Nhưng giờ đây Moscow đã chuyển sang thế tấn công, đưa ra một kế hoạch có thể đẩy lui hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu chống lại Syria, bằng cách yêu cầu Damascus đặt các kho vũ khí hóa học của nước này dưới quyền kiểm soát quốc tế.
Nga đề nghị Syria nộp các vũ khí hóa học của nước này để tránh bị Mỹ tấn công. (Ảnh: Reuters)
Tại sao Nga lại có sự thay đổi sách lược đó?
Có nhiều luồng ý kiến khác nhau ở Nga về thực tế này.
Cách đây mới hơn một tuần - khi gần như chắc chắn Mỹ sẽ cầm đầu một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria - nhà phân tích và cũng là giáo sư lịch sử Nga Georgiy Mirsky đã được hỏi rằng Moscow sẽ làm gì.
"Chắc chắn không gì cả. Nga không phải làm gì hết. Chỉ việc ngồi yên và xem Mỹ khởi sự một cuộc chiến mới mà họ không thể chiến thắng", ông trả lời.
Nga đã điều một số tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen tiến vào Địa Trung Hải, song các nhà chức trách ở Moscow tuyên bố rằng chúng không ở đó để hành động quân sự vì lợi ích của ông Assad.
Mirsky thừa nhận rằng người Nga không thể làm gì nhiều, nếu Mỹ và các đồng minh quyết định tấn công.
James Goldgeier, Hiệu trưởng trường International Service thuộc American University ở Washington D.C, cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đã cố gắng hồi sinh nước Nga nhưng "đó chưa phải là sức mạnh mà quốc gia này từng có một thời".
"Vị thế địa chiến lược [của Nga] đã thay đổi mạnh mẽ", ông Goldgeier nhận xét. "Nước này không có được tầm vóc như trước kia, cũng không có quá nhiều ảnh hưởng".
Cả Goldgeier và Mirsky đều nhất trí rằng một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga là Putin cần được nhìn nhận như một người đương đầu với Mỹ - không chỉ về Syria mà còn nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như cho Edward Snowden, người tiết lộ bí mật an ninh quốc gia Mỹ, tị nạn.
Nhưng viễn cảnh về các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu chống lại Syria có nghĩa là Nga có thể bị đánh giá là bất lực về quân sự, cho các tàu chiến của mình chạy lòng vòng trong khi phương Tây thích làm gì tùy ý.
Theo nhà phân tích Alexander Konovalov, Nga cũng đang có nhiều mối lo thực sự, vì các cuộc tấn công nhằm vào Syria có thể dẫn đến một cuộc chiến rộng lớn hơn trong khu vực tiếp giáp với các đường biên giới Nga, khiến Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Iran. Ông này dẫn ra một câu nói khá cay đắng rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ sẵn sàng chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng của người Syria.
Konovalov, hiện đứng đầu nhóm cố vấn Viện Các đánh giá Chiến lược, nhận định kế hoạch đặt các vũ khí hóa học Syria vào tầm kiểm soát quốc tế dường như là một tình huống đôi bên cùng có lợi "bởi vì nó cho phép tất cả các bên thoát khỏi bế tắc và giữ thể diện về chính trị".
Người Nga nắm rõ các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ, với kết quả chung cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng về ý tưởng tấn công Syria và Tổng thống Obama đang phải chật vật thuyết phục Quốc hội chấp nhận nỗ lực này.
Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Nước Nga trong Các vấn đề toàn cầu (Russia in Global Affairs), tin rằng nước Nga đã nhìn thấy một cơ hội cho chiến thắng ngoại giao bởi kế hoạch về vũ khí hóa học của nước này mang lại cho tất cả các bên một điều gì đó.
"Người Mỹ có thể tự nhận 'Áp lực của chúng tôi lên Assad, cũng như các đe dọa của chúng tôi, đã cho kết quả'", ông lập luận. "Phía Nga có thể tuyên bố họ đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Còn Assad có thể nói - hoặc có thể cảm nhận - rằng ông đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất. Và nhìn chung, điều đó tựa như một sự hợp tác rất thành công ở tầm quốc tế".
Lukyanov cho rằng thách thức tiếp theo sẽ là liệu Nga có thể đạt được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận kế hoạch này mà không cho phép hành động quân sự nếu Syria không tuân thủ đúng cam kết hay không.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!