh đó, dù là các sự vụ liên quan tới Nga-Thổ, chiến dịch của Nga tại Syria hay nhiều sự vụ quốc tế khác, Bắc Kinh chỉ lên tiếng sau khi có kết quả các cuộc thảo luận tại LHQ hoặc các hội nghị đa phương và thái độ của họ những lúc này thường ủng hộ Moscow.

Sanakoev cũng đánh giá sự thận trọng của Trung Quốc là "khôn ngoan" khi thể hiện thái độ một cách phù hợp để bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của nước mình trên phương diện chính trị.

Theo Pravda, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ ước tính khoảng 50 tỉ USD và được kỳ vọng đạt gấp đôi vào năm 2020. Do đó, việc Bắc Kinh cố gắng duy trì thái độ trung lập giữa Nga-Thổ cũng không khó hiểu.

"Điều mà Trung Quốc tuân thủ chặt chẽ chính là chủ nghĩa thực dụng, không liên kết với bất cứ bên nào (kể cả Nga)," Sergei Sanakoev bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại