Trung Quốc: Nước lớn nhưng chỉ biết "phản đối", "từ chối"...
Trung Quốc khẳng định mình là một thành viên cấu thành hệ thống quốc tế hiện nay và không có ý định làm thay đổi trật tự này.
Đó là tuyên bố mới đây được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong thời gian nước này tổ chức "lưỡng hội", gồm Hội nghị Chính hiệp toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại) toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Vương đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ tăng tốc phát triển chính sách "ngoại giao nước lớn mang bản sắc Trung Quốc", nhằm thúc đẩy sáng kiến "một vành đai, một con đường" từ châu Á sang châu Âu và tăng sức ảnh hưởng của nước này.
Nhà nghiên cứu người Trung Quốc Đinh Đông cho hay, phát biểu của ông Vương Nghị cho thấy sau khi theo đuổi phương án ngoại giao "có phần cấp tiến", Bắc Kinh đang nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của nó, khiến cục diện khu vực diễn biến xấu đi.
Chính sách ngoại giao cứng rắn hơn dưới thời ông Tập Cận Bình đang khiến Trung Quốc đối diện nguy cơ rơi vào "Chiến tranh Lạnh 2.0" với Mỹ và có những điều chỉnh nhất định đối với những mục tiêu to lớn ban đầu.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn ôm nhiều tham vọng lớn. Điều này không chỉ thể hiện ở chính sách "ngoại giao nước lớn" mà còn thể hiện ở "cơ chế hợp tác giữa các nước ở biển Đông" mà Bắc Kinh nêu ra, với ý đồ gạt các nước phát triển ra ngoài.
Đây là hành động nhằm dùng hợp tác kinh tế để xoa dịu các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông - ông Đinh Đông đánh giá.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo hôm 8/3. (Ảnh: THX)
Học giả này chỉ ra, điều thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là Trung Quốc đã nói "không" trong hàng loạt vấn đề.
Đối với tình hình biển Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị đã liên tục phản đối các hành động tuần tra biển Đông cứng rắn của quân đội Mỹ, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế này.
Mặt khác, ông Vương cũng cho thấy Bắc Kinh có thái độ chống đối cực đoan khi nhất quyết tuyên bố sẽ không thừa nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA) trong vụ kiện do Philippines làm nguyên đơn.
"Đối với 'cái gọi là vụ kiện' đã bị biến chất, Trung Quốc không tiếp," ông Vương nhấn mạnh cáo buộc nhằm vào Philippines tại cuộc họp báo ngày 8/3 ở Bắc Kinh.
Ông Đinh phân tích trong bài viết đăng trên trang Phượng Hoàng: "Trong vấn đề trọng tài quốc tế và quyền tự do hàng hải, căn cứ của các nước liên quan là hệ thống luật pháp quốc tế và quy tắc quốc tế được hình thành qua nhiều thập kỷ từ sau Thế chiến II.
Hệ thống này có đầy đủ cơ sở và quan trọng hơn là phù hợp với mong muốn chung của gần như tất cả các nước xung quanh Trung Quốc.
Trong trật tự thế giới diễn biến theo hướng đa cực, nhiều nước lo ngại khi Trung Quốc bất ngờ 'mời gọi' hợp tác ở biển Đông.
Có thể các bên liên quan e ngại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh khi nước này không còn bị kiềm chế như trước, cũng như nỗi lo về việc Trung Quốc sẽ tự 'vượt rào' khỏi sự kiểm soát của các nước, các khối liên kết lớn."
Luật pháp quốc tế và quy tắc quốc tế, sở dĩ được gọi là "quốc tế", bởi có được sự tán thành và thừa nhận bởi đa số quốc gia trên thế giới, trở thành một quy ước tiêu chuẩn để kiểm soát hành động của các nước trên trường quốc tế.
Quan trọng hơn, quy tắc quốc tế không đại diện cho lợi ích của một nước hoặc một nhóm nước, mà là công bằng với tất cả các nước, đặc biệt là sự công bằng trong quá trình tranh tụng để giành được kết quả có lợi trước trọng tài quốc tế, chứ không phải "tẩy chay" như Trung Quốc.
"Đây chính là mô hình hợp tác quốc tế, có tranh luận nhưng luôn tìm kiếm thỏa hiệp và các bên đều giữ được lợi ích quốc gia của mình ở giới hạn thỏa hiệp lớn nhất," ông Đinh viết.
Trung Quốc quyết không tham gia và tuyên bố không thừa nhận phán quyết của PCA, dù quyết định cuối cùng trong vụ kiện với Philippines vẫn chưa được đưa ra. (Ảnh tư liệu)
Không chân thành, lấy gì để nước khác tin?
Theo ông Đinh, Trung Quốc có thể thu được hiệu quả ngoại giao tốt hơn khi tự xưng là một phần của hệ thống quốc tế và tỏ thái độ tôn trọng với các quốc gia trong đó.
Ngược lại, việc lặp đi lặp lại sự phản đối và không chấp nhận đối với những cơ chế, thông lệ, luật pháp quốc tế... khiến Bắc Kinh đang tự mình xây dựng ấn tượng về một quốc gia "hoành hành bá đạo", làm cho chính sách "ngoại giao" hầu như không đạt được hiệu quả gì.
"Chính Trung Quốc đang làm gia tăng mức độ mâu thuẫn, thúc đẩy các bên liên quan tiếp tục theo đuổi các biện pháp mà họ cho là có vai trò quan trọng để kiềm chế Bắc Kinh.
Bởi vì xã hội quốc tế đang nhìn thấy sự sợ hãi và yếu ớt đằng sau thái độ né tránh của Trung Quốc, cũng như sự thiếu thành ý cho một mối quan hệ hợp tác quốc tế thực sự.
Bên cạnh đó, động thái cự tuyệt và phản đối của Bắc Kinh cũng khiến dư luận quốc tế cảm thấy đây là một quốc gia hoàn toàn theo chủ nghĩa vị kỷ, mang thái độ 'luật pháp và quy tắc quốc tế chỉ để phục vụ mình', có lợi thì ủng hộ mà bất lợi thì phản đối.
Xét về lâu dài, thái độ này rất bất lợi cho việc gây dựng hình ảnh một nước có vị thế và có trách nhiệm, đồng thời làm tăng sự phản cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng," học giả người Trung Quốc bình luận.
Ông Đinh Đông kêu gọi Trung Quốc thay đổi tư duy, có thái độ tham dự và tiếp nhận tích cực hơn đối với hệ thống luật pháp và quy tắc quốc tế. "Nếu anh từ chối tham dự, vậy anh có gì để nước khác tin vào sự chân thành của anh?" - ông kết luận.