Ông Trump khẳng định mình là ứng viên sáng giá nhưng TIME lại chọn “người đang phá hoại nước Đức”, tức là Thủ tướng Angela Merkel.
Hồi tháng trước, ông trùm truyền thông và bất động sản Mỹ chỉ trích thủ tướng Đức vì cho phép hàng ngàn người tị nạn Syria nhập cảnh vào nước này.
Ông nói bà Merkel nên cảm thấy “xấu hổ về bản thân”, trong khi quan điểm của ông là tuyệt đối không chấp nhận người tị nạn và Hồi giáo vì sợ họ gây ra các mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ.
Bà Merkel là nhà lãnh đạo đầy ảnh hưởng trong giới chính trị vốn rất "nam tính". Ảnh: Time
Trong một dự báo cách đây khoảng 2 tuần, ông Trump cũng nhận định tạp chí TIME sẽ không chọn ông làm nhân vật của năm dù “họ rất yêu thích tôi”.
Ông Trump lọt vào danh sách đề cử rút gọn của TIME - gồm 8 cá nhân và tập thể: thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ngôi sao truyền hình thực tế chuyển giới Caitlyn Jenner, giám đốc điều hành dịch vụ taxi Uber Travis Kalanick và nhóm hoạt động Black Lives Matter của Mỹ (tạm dịch: Sinh mạng của người da đen quan trọng)
Tuy nhiên, biên tập viên cấp cao của TIME, Nancy Gibbs, lại không nghĩ bà Merkel là kẻ phá hoại. Vị này ca ngợi thủ tướng Đức xử lý tốt các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia.
“Bà ấy là nhà lãnh đạo phục vụ lâu đời nhất ở phương Tây và đang điều hành đất nước có nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Bà ấy đã phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào từng phải đối mặt”.
Trong khi đó, một bản kiến nghị cấm ông Trump nhập cảnh vào Anh đăng trên trang web bày tỏ ý kiến của Quốc hội nước này đã thu hút sự ủng hộ của 329.000 người.
Theo quy định, nếu một kiến nghị thu được ít nhất 100.000 chữ ký, nó sẽ được mang ra thảo luận và các nghị sĩ sẽ quyết định thực thi hay không.
Sở dĩ ông Trump bị người dân Anh tẩy chay là do đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ để hạn chế mối đe dọa. Phát ngôn của ông được xem là “kỳ thị tôn giáo” và bị Nhà Trắng, các ứng viên tổng thống đối thủ và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản đối gay gắt.
Hôm 8-12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng chỉ trích tỉ phú này và Lầu Năm Góc cảnh báo phát ngôn của ông Trump làm suy yếu an ninh quốc gia bằng cách thúc đẩy sự bành trướng của IS.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh Jack Dromey, nghị sĩ Công đảng Tulip Siddiq và thủ lĩnh Đảng Xanh Natalie Bennett đều ủng hộ bản kiến nghị, trong khi nghị sĩ bảo thủ Sarah Wollaston cho biết vấn đề trên nên được thảo luận một cách nghiêm túc.
Bộ Nội vụ Anh có quyền cấm công dân nước ngoài nhập cảnh nếu họ có “hành vi không thể chấp nhận hoặc có dấu hiệu cực đoan”. Do vậy, nếu kiến nghị được thông qua, ông Trump có thể sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Anh.
Cũng liên quan tới đề xuất cấm người Hồi giáo, chưa đầy 24 giờ sau khi ông Trump công bố chuyến đi tới Israel vào cuối năm nay, Thủ tướng nước này là Benjamin Netanyahu tuyên bố ông không đồng ý với ý tưởng của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa của Mỹ.
“Nhà nước Israel tôn trọng tất cả các tôn giáo và đảm bảo quyền lợi của mọi công dân. Đồng thời, Israel đang chiến đấu chống lại các nhóm Hồi giáo vũ trang nhằm vào người Hồi giáo, Ki-tô giáo và Do Thái” – ông Netanyahu nói hôm 9-12.
Dù vậy, một quan chức Israel xác nhận với đài ABC rằng ông Trump sẽ gặp với Thủ tướng Netanyahu vào ngày 28-12 tại Jerusalem.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg Politics/Purple Strategies PulsePoll tiến hành hôm 8-12, bất chấp bị các chính trị gia Mỹ phản đối đề xuất cấm người Hồi giáo nhưng ông Trump vẫn được gần 2/3 (khoảng 64%) cử tri tiềm năng của Đảng Cộng hòa ủng hộ.
Trong đó, 37% sẵn sàng bỏ phiếu để ý tưởng gây tranh cãi của ông Trump được thông qua. Bên phía Đảng Dân chủ có 18% cử tri nói rằng họ có khả năng sẽ ủng hộ ông Trump.
Người đứng đầu cuộc khảo sát Doug Usher tin rằng những người ủng hộ là những kẻ cuồng tín, sợ hãi về khủng bố và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể giúp nước Mỹ an toàn hơn.