Chế độ Tổng thống là một hệ thống chính phủ mà trong đó có một ngành hành pháp tồn tại và ngự trị tách biệt khỏi ngành lập pháp.
Trả lời trong một cuộc họp báo, ông Erdogan được phóng viên hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì một hệ thống chính phủ tập quyền nếu Chế độ Tổng thống được áp dụng hay không.
“Có rất nhiều ví dụ trên thế giới về Chế độ Tổng thống. Các bạn có thể nhìn sang Hitler ở Đức”, ông Erdogan phát biểu hôm 31.12.2015 vừa qua, theo tin từ cơ quan thông tấn Dogan.
“Ở nhiều quốc gia khác Chế độ Tổng thống cũng tồn tại”.
Ngày hôm qua 1.1.2016, văn phòng Tổng thống cho biết lời nói của ông Erdogan đã bị hiểu sai. Họ giải thích rằng ông nhắc tới Hitler nhằm ám chỉ quản lý tồi tệ xuất hiện ở mọi thể chế chính trị.
“Dù đó là Hệ thống Nghị viện hay Chế độ Tổng thống, sự quản lý kém có thể dẫn tới thảm họa, giống thời Hitler”, đoạn thông báo được hãng tin AP trích lại.
“Không thể chấp nhận được nếu hiểu tuyên bố của Tổng thống ủng hộ chế độ phát xít của Hitler”, văn phòng Tổng thống khẳng định.
Đoạn thông báo cũng nói rằng ông Erdogan khẳng định sự diệt chủng, bài Do Thái và bài đạo Hồi là tội ác chống lại loài người.
Cả Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu tin rằng Ankara cần phải chuyển sang một hệ thống chính trị mới so với hệ thống nghị viện hiện tại.
“Chế độ Tổng thống là đúng đắn cho Thổ Nhĩ Kỳ về tinh thần dân chủ. Tinh thần dân chủ nếu thiếu thì kể cả hệ thống nghị viện cũng có thể biến thành chế độ độc tài”, ông Davutoglu trả lời khi được hỏi trên kênh NTV.
Đảng Phát triển và Công lý (APK) cầm quyền với chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử tháng 11, đang hướng tới sự thay đổi thể chế chính trị mới.
Đảng đối lập đã chỉ trích mạnh mẽ ý định này và cho biết động thái này sẽ khiến ông Erdogan nắm quá nhiều quyền lực và dễ biến thành chủ nghĩa độc tài.
“Ông Erdogan lúc nào cũng muốn một Chế độ Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy không hề thay đổi ý định kể từ đợt bầu cử trước. Tôi tin rằng ông ấy sẽ dùng mọi cách để đạt được điều này.
Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội cuối cùng trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bước vào chế độ độc tài chuyên quyền”, Ceyda Karan, nhà báo thuộc đảng đối lập trả lời hãng tin RT.
Trong khi đó, giáo sư Ronald Suny từ Đại học Michigan cho biết bước đi tới Chế độ Tổng thống là “nguy hiểm”, nhất là khi có tới hơn nửa dân số phản đối thể chế chính trị này.