Các đảng thân châu Âu của Ukraine đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 26/10. Tuy nhiên, trong khi châu Âu và Mỹ ca ngợi kết quả này như là một chiến thắng chiến lược của phương Tây thì theo các nhà phân tích, chiến thắng đó cũng không thay đổi được gì thực trạng ở Ukraine hiện nay.
Tổng thống Poroshenko phát biểu tại một điểm bỏ phiếu bầu cử quốc hội tại Kiev.
Chính phủ Ukraine đã hứa hẹn rất nhiều nhưng dường như đều khiến phương Tây thất vọng.
Hy vọng không phải là chiến lược
Theo CNN, tất nhiên, phương Tây giờ có thể hy vọng tầng lớp chính trị Ukraine sẽ thực hiện lời hứa của mình, nhưng phải nhớ rằng, hy vọng không thôi không phải là một chiến lược.
Thật vậy, hy vọng của Kiev đã bắt đầu lung lay khi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng ở miền đông Ukraine tổ chức cuộc bầu cử cho riêng mình và đe dọa sẽ chiếm thêm nhiều lãnh thổ nữa ở đông nam Ukraine.
Do đó, để giành một chiến thắng có ý nghĩa ở Ukraine, phương Tây cần phải xác định rõ lợi ích của mình ở Ukraine nhằm phát triển một chiến lược để bảo vệ thúc đẩy các lợi ích này. Đồng thời, phương Tây cũng cần triển khai đầy đủ các nguồn lực tài chính, chính trị và quân sự để thực hiện chiến lược đó.
Đầu tiên, phương Tây cần phải xác định được lợi ích của mình ở Ukraine theo cách riêng của mình. Không thể chỉ đơn giản là phản đối với những gì Nga muốn, và trông chờ vào những hy vọng mà các nhà lãnh đạo Ukraine đã "vẽ" ra.
Phương Tây cần giúp Ukraine đảm bảo cuộc sống cho 45 triệu người dân và định hướng địa chính trị cho Ukraine, một trong những nước lớn nhất châu Âu.
Thịnh vượng - Uy tín - Vị thế
Tương lai của Ukraine có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với an ninh và sự thịnh vượng của phương Tây. Nó giúp duy trì uy tín của các mô hình chính trị và kinh tế, bảo tồn vị thế trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu và củng cố các nền tảng quan trọng trong an ninh và hòa bình của châu Âu - Đại Tây Dương trong đó NATO là cốt lõi.
Để đảm bảo các lợi ích đó ở Ukraine, phương Tây cần một biện pháp chiến lược mà hiện nay các chính sách của Mỹ và châu Âu đều không có.
Mô hình kinh tế - xã hội phương Tây hiện không chỉ thất thế trong không gian hậu Xô Viết mà còn ở chính châu Âu, nơi các bất ổn kinh tế và bất ổn xã hội đã trở thành một lợi thế cho các chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Để khôi phục và thiết lập lại độ tin cậy của mô hình này, Brussels và Washington nên bắt đầu bằng cách can thiệp dứt khoát vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tình hình ở Ukraine hiện đang rất khó khăn. Nền kinh tế nước này đang có nguy cơ phá sản.
Ukraine đang cần khoảng hơn 18 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính phủ phương Tây để ngăn chặn thảm họa. Trong năm tới, nước này sẽ cần tới gần 50 tỷ USD để khôi phục lại nền kinh tế nhưng với điều kiện là cần loại bỏ được tình trạng tham nhũng.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cho đến nay có rất ít tác động đến nền kinh tế Nga. Chúng cũng đã, đang và sẽ khó có thể ngăn Nga can thiệp vào Ukraine vì điện Kremlin coi Ukraine có vai trò sống còn đối với tương lai của Nga.
Đồng thời, quyết định của phương Tây về việc khai thác vị trí đặc quyền trong nền kinh tế toàn cầu để trừng phạt Nga có thể khiến Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và nhiều quốc gia khác thận trọng hơn đối với các giao dịch bằng đồng USD và đồng euro.
Do vậy, phương Tây cần một chiến lược thông minh để vừa trừng phạt được điện Kremlin, vừa có được mối quan hệ chặt chẽ với những người dân Nga bình thường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga. Nó cũng cần khiến cho hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu hiện tại hấp dẫn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
An ninh, ổn định biên giới
Không chỉ có vậy, lợi ích thiết yếu của phương Tây về an toàn và ổn định biên giới trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương đang bị đe dọa không chỉ tại Ukraine mà còn ở các nước thành viên NATO như Ba Lan và các nước Baltic.
Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng Chín ở xứ Wales và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Estonia đã có những tuyên bố trấn an các đồng minh, nhưng những mầm mống có thể dẫn đến xung đột trong tương lai vẫn tồn tại do mối quan hệ phức tạp giữa Nga và các nước láng giềng hậu Xô Viết.
Để thực hiện cam kết bảo vệ an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương, NATO không chỉ cần tăng cường các mối răn đe thông thường, mà còn phải tiến hành xem xét lại các lỗ hổng trong an ninh, chính trị và xã hội của các nước thành viên NATO.
Các nước láng giềng phía tây của Nga hiện nay đang rất lo ngại về các chính sách đối ngoại của Nga. Họ lo sợ rằng Moscow cũng sẽ dùng lý do bảo vệ người dân nói tiếng Nga để can thiệp như ở Ukraine.
Do vậy, NATO cần có những biện pháp tăng cường khả năng đối mặt với khủng hoảng và tính toàn diện trong chính trị nội bộ của các nước thành viên.
Việc Ukraine chuyển sang thân phương Tây là một diễn biến quan trọng và mang tính lịch sử. Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giành được nhiều lợi ích từ quyết định này, nhưng chỉ khi họ nhận ra được rằng lợi ích sống còn của họ hiện đang bị đe dọa ở Ukraine, và quyết định chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine một cách nghiêm túc.