“Ngọc thạch anh và gạch đá”
Theo giới phân tích chính trị Nga, nhiều khả năng chính quyền Ukraine đang cố gắng phá hỏng quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nga với phương Tây khi quá trình này mới được bắt đầu.
Chính quyền Kiev hiểu rõ rằng họ có thể trở thành “vật tế thần” của bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga với phương Tây.
Sau khi Nga quyết định rút một phần lực lượng khỏi Syria, nhiệm vụ phá hỏng quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-phương Tây lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết đối với Ukraine vì có thể hành động của Nga là một phần trong thỏa thuận với Mỹ về Ukraine.
Hành động này, theo ngạn ngữ cổ Trung Quốc, là việc “đổi gạch đá lấy ngọc thạch anh”. Nga đã đạt được phần lớn nhiệm vụ chính trị đã đặt ra ở Syria nên tầm quan trọng của chiến dịch này đã giảm đi đáng kể.
Đối với Mỹ, Syria có thể ví là “ngọc thạch anh” vì đây là bài thử quan trọng nhất cho vai trò bá chủ thế giới và khả năng kiểm soát xung đột của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu thiếu sự “tiếp tay của Nga”, Mỹ sẽ thất bại trước bài thử này và khi đó, Mỹ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mới trong quan hệ với các đồng minh như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Nga, Ukraine cũng có thể ví như là “ngọc thạch anh”. Kremlin đã tỏ ra mệt mỏi trước những hành động “bài” Nga, khiêu khích và không muốn thực hiện Thỏa thuận Minsk của giới lãnh đạo Ukraine.
Trái ngược với những nhận định của giới phân tích, Kremlin không muốn một Ukraine tan rã hoặc không có “hình hài” của một quốc gia vì khi đó, có thể gánh nặng tài chính sẽ dồn lên vai Nga.
Trong khi đó, người Mỹ lại coi Ukraine là “gạch đá” vì Ukraine, dưới sự trợ giúp của Mỹ, đã thực hiện tốt vai trò của mình là phá vỡ mối quan hệ Nga-châu Âu.
Chính vì vậy, không loại trừ khả năng Nga và Mỹ đã thực hiện một thỏa thuận đổi cái không cần thiết lấy cái cần thiết- Kremlin rút bớt quân khỏi Syria để làm Mỹ “không bị mất mặt” để đổi lại việc Mỹ sẽ “lập lại trật tự” ở Ukraine và ép giới lãnh đạo Ukraine phải thực hiện, dù là một phần nào đó, Thỏa thuận Minsk.
Hiện có nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ đang yêu cầu Ukraine đến cuối tháng 3.2016 phải thông qua đạo luật về tổ chức các cuộc bầu cử ở Lugansk và Donetsk.
Rõ ràng, thỏa thuận Nga-Mỹ đang đặt chính quyền Ukraine vào thế nguy hiểm. Tuy nhiên, Ukraine lại không có đủ các công cụ pháp lý cần thiết để phá vỡ thỏa thuận này.
Kiev sẽ không thể lên tiếng đề nghị cộng đồng quốc tế bảo vệ “nền dân chủ Ukraine” khỏi trở thành “vật tế thần” trong thỏa thuận Nga-Mỹ vì cộng đồng quốc tế và các phương tiện truyền thông cũng đã khá mệt mỏi với những tuyên bố gây sốc, những bê bối và nạn tham nhũng của giới lãnh đạo Ukraine.
Hiện Mỹ đã ngừng cung cấp tài chính cho Ukraine theo con đường IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cho đến khi cuộc khủng hoảng trong nội bộ Chính phủ Ukraine được giải quyết.
“IMF cũng như Chính phủ Mỹ hiện không có sự lựa chọn nào khác cho đến khi chúng tôi tin tưởng rằng có một đối tác có thể tin tưởng được”- Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh.
Xét bối cảnh hiện nay, Kiev không thể coi mình là tiền đồn của châu Âu vì các chính trị gia châu Âu không bao giờ tin vào khả năng này.
“Phương Tây không có bất cứ chiến lược nào đối với Ukraine. Ukraine không phải là nhân tố quan trọng trong quá trình thúc đẩy nền dân chủ phương Tây”- Igor Smeshko, Trợ lý của Tổng thống Ukraine, phải lên tiếng thừa nhận.
Ukraine sẽ phá hỏng thỏa thuận Nga-Mỹ?
Trong tình hình hiện nay, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko chỉ có lối thoát duy nhất là nỗ lực để phá vỡ thỏa thuận Nga-Mỹ và buộc Moscow và phương Tây bước vào giai đoạn đối đầu mới.
Phương án kinh điển nhất sẽ là khôi phục các hoạt động tác chiến ở Donbass, tăng cường các hoạt động quân sự của quân đội Ukraine tại Yasinovataya.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ Kiev không thể biết được chi tiết của thỏa thuận Nga-Mỹ. Không loại trừ khả năng trong bản thỏa thuận Nga-Mỹ, Tổng thống Nga Putin được trao quyền tự do hành động nếu như Ukraine tấn công vào Lugansk và Donetsk.
Không thể loại trừ kịch bản này là do trước đó đã có tiền lệ vào tháng 1/2015 (sau một loạt vi phạm có hệ thống thỏa thuận ngừng bắn của phía Ukraine, phía ly khai Ukraine đã tổ chức tấn công và giải phóng sân bay và thành phố Debaltsevo).
Chính vì vậy, Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ phải có cách tiếp cận mềm mỏng hơn.
Mới đây, một loạt nghị sỹ Quốc hội Ukraine đã đệ trình một dự thảo về cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.
Chính quyền và Quốc hội Ukraine dường như sẽ không thể có lý do nào để không thông qua dự thảo này vì chính chính quyền Ukraine đã công khai tuyên bố Ukraine đang trong giai đoạn chiến tranh với Nga.
Theo một số thông tin rò rỉ từ Quốc hội Ukraine, Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ ký thông qua văn kiện này vì văn kiện này sẽ giúp Poroshenko giải quyết một loạt nhiệm vụ.
Thứ nhất, Ukraine sẽ tránh được khả năng phải đối thoại với Nga về Thỏa thuận Minsk.
Thứ hai, Poroshenko bằng hành động này sẽ làm hài lòng lực lượng cực đoan ở Ukraine, nhất là trong bối cảnh Ukraine có thể tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn.
Thứ ba, văn kiện này có thể sẽ phá vỡ được thỏa thuận Nga-Mỹ vì nếu như thỏa thuận này thực sự được Nga và Mỹ thực hiện thì Ukraine sẽ là “vật tế thần” và người Mỹ khi đó sẽ buộc Ukraine phải có những nhượng bộ để đổi lấy việc Nga rút bớt lực lượng khỏi Ukraine.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên, theo đánh giá của giới phân tích, sẽ phụ thuộc vào các động thái cụ thể của Mỹ.