Theo tờ The Moscow Times, giới chức Nga từng nhiều lần nhấn mạnh ý kiến cho rằng sau khi lực lượng thân phương Tây lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hồi năm ngoái, chính phủ mới ở Kiev sẽ nhanh chóng xúc tiến kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Những lời cáo buộc Moscow ủng hộ cho phe ly khai tại miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân chính phủ Kiev và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, được xem là cái cớ để chính quyền Ukraine xin gia nhập NATO.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là NATO sẽ không xét duyệt kết nạp một quốc gia đang lâm vào nội chiến hay tham chiến bên ngoài hoặc đang có những tranh chấp biên giới với quốc gia khác.
Trong khi đó, hiện tại, bản thân Ukraine cũng không thể đáp ứng được những yêu cầu xin gia nhập NATO. Bởi theo tờ The Moscow Times, hoạt động của các cơ quan an ninh Ukraine đang bị giới tình báo Nga "tỏ tường từng ngõ ngách" còn 1/4 khoản tiền dành cho ngân sách quốc phòng đã bị "ăn cắp" do nạn tham nhũng.
Theo Keir Giles, một chuyên gia về quân sự Nga thuộc nhóm tư vấn Chatham House ở London, Anh, ngay cả khi không "có chuyện" với Nga, Ukraine vẫn không đủ điều kiện để vượt qua những "chướng ngại vật" đầu tiên trong tiến trình xin gia nhập NATO.
Dưới đây là 3 chướng ngại vật mà Ukraine khó lòng có thể vượt qua để trở thành một thành viên của NATO theo như nhận định của tờ The Moscow Times.
Tham vấn
Điều quan trong đầu tiên trong tiến trình gia nhập NATO là Ukraine phải tuyên bố được lý do muốn gia nhập liên minh quân sự này.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea và Kiev cáo buộc Moscow ủng hộ phe ky khai tại miền đông Ukraine, chính phủ thân phương Tây Ukraine đã bãi bỏ tình trạng "phi liên kết" mà Kiev thực thi hồi năm ngoái.
Sau khi Ukraine đưa ra được lý do muốn gia nhập NATO, về phần mình, NATO sẽ cho tổ chức một vài cuộc thảo luận và tham vấn ý kiến từ các thành viên trong khối.
Những cuộc họp này sẽ được tổ chức tại trụ sở của NATO ở Brussels.
Theo đó, đại diện của các bên sẽ đánh giá chi tiết tình trạng hoạt động của hệ thống quân sự, tình báo, kinh tế và chính trị ở Ukraine. Song, cho tới nay, những cuộc họp như trên vẫn chưa được NATO tổ chức.
Tiếp đó, hai bên sẽ thông qua Ủy ban NATO – Ukraine, cơ quan được hình thành từ đầu thập niên 90, triển khai một chương trình cải cách theo hướng dẫn mang tên: "Kế hoạch hành động của thành viên" (MAP).
Theo NATO, MAP sẽ bao gồm loạt chương trình "cố vấn, giúp đỡ và hỗ trợ trực tiếp cho từng quốc gia muốn gia nhập liên minh quân sự này".
Cải cách
Một khi các bên liên quan thông qua chương trình MAP, Ukraine sẽ phải tiến hành cải cách hệ thống tình báo và quân sự vốn bị đánh giá hoạt động yếu kém do nạn tham nhũng tràn lan cũng như đưa nền kinh tế và chính trị tiến gần hơn tới tiêu chuẩn của một nền dân chủ tự do kiểu châu Âu.
"Những tiêu chuẩn mà NATO đặt ra là nhằm tăng tốc cho các quốc gia muốn gia nhập liên minh quân sự này.
Nhưng rõ ràng, Ukraine không đáp ứng được nhiều điều khoản trong MAP. Do đó, tiến trình gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn chưa tiến tới giai đoạn khởi động", chuyên gia Giles nhận định.
Ngoài ra, việc sở hữu hệ thống trang thiết bị vũ khí vốn được sản xuất từ thời Liên Xô cũ cùng chất lượng đào tạo binh sĩ yếu kém đang làm xói mòn khả năng phòng vệ của quân đội Ukraine.
Điều này sẽ khiến quân chính phủ Kiev không thể tham gia bất cứ sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nào mà NATO phát động. Trong khi, đây là một trong những yêu cầu cơ bản đối với bất cứ quốc gia nào muốn gia nhập liên minh quân sự này.
Ngay cả dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của chính quyền Kiev thân phương Tây đương nhiệm cùng những lời hứa hẹn tiến hành cải cách, quân đội Ukraine vẫn còn vô vàn vấn đề chưa thể khắc phục.
Nói cách khác, trong vòng 20 năm qua, Ukraine chưa tiến hành bất cứ một chương trình hiện đại hóa quân sự nào. Và dường như, mục đích hoạt động của quân đội Ukraine chỉ là bảo vệ kho vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô cũ để bán ra nước ngoài.
Trong khi đó, hồi tháng Một năm nay, hãng tin Ukraine Ukrinform dẫn câu trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel 5 của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yury Biryukov cho hay "khoảng 20 – 25% số tiền dành cho quân đội nước này hiện đã bị đánh cắp".
Khoản ngân sách dành cho quốc phòng của Ukraine trong năm 2015 là 86 tỷ hryvna (3,9 tỷ USD) nhưng theo ước tính của ông Biryukov, khoảng 780 triệu – 975 triệu USD đã bị "đánh cắp" do nạn tham nhũng trong quân đội.
Thậm chí, khoản tiền thất thoát do nạn tham nhũng của Ukraine đã vượt qua cả số tiền một số quốc gia trong khối NATO dành cho ngân sách quốc phòng năm 2015 như Hungary, Bulgaria, Estonia, Lithuania và Latvia.
Theo Bộ trưởng Biryukov, liều thuốc chữa duy nhất hiện nay đối với vấn nạn tham nhũng là văn phòng công tố triển khai điều tra Bộ Quốc phòng để lập lại trật tự và pháp luật.
Tuy nhiên, hãng tin Ukrinform nhận định ngay cả văn phòng công tố cũng như các nhân viên trong cơ quan an ninh Ukraine SBU còn đang bị vướng vào các nghi án tham nhũng. Đây chính là những trở ngại lớn cho con đường gia nhập NATO của Ukraine.
Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng với các nước thành viên NATO là cần đảm bảo mọi nguồn tin tình báo chia sẻ trong khối, phải được giữ bí mật.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo nhấn mạnh các nhân viên tình báo Nga thường xuyên thâm nhập vào hệ thống của SBU. Thậm chí, ngay trong hệ thống SBU cũng tồn tại "gián điệp hai mang" ngầm phá hoại chính phủ Ukraine đương nhiệm.
Minh chứng cho nhận định trên là việc hôm 11/3, tờ Wall Street Journal cho hay Mỹ đã tỏ ra vô cùng cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin với SBU do lo ngại những thông tin này sẽ rơi vào tay cơ quan an ninh của Nga.
Giả sử Ukraine có thể cải cách hoạt động của các cơ quan tình báo và quân sự theo những tiêu chuẩn NATO đặt ra, Kiev vẫn vấp phải những cản trở về cải cách chính trị và kinh tế đáp ứng điều kiện trong "Hiệp ước Washington".
Theo NATO, "những yêu cầu này bao gồm việc Ukraine xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ dựa trên nền kinh tế thị trường, đối xử công bằng với cộng đồng người dân tộc thiểu số và cam kết giải quyết xung đột thông qua giải pháp hòa bình".
Kết nạp
Nếu như Ukraine đáp ứng đủ các yêu cầu về quân sự, xã hội và chính trị của NATO, bước cuối cùng, tất cả các thành viên trong liên minh quân sự sẽ cùng xem xét tư cách của Kiev.
Đầu tiên, toàn bộ 28 thành viên NATO sẽ phải cùng đồng thuận mời Ukraine gia nhập.
Để giúp Ukraine trở thành một thành viên đầy đủ trong NATO, cần có một bản sửa đổi bổ sung đối với "Hiệp ước Washington" ra đời năm 1949. Sau đó, bản sửa đổi này tiếp tục đi qua quá trình xem xét và phê chuẩn của 28 thành viên NATO cùng chính phủ Ukraine.
Khi toàn bộ quá trình trên hoàn tất, bản hiệp ước sửa đổi sẽ được chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan đang giữ văn kiện. Cuối cùng, Tổng thư ký NATO sẽ chính thức công bố Ukraine trở thành một thành viên trong khối liên minh quân sự.
Tuy nhiên, xét lại toàn bộ quá trình xin gia nhập NATO của Ukraine có thể thấy con đường trở thành một thành viên của khối liên minh quân sự này vẫn còn quá xa vời với Kiev.
Mối quan hệ hiện thời giữa NATO và Ukraine
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest hồi năm 2008, Ukraine từng xin gia nhập liên minh này nhưng Pháp và Đức đã từ chối.
Tới năm 2010, thời điểm ông Viktor Yanukovych trở thành Tổng thống Ukraine, Kiev đã không màng gì tới chuyện trở thành thành viên của NATO. Thậm chí, một năm sau, quốc hội Ukraine tuyên bố quốc gia này theo đuổi thể chế "phi liên kết".
Tuy nhiên, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc Moscow hỗ trợ cho phe ly khai tại miền đông Ukraine, Kiev đã tiến hành từng bước gia nhập khối quân sự NATO.
Đầu tiên, chính phủ thân phương Tây của Ukraine tuyên bố bác bỏ thể chế "phi liên kết". Sau đó, tại cuộc hợp thượng đỉnh NATO tại sứ Wales hồi tháng Chín năm ngoái, hai bên đã thống nhất theo đuổi hàng loạt "Kế hoạch quốc gia thường niên".
Song, giới chức Nga có thể an tâm rằng "Kế hoạch quốc gia thường niên" là cách mà NATO chứng minh sự ủng hộ với chính quyền Ukraine để sau đó tiến tới "Kế hoạch hành động của thành viên" (MAP).
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là NATO buộc phải có nghĩa vụ cam kết giành sự ủng hộ thực tế cho Kiev.
Và ngay cả khi nhận được sự ủng hộ của NATO, Ukraine vẫn còn một chặng đường dài và trải qua nhiều bước cải cách để chính thức trở thành một thành viên của khối liên minh quân sự này.