Đó là khẳng định của trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov về các cuộc bầu cử gần đây tại miền đông Ukraine.
Ông này tuyên bố: “Quan điểm chính thức của Nga thể hiện trong tuyên bố ngắn nhưng hàm súc của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga về kết quả bầu cử. Tôn trọng và công nhận là những từ khác nhau. Chúng tôi chủ ý chọn lựa từ tôn trọng”.
Trả lời báo điện tử gazeta.ru, thư ký báo chí tổng thống Nga D. Peskov thận trọng cho biết “chưa thể nói gì thêm” về quan điểm mới của Kremlin trong việc giới hạn hàm ý “tôn trọng”.
Một ngày trước phát biểu của ông Ushakov, ông Peskov đã tiết lộ Tổng thống Putin “không có kế hoạch gặp gỡ với những lãnh đạo vừa được tuyên thắng cử ở miền đông Ukraine”.
Hôm 2/11, các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng đã tổ chức các cuộc bầu cử độc lập để lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương và đại diện các cơ quan lập pháp của họ.
Nhiều quan chức EU và Mỹ cho biết, các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine đã vi phạm thỏa thuận Minsk, trong khi Nga cho rằng họ tôn trọng kết quả bầu cử này và nhấn mạnh rằng việc tẩy chay các kết quả đó sẽ làm xói mòn những nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình tại Ukraine.
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ truyền thông Nga cho biết, nguyên nhân khiến Mátxcơva không công nhận kết quả cuộc bầu cử ở đông Ukraine do không muốn phá vỡ những thỏa thuận đã phải vất vả mới đạt được, trước hết là thỏa thuận về ngừng bắn được ký kết ở Minsk giữa đại diện của Kiev và đại diện của lực lượng nổi dậy.
Điều quan trọng đối với Mátxcơva lúc này là không để cuộc chiến lại bùng phát khiến tình hình càng khó giải quyết hơn.
Mátxcơva muốn chờ kết quả cuộc gặp các nhà lãnh đạo khối EC sắp diễn ra bàn về các lệnh trừng phạt chống Nga cũng như chờ kết quả Hội nghị Thượng đỉnh khối APEC sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Bắc Kinh. Cũng không thể bỏ qua lời đe dọa xiết chặt các biện pháp trừng phạt mà EC đã đưa ra sau khi Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử tại Donbass. Tình hình kinh tế đang ngày càng khó khăn khiến Nga phải hết sức thận trọng.
Nguyên nhân quan trọng hơn hết khiến Mátxcơva chưa thể công nhận chủ quyền của Donetsk và Lugansk là do cả 2 nước Cộng hòa tự phong này đều chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một nhà nước độc lập. Chẳng hạn, cả Donetsk và Lugansk đều không có đường biên giới riêng, không có nhân dân riêng, không có các thiết chế Nhà nước và chưa có sự phân quyền giữa các nhánh quyền lực.
Dù "tôn trọng" các cuộc bỏ phiếu vừa rồi ở Ukraine nhưng theo giới quan sát, Nga sẽ vẫn không chịu bó tay trước một Ukraine đang ngày càng xích lại gần châu Âu.
Theo quan điểm của tờ Chính trị thế giới, Tổng thống Putin sẽ sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn sự tồn tại ở biên giới của mình một đất nước Ukraine thân châu Âu, nơi có thể sẽ có các căn cứ quân sự của NATO.