Trong bối cảnh ISIS đang mở rộng tầm ảnh hưởng và phạm vi hoạt động trên toàn cầu, cộng đồng quốc tế do Mỹ đứng đầu đã quyết định thành lập một liên minh quân sự nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân này.
Hôm 5/9, Mỹ đã đưa ra thông báo về sự ra đời của một "liên minh chủ chốt" gồm 10 thành viên là Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Ba Lan và Đan Mạch nhằm hỗ trợ các đồng minh đang chiến đấu trên bộ tại Iraq và Syria cũng như tổ chức không kích nhằm tiêu diệt các chiến binh ISIS.
Theo tờ Want China Times, Liên đoàn Ả Rập hôm 7/9 thậm chí đã thông qua nghị quyết chiến đấu chống lại ISIS. Một số báo cáo còn nhấn mạnh một trong những nội dung chính được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Susan Rice đưa ra thảo luận trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tuần này là nhằm tìm kiếm sự hợp tác từ phía Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo dòng Sunni.
Tuy nhiên, hôm 10/9, chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, nhà nghiên cứu tại Bộ Thương mại Trung Quốc, Mei Xinyu nhấn mạnh ông tin rằng Trung Quốc sẽ không triển khai hành động quân sự trực tiếp chống lại ISIS bởi động thái này sẽ ảnh hưởng tới "tình hình chính trị và kinh tế quốc gia".
Theo ông Mei, một trong những lý do để các quốc gia tổ chức tấn công ISIS là nhằm đảm bảo nguồn cung dầu mỏ từ khu vực Trung Đông vẫn giữ được mức giá ổn định trước mối lo giá cả tăng nếu như phiến quân giành được quyền kiểm soát hoặc phá hủy các mỏ khai thác dầu.
Song, ông Mei khẳng định tình hình hiện nay lại cho thấy ISIS không thể chiếm được quyền kiểm soát các mỏ khai thác dầu lớn tại Iraq cũng như không có ý định phá hủy các mỏ khai thác vàng tại khu vực này.
Theo đó, nền kinh tế toàn cầu đặc biệt là với các thị trường mới nổi vốn chịu sự chi phối từ nguồn cung năng lượng, sẽ đối mặt với nguy cơ giảm đà tăng trưởng. Trong khi đó, cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng khi mà ngành công nghiệp dịch vụ tiếp tục phát triển còn các ngành công nghiệp cần tới năng lượng trên toàn cầu tiếp tục tụt dốc, chuyên gia Mei cho hay.
Ngoài ra, theo ông Mei, trên thực tế, nhu cầu và nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đã phần nào giảm bớt kể từ năm 2012 và tiếp tục có xu hướng thuyên giảm. Do đó, cái gọi là nguy cơ đe dọa địa chính trị từ ISIS sẽ không thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông.
Xét về lợi ích chính trị, Trung Quốc không nên triển khai hành động quân sự chống lại ISIS, ông Mei viết. Mặc dù Bắc Kinh đang có những biện pháp táo bạo nhằm "duy trì sự ổn định" ngoài lãnh thổ, song Trung Quốc vẫn không nên đưa quân đội tới những khu vực như Tây Phi và Bắc Phi bởi nó không phục vụ lợi ích mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị cho quốc gia này.
Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại, Trung Quốc cũng không cần có những bước đi táo bạo chống lại ISIS bởi vẫn có một số lượng không ít công dân trong và ngoài nước ủng hộ lực lượng cực đoan tôn giáo này. Trong khi đó, nhiều người muốn tiêu diệt ISIS mà lại không muốn chi tiền và rủi ro tính mạng, ông Mei nhận định. Do đó, Bắc Kinh cần cân nhắc thận trọng về việc tham gia vào một cuộc chiến lâu dài, mà nguy cơ đẩy Trung Quốc vào "cái bẫy ổn định thời hậu chiến" như cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.
Chuyên gia Mei kết luận Trung Quốc vẫn cực lực phản đối các nhóm cực đoan bao gồm ISIS và dự phòng trước những hành động và ảnh hưởng của chúng đối với tình hình an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc không nên trực tiếp tham chiến và biến mình thành "kẻ tử vì đạo" trong cuộc chiến lâu dài này.