Trung Quốc chưa có vị thế của một "nước lớn"
Đa Chiều bình luận, trong bối cảnh tổng thể cục diện quốc tế hiện tại, siêu cường duy nhất trên thế giới là Mỹ đang duy trì được áp lực với 2 nước lớn khác là Nga, Trung Quốc mà dù Moscow bắt tay Bắc Kinh cũng chưa chắc có thể "lật ngược thế cờ".
Tuy vậy, phản ứng của Nga, Trung trước Mỹ tồn tại khác biệt rõ rệt.
Kể từ năm 2014, hàng loạt động thái cứng rắn từ Moscow chứng minh họ là một nước không thể bị xâm phạm, như sáp nhập bán đảo Crimea, xây dựng căn cứ quân sự gần Luhansk, miền Đông Ukraine và mới đây là chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Trong khi đó, Trung Quốc thường xuyên khẳng định nước này "phản ứng hết sức kiềm chế" trước những hành động của Mỹ, bất chấp thái độ ngoại giao của Bắc Kinh đã cứng rắn hơn kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Sau khi Nga "động binh" tại Syria, vị thế chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong xã hội quốc tế, đặc biệt là khu vực Trung Đông, đã tăng mạnh.
Điều này tạo ra hiệu ứng tích cực với vị thế và hình tượng nước Nga, cũng như ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của IS vào Nga.
Thêm vào đó, thái độ cứng rắn của Nga trong suốt hơn 1 năm qua về vấn đề khủng hoảng Ukraine cũng phần nào làm chiến lược gây sức ép của Washington với Moscow không đạt được kết quả mong đợi.
Truyền thông Nga và không ít học giả phương Tây đánh giá, chiến lược của Mỹ tại châu Âu đã gặp phải "thất bại hiếm thấy" khi đối đầu với Nga. Tuy nhiên, theo Đa Chiều, tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra hoàn toàn khác.
Mới đây, Lầu Năm Góc đã công khai kế hoạch điều tàu chiến và máy bay vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép trên biển Đông.
Báo Quốc phòng Trung Quốc hôm qua (16/10) bình luận, do "thất bại" trước Putin tại Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama rất có thể sẽ phê chuẩn tiến hành hành động quân sự tại biển Đông nhằm vào Trung Quốc để "tìm lại thể diện".
Dù vậy, trên thực tế việc gia tăng hiện diện quân sự ở biển Đông là một trong những yêu cầu của chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" mà Mỹ đang thực hiện.
Bắc Kinh thừa nhận, sự điều chỉnh chiến lược của Nhà Trắng đã gây ra những ảnh hưởng lớn, khiến những mục đích bành trướng của quốc gia này trên đại dương vấp phải sức cản lớn chưa từng thấy.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung giai đoạn hiện tại mới chỉ dừng ở "đấu khẩu" về ngoại giao và "thể diện", nhưng hệ quả đi cùng là sự tổn hại đến hình ảnh và sức mạnh quốc gia, hơn nữa là sự bất lợi lớn đối với chiến lược "một vành đai, một con đường" của ông Tập.
Cách Nga đối phó với sức ép đến từ Mỹ khác hơn nhiều so với những gì Trung Quốc làm. (Ảnh minh họa)
"Lép vế" trước Mỹ, chiến lược hơn 30 năm của Bắc Kinh đã đến hồi kết?
Đa Chiều bình luận, so với phản ứng cứng rắn và trực tiếp của Nga đối với Mỹ, những hành động của Trung Quốc có phần "tình toán trước sau" và suy xét quá nhiều.
Chính sách ngoại giao thận trọng là cốt lõi của chiến lược "tao guang yang hui" mà cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra, được Bắc Kinh theo đuổi hơn 30 năm qua, kể từ khi nước này bước vào cuộc cải cách mở cửa.
"Tao guang yang hui" còn mang nội hàm "nhẫn nhịn chờ thời", tức logic đằng sau chiến lược này là khi Trung Quốc phát triển tới một mức độ nào đó, giới cầm quyền của họ có thể phá bỏ quy tắc cũ hoặc thực hiện những việc mà thế hệ cũ chưa làm được.
Trong vấn đề biển Đông trước đây, Bắc Kinh thường có thái độ không quá cứng rắn trước các chỉ trích từ phương Tây và duy trì thái độ hữu nghị với các quốc gia liên quan.
Tuy nhiên, đằng sau các tuyên bố "bề nổi" thì hoạt động bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo phi pháp vẫn được nước này "âm thầm" đẩy mạnh, đặc biệt từ năm 2014. Và chỉ từ tháng 5/2015, sự bành trướng của Trung Quốc mới vấp phải sức ép nặng nề từ Mỹ và đồng minh.
"Tao guang yang hui" là câu thành ngữ được Đặng Tiểu Bình sử dụng để khái quát chiến lược mà ông này vạch ra cho Trung Quốc, đó là nhẫn nhịn, ẩn mình và chờ đợi cơ hội vươn lên.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi chính sách "tao guang yang hui" trong suốt hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, những động thái cứng rắn của Bắc Kinh trong khu vực kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền khiến giới quan sát đánh giá ông Tập đang muốn từ bỏ chính sách của ông Đặng để chuyển sang "chiến lược nước lớn".
Đa Chiều chỉ ra, đến nay đường lối ngoại giao "tao guang yang hui" không còn che đậy được ý định của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế bởi những bằng chứng đã trở nên quá rõ rệt.
Một vấn đề khác khiến Bắc Kinh quan ngại là chính sách "tao guang yang hui" và "giữ lập trường trung lập" của họ có thể dẫn đến kết quả là nước này "trốn tránh trách nhiệm quốc tế" như Washington cáo buộc.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tìm cách khắc phục "thiên kiến" này thông qua nỗ lực tạo dựng cơ sở kinh tế toàn cầu và viện trợ kinh tế cho nước ngoài.
Dù vậy, việc "vung tiền" đơn thuần không bù đắp được thực tế Trung Quốc "không có vị thế và tiếng nói" trong một số vấn đề tiêu điểm của quốc tế, dẫn đến tình huống Bắc Kinh bị "đứng ngoài cuộc".
Ví dụ, Nga và Mỹ đang tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria, và IS cũng tuyên chiến đồng thời với Nga-Mỹ. Chi tiết này cho thấy giữa Moscow và Washington "vẫn tồn tại khả năng hợp tác" trong vấn đề chống khủng bố.
Trong khi đó, Trung Quốc - dù tuyên bố mong muốn "có quyền phát ngôn" trong các vấn đề quốc tế - đã tỏ thái độ hờ hững với các diễn biến ở Syria, và các thế lực ở Trung Đông cũng không "đả động" gì tới Bắc Kinh.
Thành quả thực tế Trung Quốc gặt hái được trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự... đã cho thấy "tao guang yang hui" là một chiến lược đúng, nhưng các phương thức cụ thể của nó về mặt chiến thuật còn tồn tại khuyết điểm.
Bên cạnh đó, trong tình hình sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở châu Á "nhằm thẳng vào Trung Quốc" và các quốc gia trong khu vực ngày càng trưởng thành, sự bất cập của "tao guang yang hui" cũng lộ rõ hơn.
Nhìn rõ sự "nhẫn nhịn" của Bắc Kinh chỉ là tạm thời, Mỹ và đồng minh không hề buông lỏng cảnh giác mà thậm chí có nhiều tuyên bố, hành động quyết liệt hơn để buộc Trung Quốc vào khuôn khổ quy tắc, luật pháp quốc tế.
Đa Chiều nêu ra, những gì Washington đang tiến hành thực chất là minh chứng "tao guang yang hui" đã thất bại, cần phải đi đến hồi kết.
Theo Đa Chiều, chính sách ngoại giao thận trọng "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc đã bị "bắt bài" và không còn hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Đa Chiều: Can thiệp vào Trung Đông là cơ hội "ngàn năm có một"
Báo chí Trung Quốc cho hay, Bộ chính trị nước này đã tổ chức học tập tập thể hôm 12/10 vừa qua với nội dung "cục diện và thể chế quản lý chính trị toàn cầu".
Đặc biệt, truyền thông nước này dễ dàng phát hiện trong nội dung thông báo kết quả sau cuộc thảo luận không hề nhắc đến cụm từ "tao guang yang hui".
Sự thay đổi này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Trung ương 5 của đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (26-29/10) có khả năng là tín hiệu về một sự điều chỉnh chiến lược lớn của Bắc Kinh, không chỉ trên bình diện ngoại giao.
Theo Đa Chiều, dù chính phủ Trung Quốc vẫn phủ nhận mọi thông tin cho rằng nước này sẽ can thiệp quân sự vào tình hình Syria, nhưng nếu khuôn khổ mà họ theo đuổi hơn 30 năm được phá bỏ, Bắc Kinh rất có thể đã thăm dò những bước đầu tiên để hiện diện ở Trung Đông.
Không thể phủ nhận, tổ chức khủng bố IS đã trở thành một vấn đề toàn cầu khi là "kẻ thù chung" của 2 cường quốc hàng đầu là Nga và Mỹ. Trung Quốc, nếu muốn được thừa nhận là một nước lớn đúng nghĩa, không thể "im hơi lặng tiếng" trong vấn đề này.
Nếu Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở một mức độ nào đó, ví dụ như hợp tác với Nga, thì động thái này sẽ được xem là phù hợp với "định vị vị thế quốc gia và chiến lược đối ngoại" hiện nay của Trung Quốc, Đa Chiều đánh giá.
Chúng tôi lưu ý rằng, thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều đồn đại và tin về sự tham gia của Trung Quốc (vào tình hình) ở Syria. Theo thông tin của tôi, không có kế hoạch như vậy. Ví dụ, vẫn như trước tàu sân bay Liêu Ninh được sử dụng cho các mục đích khoa học.
Theo trang này, đối với quan hệ Mỹ-Trung, đây cũng là cách để Trung Quốc "giao tiếp" với Washington bằng phương thức mà nước Mỹ quen thuộc.
Việc can dự nhiều vào các sự vụ quốc tế, đặc biệt là các tranh chấp, xung đột hiển nhiên tồn tại rủi ro lớn, bằng chứng là chính Mỹ cũng bị sa lầy và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD ở Trung Đông. Nguy cơ thiệt hại này vượt ra khỏi khả năng trong giai đoạn hiện tại của Trung Quốc.
Quan trọng hơn, nước này đang đứng trước một giai đoạn với nhiều vấn đề nội bộ cam go như chống tham nhũng, cải cách kinh tế... mà đặc biệt là cuộc cải cách quân đội cấp thiết, có ý nghĩa lớn với quan hệ đối nội của Trung Quốc.
Đa Chiều dự đoán, chỉ sau khi đạt được ổn định ở những mục tiêu lớn trong nước, chiến lược đối ngoại của Trung Quốc mới thực sự được điều chỉnh đủ mạnh để cả thế giới nhìn thấy.