Ukraine: Putin có chờ được tới lúc phương Tây 'mắc sai lầm'?

Mạnh Thành |

(Soha.vn) - "Vấn đề của Putin hiện nay là thời gian, ông ta không thể cứ mãi chờ đợi để tấn công. Quân đội không thể luôn sẵn sàng chiến đầu trong nhiều tháng".

Trong một bài viết mới đây trên trang CNN, học giả Ulrich Speck đã phân tích tình hình thực tế của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, những lợi thế và cả điểm yếu của Nga cũng như Mỹ và phương Tây. Ông Speck cho rằng, trên thực tế, cả 2 bên đều có cơ hội đánh bại đối phương trên ván cờ chính trị đó.

Dưới đây là những phân tích của ông Ulrich Speck trên CNN. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Việc Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng trước đã được thực hiện rất nhanh chóng, nhưng Vladimir Putin và phương Tây vẫn đang tham dự một trận đấu trí chậm hơn rất nhiều trên ván cờ trải dài hầu khắp phía đông Ukraine.

Ulrich Speck là học giả thỉnh giảng tại tổ chức Carnegie Europe chi nhánh Brussels. Đây là tổ chức tư vấn chính sách ngoại giao uy tín thế giới, có trụ sở ở Mỹ, Moscow, Beirut, Bắc Kinh và Brussels.

Thay vì chiếu tướng, cả hai bên hiện nay dường như đều đang chờ đợi sai lầm của đối phương. Putin đã thực hiện bước đi mạnh mẽ đầu tiên bằng cách triển khai 40.000 quân ở khu vực biên giới - và lực lượng ly khai trên đất Ukraine, những người không chính thức có liên hệ với Nga.

Hiện tại, Moscow đang chờ đợi chính phủ thân phương Tây ở Kiev chiếm lại những khu vực ở phía Đông mà họ dường như đã để mất. Trong con mắt của Nga, một động thái như vậy sẽ giúp hợp pháp hóa một cuộc phản công áp đảo – như đã từng xảy ra tại Gruzia năm 2008, khi Tổng thống Mikheil Saakashvili không còn giữ được bình tĩnh và đã bắn nổ súng trước, thúc đẩy cho sự can thiệp từ Nga.

Vấn đề của Putin hiện nay là thời gian, ông ta không thể cứ mãi chờ đợi để tấn công. Quân đội không thể luôn sẵn sàng chiến đầu trong nhiều tháng. Lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine sẽ thua nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và sẽ trở nên rất lo lắng trong một thời gian khi không nhìn thấy ánh sáng le lói nào ở cuối đường hầm.

Ở phía bên kia là một Hội đồng gồm có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Markel và chính quyền còn non trẻ của Ukraine. Thách thức lớn nhất đối với ông Obama và người đồng cấp Đức là phải giữ được một mặt trận phương Tây thống nhất. Họ cần phải duy trì những mối đe dọa đáng tin cậy thông qua các biện pháp trừng phạt nặng về kinh tế - những biện pháp có thể hạ thấp giá trị nguồn quỹ của điện Kremlin trong trường hợp Nga không làm theo ý họ.

Song đã xuất hiện rạn nứt trong sự thống nhất của phương Tây ở khắp mọi nơi. Châu Âu có thể lo lắng về việc Nga can thiệp vào Ukraine, nhưng châu lục này lại đang níu chân nhau trong việc tạo lập quan điểm mang tính đối đầu nhiều hơn với Putin.

Một số quốc gia lo sợ áp lực của Nga, đặc biệt là nguồn cung năng lượng cho họ. Nhiều người lo ngại về vấn đề giá cả mà quốc gia của họ phải trả là hậu quả của những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Và không ai chắc chắn liệu họ đã sẵn sàng từ bỏ ý định coi Nga là đối tác quan trọng hay chưa.

Mặt khác, Obama ngày càng có xu hướng gây áp lực lên điện Kremlin. Washington vốn đã quen đối đầu với Nga và đặc biệt là với Putin. Mỹ cũng có ít hơn những mối liên hệ về kinh tế với đối thủ cũ của mình thời Chiến tranh Lạnh.

Các nhà lãnh đạo Mỹ không phải chỉ có động lực duy nhất là mối quan tâm của họ tới Đông Âu và việc Nga tái khẳng định mình như một cường quốc theo chủ nghĩa bành trướng và hung hăng hơn. Mỹ cũng muốn khẳng định những quy tắc then chốt của trật tự thế giới – cụ thể là toàn vẹn lãnh thổ và nguyên tắc đường biên giới chỉ được thay đổi khi có sự đồng ý của tất cả các bên.

Ukraine cũng là cơ hội tốt để Mỹ nói với các đồng minh và đối thủ rằng Mỹ không không hạn chế bớt sự tham gia của mình vào các vấn đề toàn cầu. Tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine với Trung Quốc và các cuộc xung đột lãnh thổ giữa các nước láng giềng cũng sẽ hiện ra rất rõ nét trong tâm trí của những nhà hoạch định chính sách ở Washington.

Nhưng dù giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu có sự khác biệt, nếu họ càng phối hợp hành động, họ càng có cơ hội tốt hơn để đạt được mục tiêu: đánh bại những nỗ lực của Moscow trong việc làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Phương Tây cũng cần phải bảo đảm chắc chắn chính phủ tạm quyền ở Kiev không bị mất đi lực lượng đầu não của họ. Bất cứ hành động quy mô lớn nào ở khu vực miền đông Ukraine sẽ cho Putin một cơ hội mà ông ta có thể đang chờ đợi: một cuộc xâm lược được che đậy bởi vỏ bọc hợp pháp một cách giả mạo, đầy đáng ngờ.

Lực lượng vũ trang ủng hộ Nga ghi chép nhiệm vụ của mình ở Slavyansk.

Lực lượng vũ trang ủng hộ Nga ghi chép nhiệm vụ của mình ở Slavyansk.

Rất khó để nói ai đang ở vị trí tốt hơn. Putin là một nhà chiến thuật bậc thầy. Từ những năm 1980, khi còn là một điệp viên KGB ở Dresden, Putin đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và khai thác những điểm yếu của phương Tây. Và dường như ở quê hương mình, ông ta nhận được sự ủng hộ rộng rãi đối với kinh nghiệm của mình trong các cuộc đối đầu chính trị.

Điểm yếu của Putin là chính quyển của ông ta phụ thuộc về kinh tế với phương Tây. Nếu không có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán dầu mỏ và khí đốt - vốn do điện Kremlin quản lý, chính phủ này sẽ không có được sự ủng hộ trong nước và có ngân sách cho các cuộc phiêu lưu về chính sách ngoại giao đầy rủi ro và tốn kém.

Phương Tây không có ham muốn đối đầu với Nga. Nhưng nếu xe tăng của Putin bất ngờ tấn công phía Đông Ukraine mà không có bất kỳ lý do gì hợp pháp thì ông ta sẽ vấp phải những sự phản đối hơn nữa từ phương Tây. Điều này sẽ giúp Obama và Markel có thêm sự ủng hộ cần thiết cho những lệnh trừng phạt cứng rắn.

Nếu muốn đạt được mục tiêu chính của mình là ngăn không cho Ukraine liên hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, thì Putin sẽ phải hành động nhanh. Ông ta có thể sẽ cần có sự hiện diện của Nga trong lãnh thổ Ukraine (ngoài Crimea), bởi chỉ kiểm soát được lực lượng ly khai ở phía đông thì không thể hiệu quả và bền vững.

Một chiến dịch đàn áp toàn diện của chính quyền Ukraine đối với lực lượng ly khai giúp cho Moscow che đậy được một cuộc di chuyển binh lính với danh nghĩa là "lực lượng gìn giữ hoà bình" vào phía Đông Ukraine. Khi đó, một cuộc “xung đột bị đóng băng" (xung đột đã chấm dứt nhưng chưa có hiệp ước hòa bình hay giải pháp chính trị nào được các bên thông qua) có thể xảy ra, làm mất ổn định đất nước và ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây trong việc Ukraine đi trên đôi chân của mình. Điều này sẽ giúp Putin tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng dài hạn của mình – đưa Ukraine vào liên minh do Nga đứng đầu hoặc liên bang hoá nước này.

Nếu điện Kremlin đi đến kết luận rằng phương Tây sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm phản ứng lại động thái này - những biện pháp sẽ làm tổn hại tới thân tín của Putin và đủ mạnh để phá rối nguồn thu nhập chính của điện Kremlin, Putin có thể lựa chọn cách này, hoặc cách khác.

Nhưng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu thể hiện được rằng họ đã thực sự sẵn sàng để sử dụng chiến tranh kinh tế nhằm chống lại bộ máy quân sự của Nga, thì phương Tây có thể sẽ ngăn chặn được Putin tiến xa hơn nữa. Mọi việc sẽ sớm tiến triển.

Xem thêm: Video Người biểu tình ủng hộ Nga tràn vào trụ sở chính quyền ở Luhansk:

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại