Putin: "Hãy đợi đấy!"

Nguyễn Đăng Phát |

Khi các đối thủ chính trị "tìm cách đặt vấn đề nghi ngờ cả tính hợp pháp lẫn năng lực lãnh đạo của chính quyền", Putin đã trả lời bằng câu nói quen thuộc: "Hãy đợi đấy!"

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev chiều nay (16/3) đã đập tan mọi tin đồn về sự "biến mất" bí ẩn của người đứng đầu nước Nga những ngày qua.

Trong suốt quãng thời gian đó, chính xác là từ ngày 5/3, truyền thông thế giới đã "tấp nập" đăng tải đủ loại “tin tức” về tình trạng sức khỏe, về sự bận bịu của Putin với cuộc sống riêng tư, thậm chí là về “những dấu hiệu” đảo chính ở Moscow.

Sự việc đáng kể nhất khiến giới truyền thông có lý do thả sức đồn đoán là cuộc họp giữa ba Tổng thống Nga, Belarus và Kazashtan dự kiến diễn ra trong hai ngày 12-13/3 tại thủ đô Astana của Kazashtan đã bị hoãn.

Dường như đã “mặc định”, lần sau cùng ông Putin xuất hiện công khai là trong cuộc hội đàm tại Moscow với Thủ tướng Italia hôm 5/3.

Kể từ đó, giới truyền thông đã tỏ ra hoài nghi với những tin tức, hình ảnh sau đó về các cuộc làm việc hay điện đàm giữa Tổng thống Putin với người đứng đầu nước Cộng hòa Karelia thuộc Nga, với Chánh án Tòa án Tối cao Nga, với Tổng thống Armenia.

“Sức khỏe Tổng thống rất tốt, không phải lo lắng gì…”

Những ngày Tổng thống Putin “vắng mặt” thì Bí thư Báo chí của ông, Dmitry Peskov, có lẽ là quan chức bận bịu nhất của Văn phòng Tổng thống. Ông đã nhiều lần trả lời các câu hỏi của các phóng viên Nga và quốc tế về sức khỏe Putin.

Dmitry Peskov có lẽ là quan chức bận bịu nhất điện Kremlin trong những ngày gần đây. Ảnh: Google Images

Dmitry Peskov có lẽ là quan chức bận bịu nhất điện Kremlin trong những ngày gần đây. Ảnh: Google Images

Hầu như lần nào Peskov cũng khẳng định “sức khỏe Vladimir Putin rất tốt”, “khỏe đến mức cái bắt tay của ông ấy có thể bẽ gãy tay người khác”, “mọi chuyện ổn cả, không phải lo lắng gì cho sức khỏe Tổng thống”.

Dimtry Peskov cho biết, lịch làm việc của Tổng thống Putin lúc nào cũng dày đặc, rất căng; ông Putin thường xuyên gặp, làm việc với người này người khác, nhưng “có cuộc thì công khai, có cuộc thì họp kín".

Người phát ngôn cũng phủ nhận tin đồn do tờ Blick (Thụy Sĩ) đăng tải và lập tức được nhân bản khắp mạng Internet về việc dường như nữ vận động viên thể dục dụng cụ 31 tuổi Alina Kabaeva mới sinh hạ con của Putin tại bệnh viện Thánh Anna ở Thụy Sĩ.

Chính các đại diện của bệnh viện đó cũng đã lên tiếng khẳng định “không có ai là Alina Kabaeva sinh con ở đây cả”.

Hôm 12/3, Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đã quen với việc người ta cực kỳ quan tâm sức khỏe Tổng thống Putin. Chúng tôi nhẫn nại trả lời những câu hỏi được nêu ra”.

Nhưng ông cũng có cách lý giải khá độc đáo về sự “quan tâm” thái quá trước “sự vắng mặt” của Putin:

“Xuân vừa sang, mặt trời vừa ló dạng, ấm ấm lên một chút là có chuyện, môt số chứng diễn biến tệ hơn” – Dmitry Peskov chia sẻ, có ý mỉa mai về việc một số người cứ vào dịp chuyển mùa là có vấn đề về sức khỏe.

Peskov, vốn là một nhà báo kỳ cựu, cũng nói rằng sẽ vận động các nhà tài trợ “để tổ chức thi bình chọn những tin vịt xuất sắc nhất”.

Theo tin đồn trên một số báo thì Tổng thống Vladimir Putin những ngày qua phải nghỉ làm việc do… ba chứng bệnh là cúm, đau lưng, đột quỵ. Thông tin về việc ông Putin bị cúm và không có mặt ở Moscow do kênh truyền hình Dozhdj (Nga) tung ra ngày 15/3.

Còn “đau lưng nặng” là sản phẩm của báo Kurier (Áo). Theo báo này, một bác sĩ Áo đã bay sang Nga để chữa trị cho Putin.

Trong khi đó, tạp chí trực tuyến “Russky Monitor” loan báo Tổng thống Nga đã bị đột quỵ, tin này “do một nguồn từ Bệnh viện Kremlin cung cấp”, nhưng nguồn tin đó cũng cho biết Putin “không điều trị ở đây”.

Phải nói rằng, bất kỳ người nào, dù bình thường rất khỏe thì vẫn có thể có lúc mệt mỏi, nhức đầu, sổ mũi, đau ốm…, đặc biệt khi tuổi tác càng cao.

Có lẽ ai cũng biết, Vladimir Putin là một người khỏe. Ông có lối sống lành mạnh, không sử dụng chất uống có cồn như nhiều người đồng hương của ông và rất chăm chỉ luyện tập thể thao.

Cửu đẳng huyền đai Putin rất chăm tập thể thao, đặc biệt là các môn võ thuật. Ảnh: AFP
"Cửu đẳng huyền đai" Putin rất chăm tập thể thao, đặc biệt là các môn võ thuật. Ảnh: AFP

Là một võ sĩ Judo có hạng, ông Putin không chỉ tập luyện môn thể thao này hàng ngày mà còn bơi lội, đi xe đạp, chơi hockey trên băng…

Ông đã nhiều lần chia sẻ rằng, để làm việc hiệu quả, với cường độ cao, rất căng thẳng, thì phải dành nhiều thì giờ hàng ngày cho thể thao. Với đông đảo người dân Nga ở mọi lứa tuổi thì Vladimir Putin là một tấm gương sáng về mặt này.

Đúng là có những vụ “chẩn đoán” bệnh trạng nhà lãnh đạo Nga ở mức rất nghiêm trọng. Cách đây không lâu, vào tháng 10/2014, phóng viên tờ New York Post Richard Johnson “tiết lộ” ông Putin bị ung thư tủy sống.

Phóng viên này cho rằng việc nhà lãnh đạo Nga thông qua những quyết định nhanh và dứt khoát như vậy đối với Ukraine là do bệnh trạng của ông, bởi ông chỉ có thể sống được khoảng 3 năm nữa thôi, ông muốn đi vào lịch sử thật nhanh…

Và người phát ngôn Dmitry Peskov cũng đã bình luận về tin này: “Hão. Phủi phui cái mồm họ. Mọi chuyện bình thường”.

Thật ra, chuyện đau lưng là có. Hồi tháng 9/2012, ở thời điểm làm chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh APEC tại thành phố Vladivostok, ông Putin đi lại hơi khó khăn do bị chấn thương trong tập luyện Judo.

Việc này được người phát ngôn Peskov khẳng định và chính Thủ tướng Dimitry Medvedev cũng cho biết, để giữ được phong độ làm việc cao, ông Putin hàng ngày tập luyện thể thao rất nhiều và có bị những chấn thương nào đó, song “chẳng có gì nghiêm trọng cả”.

Những vụ đồn đoán về sức khỏe ông Putin như những ngày vừa qua không chỉ là trò đưa tin giật gân, câu khách đơn thuần của một số cơ quan truyền thông. Nhìn lại vẫn đề này một cách có hệ thống thì có thể thấy sự chủ ý của nhiều thế lực.

Điều này đã được chính ông Putin không ít lần giải thích.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 12/2012, Tổng thống Putin khẳng định những tin đồn đó “có lợi cho các đối thủ chính trị” của ông, họ “tìm cách đặt vấn đề nghi ngờ cả tính hợp pháp lẫn năng lực lãnh đạo của chính quyền”.

Và ông Putin đã đáp lại bằng một câu khá quen thuộc: “Hãy đợi đấy!”.

“Không có cung điện, không có đảo chính cung đình”

Trong cuộc họp báo lớn cuối năm 2014, khi phóng viên BBC nêu câu hỏi liên quan đến nguy cơ “đảo chính cung đình” lật đổ ông, Putin đã trả lời khá dí dỏm: “Ở Nga chỉ có Kremlin, không có những cung điện khác nên sẽ không có đảo chính cung đình…”.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng hệ thống luật pháp Nga đã khá hoàn thiện, đặc biệt Hiến pháp Nga tỏ ra vững chắc kể từ khi được thông qua vào năm 1993 đến nay.

Ê-kíp làm việc với ông trong Chính phủ Nga, trong giới lãnh đạo Nga đều hiểu rõ công việc của mình, cùng đồng tâm thực hiện những mục tiêu đã được hoạch định. Do đó, ông Putin khẳng định hoàn toàn yên tâm về các diễn biến chính trị trong nước.

Sẽ không có đảo chính cung đình tại Kremlin - ông Putin tự tin phát biểu tại cuộc họp báo kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AP
"Sẽ không có đảo chính cung đình tại Kremlin" - ông Putin tự tin phát biểu tại cuộc họp báo kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AP

Chưa nói đến mức độ xác thực về tuyên bố của cựu Đại sứ Israel tại Nga, ông Zvi Magen, được báo Ha’aretz ngày 15/3 trích dẫn về “những dấu hiệu đảo chính ở Nga”, những lập luận của nhà ngoại giao này thực ra không có gì mới.

Từ khi Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu tung ra những đòn trừng phạt, cấm vận Nga do vấn đề Ukraine, các nhà chính trị cũng như giới phân tích ở phương Tây đã chờ đợi sự bùng phát các cuộc phản kháng trong xã hội Nga.

Cùng với đó, những sự bất bình, bất đồng về đường lối và chính sách của ông Putin trong một bộ phận giới lãnh đạo Nga cũng như giới doanh nghiệp nước này cũng được họ để ý kĩ.

Một “mô hình kịch bản” diễn biến tình hình Nga đã được các giới chính trị phương Tây xây dựng và hy vọng trở thành hiện thực.

Đó là một nước Nga bị cô lập, tình hình sản xuất, kinh tế - xã hội Nga lâm vào khủng hoảng; đời sống của mọi tầng lớp người Nga sẽ rất khó khăn, tâm trạng bất bình với chính quyền ngày càng tăng nhiệt.

Quyền lợi, tài sản của các nhà tài phiệt bị teo lại; mâu thuẫn trong giới lãnh đạo sẽ bị đào sâu và mọi mũi nhọn sẽ chĩa vào Tổng thống Putin, khiến ông có thể bị lật đổ..

Không phải chờ đến lúc này mà từ tháng 9, tháng 10/2014 báo chí phương Tây đã dẫn “các nguồn tin tình báo Đức” nói rằng trong ê-kíp xung quanh nhà lãnh đạo Nga dường như đã có “những rạn nứt lớn”.

Ở thời điểm đó, những “nguồn tin” này cũng nhận định Thủ tướng Medvedev, một vài Bộ trưởng, thậm chí toàn bộ Chính phủ Nga sắp bị sa thải…

Các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần vạch rõ rằng chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây là nhằm dẫn đến thay đổi chế độ cầm quyền ở Nga.

Những vụ việc như cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov bị ám sát ở trung tâm Moscow, tuy đến nay vẫn chưa kết thúc điều tra, nhưng có nhiều khả năng đây là một vụ án được sắp đặt để đánh vào uy tín của chính quyền Putin.

Song, điều bất ngờ cho phương Tây là suốt thời gian qua, uy tín của Tổng thống Putin trong dư luận Nga luôn luôn tăng cao và ổn định. Nguyên nhân rất đơn giản: người Nga quý trọng vị Tổng thống của mình, tán thành đường lối của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại