Mời độc giả đọc Phần 1: Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì "phép màu kinh tế"
Trong bài viết trên trang Bình luận quân sự của Nga, chuyên gia Alexander Samsonov (hiện đang công tác tại Ủy ban Công nghiệp Quân sự Nga) tiếp tục phân tích về những trở ngại mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trên con đường đi đến "giấc mơ Trung Quốc".
Sau cái giá của "phép màu kinh tế", đó là mối quan hệ đầy sóng gió giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ.
Vấn đề đường biên giới chưa được giải quyết triệt để giữa Tây Tạng và Ấn Độ đang là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc bất ổn.
Bắc Kinh và Delhi vẫn đang tranh chấp lãnh thổ tại khu vực phía Đông Bắc Kasmir và khu vực phía Bắc bang Arunachal Pradesh. Tranh chấp này đã dẫn tới nhiều cuộc xung đột giữa hai nước như vụ đụng độ quân sự vào năm 1959, chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962 và năm 1967... Trong cuộc đối đầu năm 1962, Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh thổ tranh chấp và chỉ lui quân do áp lực từ quốc tế, nhưng vẫn giữ lại vùng Aksai-Chin. Đầu năm 2013, quân đội Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ 19km ở phía Đông Bắc Kashmir nhưng sau đó đã phải rút lui.
Lính Ấn Độ tại biên giới Trung - Ấn ở Arunachal Pradesh
Một số quan chức Ấn Độ lo ngại rằng nước này có thể trở thành mục tiêu bành trướng của Trung Quốc. Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc đang xích lại gần Pakistan, nước vốn có quan hệ không mấy êm ấm với Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã từng bước lấy lòng các nước như Bangladesh, Nepal, Sri-Lanka..., hòng tạo thành chuỗi vệ tinh để vây Ấn Độ.
Trước các mối đe doạ đó, trong những năm qua, Ấn Độ đã đầu tư một số lượng lớn các phương tiện, mua mới khí tài hiện đại nhất, tăng cường lực lượng hạt nhân, phát triển tiềm năng tên lửa. Không quân, Hải quân và Lục quân Ấn đều phát triển với nhịp độ nhanh. Ấn Độ rõ ràng là đã nhìn trước nguy cơ một cuộc chiến với Trung Quốc trong tương lai.
Ấn Độ cũng “đua” với Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của mình khu vực biên giới. Trong khi Trung Quốc xây đường sá, chuẩn bị các cơ sở hạ tầng cận biên, thì Ấn Độ xây dựng các sân bay mới, thành lập các binh đoàn tăng thiết giáp tại các vùng núi hướng về phía Trung Quốc. Ấn Độ, cũng như Trung Quốc, đã tiến tới xây dựng “hạm đội viễn dương” không chỉ để bảo vệ các lợi ích của mình tại Ấn Độ Dương mà còn bảo đảm việc triển khai lực lượng toàn cầu.
Thêm vào đó, rõ ràng là Ấn Độ đang phát triển chương trình tên lửa - hạt nhân. Các vụ thử tên lửa đạn đạo Agni-5 với tầm xa 5.000km rõ ràng là nhằm vào Bắc Kinh. Hiện Agni có khả năng tấn công vào các trung tâm dân sinh quan trọng của Trung Quốc.
Ấn Độ còn có nhiều động thái khá rõ ràng cho thấy họ không muốn “một chọi một” mà đang tìm kiếm các đồng minh chống Trung Quốc. Họ xích lại gần khối Ả Rập, hướng về phương Tây - trong đó phải kể tới Mỹ. Ấn Độ đang mở rộng hợp tác với Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả quân sự. Họ cũng bắt đầu tập trận với Nhật Bản.
Những khu vực tranh chấp giữa 2 nước, vốn trước kia vốn bị coi là không có nhiều giá trị kinh tế, thì nay đã trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước. Trong thời điểm Trung Quốc và Ấn Độ đều phải đối mặt với vấn đề về năng lượng thì việc kiểm soát tài nguyên nước lại càng quan trọng. Việc xây đập thuỷ điện tại Brahmaputra là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng tỷ trọng thuỷ điện từ 6 - 7% lên 15% tổng công suất điện vào năm 2020.
Tuy nhiên, điều này lại làm giảm lượng nước của Delhi và gây ra các vấn đề về thủy lợi, giảm sản lượng nông nghiệp cũng các dự án thủy điện của Ấn Độ. Và nó rất có thể là một nhấn tố gây bất ổn lâu dài trong khu vực.
Còn tiếp...