Ukraine: Truyền thông phương Tây "thảm bại" dưới tay Nga

Sự ảnh hưởng sâu rộng của các kênh truyền thông nói tiếng Nga ở Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ đang khiến phương Tây và Mỹ thật sự lo ngại.

Dưới ngòi bút của Kevin MF Platt, một trong những cây viết về Nga nổi tiếng trên Huffington Post, truyền thông Nga suốt tháng qua đã bị “ngập lụt” bởi “lòng yêu nước” và những “luận điệu” ủng hộ “quyền lực tuyệt đối của Nga ở Ukraine”.

Khi những căng thẳng ở Ukraine ngày càng leo thang, sự đối đầu giữa Nga và liên minh Mỹ - phương Tây ngày càng khốc liệt thì cũng chính là lúc thế giới thấy rõ sự phân cực của truyền thông. Cuộc “chiến tranh thông tin” đã và đang ngày càng bị đẩy lên cao bởi cả hai bên, và ngày càng lôi kéo nhiều “anh cả” trong làng báo chí tham chiến, trong đó có Huffington Post.

Mở đầu bài bình luận về truyền thông Nga trong giai đoạn khủng hoảng Ukraine, Kevin MF Platt đã vẽ ra một bức tranh truyền thông "rất ngột ngạt và đầy tính độc đoán".

Một tấm ảnh ghép đầy hàm ý về kiểm soát truyền thông ở Nga trên mặt báo phương Tây

“Những nguồn tin tức độc lập hay chống đối chính phủ đã bị Moscow chặn. Do đó, đại đa số người Nga chỉ còn nghe thấy một câu chuyện về Ukraine”.

Với một lập luận khá ngây thơ, Platt và Huffington Post cho rằng chính sách “cấm vận thông tin” đã khiến người dân Nga “đồng lòng cùng chính phủ” và ông cho rằng nước Nga “đang sống trong một thế giới khác xa với thực tại” mà những người Mỹ và người Tây Âu đang sống.

Điều khiến phương Tây lo ngại nhất đó là “cái bóng của truyền thông Nga” và những gì người Mỹ gọi là “ảo tưởng chính trị” của Nga sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dân tộc Nga.

Không nhắc đến thất bại của giới truyền thông Mỹ và phương Tây trong "biến cố Ukraine" nhưng Kevin Plat đã vô tình thừa nhận sự yếu kém của truyền thông phương Tây trước các địch thủ Nga khi cho rằng, trong thời gian tới, tư tưởng chính trị chủ đạo của truyền thông nhà nước Nga sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ lên thái độ, quan điểm của cộng đồng nói tiếng Nga trong vùng Liên bang Xô Viết cũ.

Khi mối quan hệ giữa Nga và liên minh Mỹ - Tây Âu đang trong tình trạng cơm không lành, canh không ngọt như thời điểm hiện tại, Mỹ hoàn toàn có căn cứ khi lo ngại vì sức ảnh hưởng của “chiến dịch tuyên truyền” bên phía Nga.

Có lẽ vì "cay cú" trong thất bại này nên Kevin Plat và nhiều hãng truyền thông phương Tây chỉ trích cả vấn đề rất hiển nhiên và thực tế quen thuộc với hầu hết các dân tộc khác trên thế giới rằng "Trong quan điểm của Nga, những người Nga đang sống bên ngoài lãnh thổ Liên bang Nga hiện tại vẫn được coi là “đồng hương” “dân gốc Nga”, là một phần máu thịt của dân tộc Nga – một dân tộc bị ly tán sau sự đổ vỡ của nhà nước Liên bang Xô Viết".

Người biểu tình Crimea trên báo chí Nga

Và dường như để "tiếp tục chọc tức phương Tây", trong diễn văn chào mừng Crimea sáp nhập về Nga, Tổng thống V. Putin đã có một câu nói nổi tiếng được nhiều tờ báo trích dẫn lại: “Hàng triệu người Nga đã đi ngủ trong cùng một đất nước nhưng lại thức dậy trên một đất nước khác, với danh phận của một dân tộc thiểu số” và rằng “hơn 10 triệu đồng bào Nga đang phải ở ngoài lãnh thổ nước Nga”.

Nếu những dòng diễn văn trên khiến người Nga nao nức đến bao nhiều thì lại khiến phương Tây lo sợ và quan ngại bấy nhiêu. Kevin Patt cho rằng tư tưởng ấy sẽ “châm ngòi cho những cuộc bạo động đòi ly khai – sáp nhập trong khu vực”.

Trong chính sách hỗ trợ “người gốc Nga”, điện Kremlin hiện vẫn đang duy trì nhiều ưu đãi đặc biệt trong quy định nhập cư, di trú, việc làm và những lĩnh vực khác. Nếu đối với những người nói tiếng Nga đang phải sống tại các nước thấp kém hơn Nga trong khu vực, đây là một điều tuyệt vời thì đối với phương Tây, đây chính là những chính sách nhằm “mua chuộc sự ủng hộ” của điện Kremlin.

Nguồn gốc của mọi vấn đề, theo Kevin Patt, chính là từ ngôn ngữ. Những cộng đồng nói tiếng Nga đã không chỉ gìn giữ riêng vốn tiếng nói mà còn cả các mối giao thương và đặc biệt là chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi các giá trị do “truyền thông của chính phủ Nga mang lại”.

Trong vấn đề Crimea, Huffington Post cũng đưa ra lý luận rằng, nếu xét theo cách nói của Putin, cho rằng “Crimea là vùng đất lịch sử của Nga”, thì không sớm thì muộn, một phần lớn lãnh thổ vùng phía đông nam của Ukraine cũng sẽ bị coi là “vùng đất mang tính lịch sử của Nga”.

“Và đương nhiên, truyền thông nhà nước Nga sẽ tiếp tục nói rằng “Nga chỉ đang bảo vệ cho lợi ích của các đồng bào Nga, ở bất cứ chỗ nào họ cần sự bảo vệ”, Patt viết.

Truyền thông luôn luôn là một công cụ mạnh, bất cứ ai có được nó, người đó có khả năng xoay chuyển tình hình. Sự ảnh hưởng sâu rộng của các kênh truyền thông nói tiếng Nga đang khiến phương Tây và Mỹ lo ngại vì Ukraine chưa đủ lực xây dựng cho mình một nền tảng đủ mạnh để đối chọi với cỗ máy truyền thông khổng lồ của Nga nhưng thực chất đây chính là sự lấp liếm cho những thất bại của mình.

Không thừa nhận đã "thua trắng bụng" ở Ukraine nhưng phương Tây lại để lộ ý đồ "kích động" khi ra sức tuyên truyền rằng "nhìn xa hơn, truyền thông Nga sẽ không chỉ dừng lại biên giới Ukraine mà còn lan sang nhiều nước lân cận khác, nơi có cộng đồng người gốc Nga sinh sống".

Phải chăng vì cái thòng lọng này mà mới đây cơ quan an ninh Latvia đã bày tỏ lo lắng vì “truyền thông Nga đang chia rẽ xã hội Latvia”.

Rõ ràng, trong cuộc chiến thông tin để tranh giành ảnh hưởng ở vùng Đông Âu, truyền thông Mỹ và phương Tây đang phải “nhăn đầu bóp trán” vì sự lấn át và lợi thế hơn hẳn của các đối thủ truyền thông Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại