Một trong những vụ mới nhất liên quan tới bê bối tình dục ở Trung Quốc là một số thẩm phán và nhân viên tòa án nhân dân Thượng Hải bị cách chức, sau khi họ bị quay phim qua lại với gái mại dâm trong một hộp đêm. Tạp chí Business Insider thậm chí còn đăng tải một danh sách chi tiết về các vụ bê bối tình dục lớn bị phát hiện ở Trung Quốc trong năm nay.
Trong nghiên cứu về nạn mại dâm ở Trung Quốc, hai giáo sư James Finckenauer và Min Liu thuộc trường đại học Rutgers (Mỹ) lý giải rằng chính phủ Bắc Kinh đã tiến hành nhiều chiến dịch chống mại dâm ở những thời kỳ khác nhau từ năm 1949. Chiến dịch gần đây nhất diễn ra vào năm 2010.
Các chiến dịch này đều không có hiệu quả. Hai tác giả của nghiên cứu kết luận: “tỷ lệ mại dâm ở Trung Quốc tăng hàng năm” từ 1982. Thực tế, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng 183 trung tâm giam giữ và giáo dục nhân phẩm từ năm 1987, chỉ để giam giữ gái mại dâm và khách mua dâm. Mặc dù số liệu tin cậy không được tiết lộ, nhưng một số báo cáo cho biết số phụ nữ Trung Quốc hành nghề mại dâm hiện nay ước tính khoảng từ 3 đến 10 triệu người.
Các tác giả của nghiên cứu lập luận rằng chính sách phát triển và cải cách kinh tế của Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến tệ nạn mại dâm gia tăng ở nước này. Đáng kể nhất, tình trạng đô thị hóa đã khiến nhiều người dân ở nông thôn đổ ra các thành phố. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nhập cư không thể kiếm sống đủ từ những nghề hợp pháp, nên nhiều phụ nữ đã quyết định bán thân bởi vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với làm công nhân tại các nhà máy.
Mặc dù đã thực hiện nhiều chiến dịch truy quét, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn không thể giải quyết được tệ nạn mại dâm. Nguyên nhân được cho là tình trạng tham nhũng đã thành bệnh mãn tính trong bộ máy chính quyền địa phương và thiếu các luật đủ hiệu lực.
Theo hai tác giải Finckenauer và Liu, nạn tham nhũng diễn ra phổ biến trong lực lượng cảnh sát và quan chức chính quyền là rào cản đáng kể trên con đường loại trừ nạn mại dâm. Họ cho rằng các quan chức địa phương ở Trung Quốc thường phớt lờ nạn mại dâm và còn cảnh báo cho gái mại dâm và khách, trước khi tiến hành hoạt động truy quét và điều tra. Một số cảnh sát và quan chức chính quyền thậm chí còn ngầm bảo kê cho những nơi gái mại dâm hành nghề hay phạt gái mại dâm (thay vì bắt) và đút khoản tiền này vào túi riêng của họ.
Một báo cáo mới đây của một tổ chức phi chính phủ cho biết Bộ Công an Trung Quốc giải thích các khoản tiền phạt “giúp bù vào chi phí hoạt động của cảnh sát địa phương.”. Mặc dù Bộ Công an Trung Quốc đã cảnh báo chính quyền địa phương về việc phạt tiền thay vì bắt giữ gái mại dâm, nhưng theo tổ chức nói trên, hành vi này vẫn diễn ra phổ biến.
Khi gái mại dâm bị bắt hay giam giữ, họ thường bị xét xử không công bằng. Hai tác giả Finckenauer và Liu cho biết điều này khiến gái mại dâm thương bị giam giữ trong thời gian dài – họ có thể phải ở trong các trung tâm giáo dục từ 6 tháng đến 2 năm trước khi bị gửi đi cải tạo lao động từ 1 đến 3 năm.
Trước đây, trong một số trường hợp, các nhà chức trách còn bắt gái mại dâm diễu hành trước công chúng để làm nhục họ. Nhưng do sức ép từ dư luận, hình thức diễu dành như thế này đã bị hủy bỏ từ năm 2010.
Nếu chính phủ hiện nay của Trung Quốc thực sự muốn giải quyết vấn nạn tham nhũng, thì mại dâm cần phải được giải quyết như một phần của chiến dịch chống đút lót. Để giải quyết vấn đề này, lực lượng cảnh sát đia phương cần phải được cải tổ. Chính quyền địa phương không được sử dụng tiền phạt gái mại dâm đề bù cho chi phí hoạt động.
Nếu không giải quyết vấn đề mại dâm, các mục tiêu chống tham nhũng của Trung Quốc cũng khó hoàn thành.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!