Trung Quốc không có đồng minh thực sự, chỉ có đối thủ thực sự

Tiêu Giang |

(Soha.vn) - Triều Tiên không nên được gọi là đồng minh đúng nghĩa của Trung Quốc, bởi dù là tiền đồn của TQ ở phía Đông Bắc, song Bình Nhưỡng cũng là một đối tác khó dự đoán.

Mời độc giả đọc Phần 1: Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì "phép màu kinh tế"

Phần 2: Xung đột với Ấn Độ sẽ chặn con đường đến "giấc mơ Trung Quốc"

Sau khi phân tích trở ngại mà Trung Quốc gặp phải từ phía Ấn Độ, chuyên gia Alexander Samsonov đã tiếp tục đưa ra những nhận định của mình về quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á.

Trong bài viết trên trang bình luận quân sự của Nga, ông cho rằng, sự xuất hiện của hàng loạt các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực châu Á đang đe doạ sự ổn định của chính Trung Quốc.

Trung Quốc có một số đối thủ, cả rõ ràng và tiềm ẩn, ở châu Á. Đặc biệt nhất phải kể tới Nhật Bản. Từng là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cuối thế kỉ 19 và nửa đầu thế kỉ 20, Nhật Bản là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc. Tokyo rõ ràng không định nhường lại khu vực cho Trung Quốc, vì thế, sự cạnh tranh giữa 2 con rồng của châu Á là điều không thể tránh khỏi.

Trong thời điểm căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự thù địch lẫn nhau giữa người dân 2 nước đã đạt tới đỉnh điểm. Theo cuộc thăm dò dư luận của Chinadaily (Trung Quốc) và cơ quan Genron (Nhật Bản), 93% người Nhật nhận xét tiêu cực về người Trung Quốc, còn tại Nhật, con số “không ưa” người Trung Quốc cũng không ít hơn - 90%. Lực lượng vũ trang Nhật Bản hiện đã vượt Trung Quốc về cả vật chất và công tác huấn luyện.


	Tàu hải giám Trung Quốc đối đầu với tàu tuần duyên Nhật Bản tại khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư

Tàu hải giám Trung Quốc đối đầu với tàu tuần duyên Nhật Bản tại khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư

Trung Quốc cũng đang có những xung đột rõ ràng với Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan- một đồng minh của Mỹ.

Năm 2005, Hội nghị đại biểu nhân dân Trung Quốc đã thông qua luật “Chống ly khai”, cho phép Trung Quốc áp dụng “các biện pháp không hòa bình hoặc các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình” trong trường hợp các thế lực bên ngoài nỗ lực tách Đài Loan khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan nếu lãnh thổ này bị tấn công. Washington cũng thuyết phục Tokyo đưa Đài Loan vào khu vực lợi ích chiến lược chung của 2 nước.

Về phần mình, Đài Loan có năng lực tài chính mạnh và đang nỗ lực gia tăng tiềm năng quân sự để có thể đối đầu với quân đội Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Đài Loan đã thực hiện chương trình hiện đại hóa máy bay F-16, mua sắm 12 máy bay trực thăng tuần tiễu trên không P3-C và 30 máy bay trực thăng tấn công AH-64D Block 3, tiến hành hiện đại hóa các hệ thống radar, tăng cường tiềm năng tên lửa, dự định mua 2 tàu khu trục của hạm đội Mỹ. Đài Loan cũng bắt đầu tính tới dự án hiện thực hóa thiết kế và xây dựng tàu ngầm cho riêng mình.

Trong khi đó, xét về sức mạnh quân sự thì quân đội của Philippines, quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông, là yếu nhất trong khu vực. Họ chỉ có trong tay số lượng vũ khí trang bị không đáng kể, không có tàu ngầm, không có tàu chiến trang bị tên lửa. Mặc dù Manila đang nỗ lực thay đổi tình hình: mua 10 trực thăng của Ba Lan, 8 trực thăng của Italia, một số trực thăng do Mỹ chuyển giao, 12 máy bay tiêm kích phản lực hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc và đang dự định mở thầu mua 2 khu trục hạm. Dù vậy, hiện nay Philippines chỉ có thể đóng một vai trò phụ trong đối đầu với Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không có tranh chấp nghiêm trọng với Hàn Quốc, song Seoul lại là đồng minh của Washington và rõ ràng là thành viên của chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Thêm vào đó, người Mỹ cũng luôn ủng hộ Seoul liên minh với Tokyo mặc cho 2 quốc gia này đang tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Liancourt.

Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng theo dõi tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên không nên được gọi là đồng minh theo đúng nghĩa của Trung Quốc, bởi mặc dù Bình Nhưỡng là tiền đồn của Trung Quốc tại bờ biển phía Đông Bắc, giúp kiềm chế Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, song “người em” Triều Tiên này cũng là một đối tác rất khó dự đoán.

Đầu năm 2013, lần đầu tiên trong 4 năm qua, Trung Quốc cấm xuất khẩu vào Triều Tiên các hàng hóa và công nghệ liên quan tới vũ khí hủy diệt lớn, thuộc 4 nhóm: hạt nhân, tên lửa, hóa học và sinh học, nhằm đề phòng khả năng nước này khiến tình hình quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á thêm phức tạp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại